Bạo lực học đường là câu chuyện không mới, thế nhưng, tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều học sinh rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn cảm xúc và thậm chí có hành vi hủy hoại bản thân.


Trầm cảm do bạo lực học đường

Sau gần 3 năm bị nhóm bạn học cùng lớp bắt nạt bằng lời nói, thậm chí đánh đập, nữ sinh lớp 8 (sinh năm 2010, tại huyện Krông Na, tỉnh Đắk Lắk) rơi vào trạng thái tinh thần không ổn định, muốn giải thoát bằng cách tự hủy hoại bản thân, rạch tay, tự tử…

Nữ sinh chia sẻ, ngay từ khi bước vào lớp 6, em đã bị một nhóm khoảng 10 bạn học cùng lớp bắt nạt. Nguyên nhân do em hiền, học lực khá… khiến các bạn không thích và đã có nhiều hành vi gây bạo lực. "Một lần, các bạn sử dụng tay, chân đánh đập, tát… vào mặt, bụng khiến em rất đau đớn. Khoảng thời gian hai năm gần đây, các bạn sử dụng ngôn từ, lời nói để gây tổn thương. Đã có lần em đã xin mẹ chuyển lớp, nhưng không được”, nữ sinh chia sẻ.

Về phía gia đình, khi nghe con gái trải lòng về việc bị bạo lực học đường một thời gian dài, người mẹ rất ngạc nhiên. Bà B.T.N (phụ huynh nữ sinh) cho biết, trước đây cháu có xin gia đình cho chuyển lớp nhưng bà chỉ nghĩ cháu đòi hỏi nên cũng bỏ qua. Gần đây, thấy con có biểu hiện bất thường, nhà trường gọi lên thông báo cháu đi học tự rạch tay nên mới đưa cháu đến Bệnh viện tâm thần tỉnh Đắk Lắk để khám và được các bác sỹ yêu cầu nhập viện.

"Gia đình có hỏi nhưng cháu không nói rõ lý do, cũng chỉ biết cháu đi học bị các bạn không thích vì học lực khá hơn”, phụ huynh chia sẻ.

Theo Bác sỹ Nguyễn Thị Bé, Trưởng Khoa Khám - Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện tâm thần tỉnh Đắk Lắk, bị bắt nạt kéo dài khiến bệnh nhân luôn lo lắng, căng thẳng và sợ hãi, dễ cáu gắt. Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện biểu hiện bất thường như rạch tay... Gia đình có đưa cháu đến khám và được các bác sỹ yêu cầu nhập viện. Thế nhưng, do chủ quan, phụ huynh đã cho con về. Sau đó 1 tuần, trẻ tiếp tục có biểu hiện dùng dao lam rạch nhiều vết ở tay, suy nghĩ tiêu cực, không muốn sống, định nhảy lầu tự tử... Gia đình tiếp tục đưa con đi khám lần hai và tiến hành nhập viện. Các bác sỹ chẩn đoán, nữ sinh bị trầm cảm nặng, có ý tưởng tự sát và hành vi tự hủy hoại.

"Em học sinh này đã có ý tưởng tự sát, dùng dao lam cắt tay. Trường hợp này đang ở giai đoạn trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần. Các bác sỹ vừa điều trị thuốc để giảm lo âu, chống trầm cảm vừa thực hiện các biện pháp tâm lý để em hiểu được bệnh và có cách khắc phục điều trị bệnh lâu dài, tránh tái phát", Bác sỹ Nguyễn Thị Bé thông tin.

Theo Bác sỹ Nguyễn Thị Bé, trường hợp của nữ sinh lớp 8 không phải duy nhất. Trung bình mỗi tháng, Khoa Khám - Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện tâm thần tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận 4 đến 5 trường hợp trầm cảm lứa tuổi học sinh liên quan bạo lực học đường.

"Đây là con số khá nhiều, trong đó, một số trường hợp gia đình giấu bệnh hoặc học sinh không dám nói do lo sợ các bạn tấn công. Đây cũng là điều đáng lo ngại. Hầu hết các em đều giấu, khi tới đỉnh điểm có hành vi tự sát thì gia đình mới phát hiện”, bác sỹ Bé thông tin.

Cần can thiệp sớm

Theo Bác sỹ Nguyễn Thị Bé, trầm cảm ở lứa tuổi học đường xuất hiện rất nhiều, có thể do sang chấn tâm lý, áp lực học tập, bạo lực học đường, yếu tố gia đình, hoàn cảnh gia đình khó khăn… Trong trầm cảm có nhiều mức độ để điều trị; tùy vào từng trường hợp, các bác sỹ xây dựng phác đồ riêng để chữa trị. Bệnh nhân khó ngủ sẽ sử dụng thuốc an thần, hỗ trợ ngủ cho các em. Với trường hợp xuất hiện tình trạng loạn thần kinh, có hành vi tự sát thì phải sử dụng thuốc loạn thần. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý, giáo dục tâm lý dự phát là quan trọng nhất.

"Bạo lực học đường rất nguy hiểm. Ngay từ phía nhà trường cần giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện môi trường học tập tốt cho các em. Về phía gia đình phải quan tâm, lắng nghe, động viên con”, Bác sỹ Nguyễn Thị Bé khuyến cáo.

Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ cao cấp Cao Tiến Đức, Phó Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, theo nhiều nghiên cứu, có khoảng 20% trẻ em và thanh thiếu niên mắc một hoặc nhiều chứng rối loạn tâm thần. Kết quả nghiên cứu sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam do Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện và công bố hồi cuối năm 2022 cũng chỉ ra, trong 12 tháng, có tới 21,7% số trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Phổ biến nhất là lo âu (18,6%), trầm cảm (4,3%), 1,4% trẻ vị thành niên cho biết có ý định tự sát. Trong đó, học sinh bị trầm cảm do bạo lực học đường cũng là vấn đề cần quan tâm.

Bạo lực học đường là những hành vi gây nên tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học bao gồm các hành vi như: Đánh nhau giữa các học sinh, bứt tóc, xô đẩy, sử dụng lời nói tấn công gây xúc phạm, bôi nhọ, sỉ nhục, chế nhạo hoặc bắt người khác làm theo ý mình…

Bạo lực học đường gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể chất và tinh thần của học sinh và cả bản thân các học sinh thực hiện hành vi bạo lực. Về tinh thần, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý gây ra sự sợ hãi, lo âu, bất an, uất ức và bị ám ảnh. Trẻ trở nên lầm lì, ít nói, mất tự tin, luôn ở trong trạng thái lo lắng, ngại tiếp xúc với mọi người, lo sợ khi đến trường, có thể phát sinh hoặc làm nặng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nạn nhân của bạo lực thường có xu hướng không thể tập trung học, lo sợ khi đến lớp, dẫn đến kết quả học tập sa sút. Trẻ bị bạo hành có thể ảnh hưởng quá trình phát triển tâm lý và thể chất lâu dài, thậm chí suốt đời hoặc dẫn đến tự sát. Hầu hết các em thường không kể về những áp lực và đe dọa từ bạo lực học đường với phụ huynh hay giáo viên.

Đặc biệt, theo các nghiên cứu, với những đứa trẻ có hành vi bạo lực hoặc lạm dụng quyền hành từ khi còn nhỏ có nguy cơ cao mắc vào những tình huống nguy hiểm hơn khi lớn lên so với những đứa trẻ khác.

Theo Bác sỹ Cao Tiến Đức, học sinh trong độ tuổi từ 12-17 là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển thể chất và tâm lý. Trong giai đoạn này, tính cách đang hình thành và trẻ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố độc hại trong xã hội. Những kích thích và tác động xấu từ môi trường xung quanh có thể làm cho học sinh hình thành tâm lý bạo lực, gây ra nhiều vụ bạo lực học đường. Đôi khi chỉ bắt đầu từ những mâu thuẫn rất nhỏ trong giao tiếp hàng ngày như: Tranh chấp đồ đạc, nói xấu, hiểu nhầm hoặc xuất phát từ những bất ổn tâm lí trong gia đình; bị ảnh hưởng bởi những hành vi bạo lực từ mạng xã hội…

Để phòng, chống bạo lực học đường, Bác sỹ Cao Tiến Đức cho rằng, cần có sự phối hợp, chung tay không chỉ của học sinh mà còn có sự tham gia của gia đình, nhà trường và xã hội. Nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục cần tích cực hoàn thiện bộ rèn luyện kỹ năng sống và đưa bộ môn này vào trong nhà trường; tổ chức các hoạt động sân trường, tình nguyện mang tính hướng thiện và định hướng nhân cách cho học sinh, giúp học sinh phát huy những đức tính tốt đẹp. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn bạo lực học đường bằng cách quan tâm và giáo dục con cái, tạo ra một môi trường sống lành mạnh, yêu thương; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em mình tại trường học.


Theo TTXVN

Các tin khác


Kỳ thi vào lớp 10 THPT đảm bảo nghiêm túc, đúng quy chế

Sau khi hoàn tất thi môn Toán vào sáng 7/6, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên, năm học 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã kết thúc. Theo đánh giá, việc tổ chức thi tại các hội đồng thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không có sự cố nào xảy ra. Đề thi Toán nằm trong chương trình, tập trung ở lớp 9, bao quát nội dung kiến thức, đánh giá và phân loại được năng lực học sinh. Trong sáng 7/6 có 48 thí sinh vắng thi môn Toán.

Ngày thi đầu tiên Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 diễn ra an toàn, đúng quy chế

Ngày 6/6, trên 11.410 thí sinh trong tỉnh bước vào Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, năm học 2024 - 2025. Toàn tỉnh có 38 điểm thi với tổng số 502 phòng thi.

Ghi nhận ngày đầu thi Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025

Sáng 6/6, trên 11.410 thí sinh tỉnh bước vào ngày đầu Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, năm học 2024-2025 với môn thi đầu tiên là Ngữ văn, thời gian 120 phút.

Kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội: Tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho trên 600 cán bộ, giáo viên

Chiều 4/6, tại Hội trường Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra công tác coi thi Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024 - 2025.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 tỉnh Hòa Bình diễn ra từ ngày 6 - 8/6

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 toàn tỉnh có 11.413 thí sinh, đăng kí dự thi tại 38 điểm thi với tổng số 502 phòng thi. Có 199 thí sinh được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 9.895 học sinh, chiếm xấp xỉ 70% tổng số học sinh.

TP Hồ Chí Minh: Trường ''hot'' hút thí sinh đăng ký dự khảo sát vào lớp 6

Ngày 3/6, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) công bố số lượng thí sinh đăng ký dự khảo sát để vào lớp 6 ở ba trường trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục