Thầy, trò Trường TH&THCS An Lạc, xã Thống Nhất (Lạc Thuỷ) luôn phấn đấu thi đua dạy tốt, học tốt.
Theo đó, những quy định về dạy thêm, học thêm (DT, HT) được ngành triển khai, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh; chủ động công tác kiểm tra nội bộ, chú trọng nội dung kiểm tra việc thực hiện quy định DT, HT. Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra công tác quản lý và tổ chức DT, HT ngoài nhà trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và triển khai kiểm tra theo kế hoạch. Chỉ đạo các CSGD thông báo số điện thoại đường dây nóng để phụ huynh, người dân tiện liên lạc, phản ánh nếu phát hiện những sai phạm về DT, HT, nghiêm cấm mọi hình thức có tính chất cưỡng ép học sinh phải học thêm. Qua đó, công tác quản lý, tổ chức DT, HT trong nhà trường đi vào nền nếp, thực hiện đúng quy định, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Tuy nhiên, hiện nay không có văn bản hướng dẫn, quản lý hoạt động DT, HT ngoài nhà trường dẫn tới việc các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương không có cơ sở pháp lý để thực hiện việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức DT, HT ngoài nhà trường, vì thế vẫn còn một số cá nhân thực hiện việc DT, HT ngoài nhà trường gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Về vấn đề lạm thu ở các CSGD, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các CSGD mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh. Đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn các khoản được thu, mức chi thống nhất đối với các CSGD. Sở GD&ĐT, UBND huyện, thành phố duyệt một số khoản thu của các CSGD từ đầu năm học; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc thu, chi không đúng tại các CSGD.
Nội dung các văn bản trên được công khai trên website ngành, gửi văn bản về các CSGD dục nhằm tuyên truyền rộng rãi tới cha mẹ học sinh, học sinh và các tầng lớp nhân dân. Mặc dù vậy, công tác quản lý thu, chi các nguồn thu tại một số CSGD còn hạn chế, còn nhầm lẫn giữa nguồn thu tài trợ và các khoản đóng góp, ủng hộ tự nguyện, các khoản thu hộ, khoản thu thỏa thuận hoặc đặt ra nhiều khoản thu chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, tập trung vào thời điểm đầu năm học gây sức ép về các khoản thu lên gia đình người học. Sở GD&ĐT đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra các CSGD, qua đó phát hiện, yêu cầu đơn vị thu sai quy định phải hoàn trả lại cho học sinh, đặc biệt đối với các khoản thu không phù hợp, quá cao so với quy định.
Đối với vấn đề bạo lực học đường, các CSGD đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên cũng như cha mẹ học sinh. Tổ chức nhiều sân chơi lành mạnh cho học sinh như thành lập câu lạc bộ nghệ thuật, thể thao, tổ chức các diễn đàn "Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”, xây dựng đội tự quản trong nhà trường...; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội; nâng cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, tổ chức đoàn, hội, đội và các tổ chức khác. Do vậy, trong nhiều năm qua, ngành GD&ĐT đã xây dựng được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; không xảy ra vụ việc nghiêm trọng liên quan đến bạo lực học đường trong các đơn vị, trường học.
Theo đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT, ngành GD&ĐT đã quan tâm chỉ đạo các CSGD phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đoàn thể, đặc biệt là người đứng đầu trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhìn chung, các chủ trương lớn của ngành đều được đưa ra để cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên góp ý kiến trước khi quyết định. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có tác dụng tích cực trong xây dựng khối đoàn kết, nhất trí từ trong Đảng đến quần chúng, xây dựng sự đồng thuận trong cơ quan, đơn vị, trường học.
Hồng Trung