Ngày 14/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" (Nghị quyết 29), kết nối tới tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.


Thời gian qua, ngành GD&ĐT quận Ba Đình đã nâng cao nhận thức, tầm nhìn, năng lực, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong cả quản lý và dạy học cho toàn bộ đội ngũ toàn ngành với gần 4.000 người. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN

Dự hội nghị có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, hội nghề nghiệp cùng các đơn vị đào tạo.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ: Nghị quyết số 29 có vai trò đặc biệt quan trọng; đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo; thể hiện tầm nhìn, quyết tâm, định hướng chiến lược đối với giáo dục, phát triển bền vững đất nước. Cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là ngành Giáo dục đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra.

Đến nay, sau 10 năm, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ mong muốn cùng các Bộ, ngành, địa phương nhận diện khách quan, đầy đủ, sâu sắc bức tranh giáo dục cả nước trong 10 năm qua, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước...

Báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 đã cho thấy giáo dục và đào tạo nước ta trong 10 năm qua đã có những đổi mới rất to lớn, chuyển biến tích cực. Cụ thể, hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao, được thế giới ghi nhận. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước đảm bảo số lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới; tích cực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục; xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng... Tuy vậy, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị để sớm khắc phục.

Qua tổng kết, đánh giá từ thực tiễn cho thấy, những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 29 mang tầm chiến lược, cơ bản vẫn còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Vì vậy, Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Kết luật của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện quyết liệt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo; Hội Khuyến học Việt Nam, các đơn vị đào tạo đều cho rằng những định hướng đổi mới trong Nghị quyết 29 đã tạo điều kiện cho giáo dục phát huy thế mạnh, có nhiều đổi mới, sáng tạo, tích cực, năng động; khơi dậy mạnh mẽ sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Các địa phương trên cơ sở thực tiễn đã ban hành nhiều chính sách phát triển đội ngũ, đầu tư xây dựng cải tạo trường học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nhà giáo phù hợp. Các đại biểu cũng nêu kiến nghị nhằm thực hiện hiện quả hơn nữa Nghị quyết 29 trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định: Nghị quyết 29/NQ-TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước về giáo dục đào tạo. Ông đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm về giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Ông cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho ngành Giáo dục phát triển nhanh hơn. Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Theo TTXVN

Các tin khác


Trường THCS Kim Đồng: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Đồng chí Dương Hải Long, Hiệu trưởng trường THCS Kim Đồng, huyện Tân Lạc cho biết: Những năm qua, trường thực hiện nhiều giải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh và được kết quả quan trọng. Năm học 2022 – 2023, trường đứng thứ hai trong bảng xếp hạng về điểm trung bình thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II.

Giáo viên - Nghề chịu nhiều áp lực

Giáo viên phải đối mặt với áp lực từ học sinh, phụ huynh và xã hội. Khi xảy ra một vụ việc, dù chưa được làm rõ nguyên nhân thì họ có thể đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tập huấn về khảo thí phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới

Ngày 11/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo khai mạc chương trình tập huấn chuyên môn về khảo thí cho các cán bộ, giảng viên, giáo viên trên cả nước. Sự kiện diễn ra theo thức trực tuyến gồm 76 điểm cầu với sự tham gia của 3.591 cán bộ đang công tác tại Bộ, 63 Sở Giáo dục và Đào tạo, 12 cơ sở giáo dục đại học và giảng viên, giáo viên đến hết ngày 17/12.

PISA lý giải xu hướng giảm điểm trong cuộc khảo sát năm 2022

Từ khi Việt Nam tham gia Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) vào năm 2012, kết quả xếp hạng năm nay là thấp nhất, giảm bậc ở cả 3 lĩnh vực. Tuy nhiên, báo cáo của PISA nhận định, giảm điểm là tình trạng chung trong kết quả của cuộc khảo sát năm 2022.

Tháo gỡ khó khăn trong dạy học môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn toàn quốc về việc tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đến 63 tỉnh, thành phố.

Cả 6 học sinh Hà Nội giành huy chương Olympic khoa học trẻ quốc tế

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sáu học sinh Hà Nội tham dự Olympic Khoa học trẻ quốc tế năm 2023 tại Thái Lan đều giành huy chương, trong đó có 1 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục