Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tại Trường TH&THCS Phú Lương, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) được đầu tư góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn.
Toàn huyện có 34/60 trường học thuộc vùng ĐBKK, trên 29.000 học sinh là người DTTS, chiếm tỷ lệ 87%. Hàng năm, UBND huyện bố trí chi trả đầy đủ gạo theo chế độ để đảm bảo việc học tập của học sinh xã, thôn ĐBKK theo Nghị định số 116/2016/ NĐ-CP của Chính phủ; chi trả hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP năm 2020. Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh theo Nghị định số 86/2025/NĐ-CP năm 2015 và Nghị định số 81/2021/NĐ-CP năm 2021 của Chính phủ. Các cấp, các ngành có nhiều hoạt động thăm hỏi, trao học bổng, tặng những phần quà thiết thực để động viên, khích lệ học sinh và giáo viên các trường vùng ĐBKK trên địa bàn.
Cùng với đó, cơ sở vật chất, trường lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng. Tính đến nay, toàn huyện có 9 trường vùng ĐBKK đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Hàng năm, cơ sở vật chất của các trường vùng ĐBKK chưa xây dựng đạt chuẩn quốc gia đều được đầu tư sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu dạy và học.
Chất lượng, số lượng đội ngũ nhà giáo được quan tâm và xác định có vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng GD&ĐT. Từ năm 2022 đến nay, UBND huyện đã tuyển dụng 79 giáo viên tăng cường cho các trường, trong đó có các trường vùng ĐBKK. Trong năm 2024 tiến hành tuyển dụng 98 giáo viên theo biên chế được giao cho ngành giáo dục. Mặt khác, huyện thực hiện điều động giáo viên có nhiều kinh nghiệm, vững về chuyên môn đến công tác tại các trường vùng đồng bào DTTS và vùng ĐBKK nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó.
Với việc chú trọng triển khai nhiều giải pháp, công tác giáo dục, chất lượng GD&ĐT ở vùng đồng bào DTTS và vùng ĐBKK của huyện Lạc Sơn có nhiều chuyển biến tích cực. Hàng năm, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt từ 78% trở lên; học sinh hoàn thành chương trình và chuyển lớp cấp tiểu học và THCS đạt từ 99% trở lên; mỗi năm có hàng trăm em đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đặc biệt, năm học 2023 - 2024, huyện có 3 em học sinh DTTS đạt học sinh giỏi quốc gia bộ môn giáo dục thể chất.
Đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lạc Sơn chia sẻ: Là huyện có dân số 15,7 vạn người, đồng bào DTTS chiếm 92%, có 12 xã, 128 xóm vùng ĐBKK, để phát triển giáo dục dân tộc và vùng khó, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cùng những giải pháp đã triển khai, huyện cần huy động sự vào cuộc mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân cho sự nghiệp GD&ĐT. Các địa phương không ngừng nỗ lực vươn lên, thực hiện những giải pháp phù hợp, hiệu quả để phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân. Tập trung giải quyết được nhiều việc làm cho lao động, nhất là lao động người DTTS, vùng ĐBKK để người dân được làm việc gần nhà, nâng cao thu nhập và đời sống, có nhiều điều kiện chăm sóc, giáo dục, đầu tư cho con cái học hành. Đổi mới hơn nữa trong công tác cán bộ đối với các trường vùng ĐBKK và có những biện pháp hỗ trợ hiệu quả để giáo viên, nhân viên các trường nâng cao thu nhập và đời sống, yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng ĐBKK của huyện.
Bùi Minh
Tại Hà Nội, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam vừa tổ chức Lễ trao học bổng "Học không bao giờ cùng” lần thứ tư, năm 2024. Dự lễ có các đồng chí: Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.