Cuộc "nhập môn” hôm đó thật đáng nhớ bởi thầy trình bày dễ hiểu, gần gũi và nhất là giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp, có sức thuyết phục của thầy. Cũng lần đầu tiên, sinh viên Văn khoa biết thế nào là 5W và 1H mà sinh viên báo chí nào cũng thuộc lòng (đó là Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Tại sao? Như thế nào?). Rồi những gợi mở thế nào là tin vắn, tin ngắn, tin bình, tin tường thuật... cùng những ví dụ mang tính thực tiễn, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Người làm báo phải có tâm, tầm, tài như thế nào, cách khai thác tài liệu và sử dụng tài liệu..., tất cả đều được thầy chia sẻ, hướng dẫn cặn kẽ. Lý luận và thực tiễn liên kết với nhau nên mọi người hứng thú học hành. Nhiều buổi học sau cũng vậy, cả lớp trên 20 sinh viên thật sự thấy tâm đắc, say mê. Bên cạnh những kiến thức chung về báo chí là những câu chuyện nghề, thực tiễn báo chí nước nhà và vai trò của người làm báo trên mặt trận tư tưởng.
Thời điểm đó, trong công cuộc đổi mới của đất nước, các cơ quan báo chí hưởng ứng rầm rộ tinh thần "Nói và làm” của tác giả N.V.L nên đời sống báo chí thật sôi động. Những câu chuyện có tính "truyền lửa” của thầy khiến chúng tôi nhớ mãi... Những buổi học sau và nhiều buổi học sau nữa lớp như có thêm động lực mới, trò chuyện, trao đổi với thầy ngày một cởi mở hơn. 30 tiết học báo chí trôi qua thật nhanh... Sau này chúng tôi biết được "thầy giáo báo chí” từng là cựu sinh viên Văn khoa K8 (1963 - 1967) Đại học Tổng hợp Hà Nội... Thi hết môn có 2 bạn được thầy cho 9 điểm, còn lại tất cả được 8 điểm. Ai cũng vui, hồ hởi...
Ra trường, 2/3 sinh viên của lớp theo nghề báo chí. Có người làm ở Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài PT-TH Hải Phòng, Tạp chí Kho bạc, Báo Hoàng Liên Sơn (nay là Báo Yên Bái, Báo Lào Cai), Báo An ninh Hải Phòng, Báo Phụ nữ Việt Nam, có người làm giảng viên đại học báo chí... Trong mỗi câu chuyện hàn huyên tại các buổi hội lớp, hội khoa và hội trường, mọi người đều ôn lại kỷ niệm về những buổi đầu học môn báo chí. Có người còn lưu giữ đủ quyển vở đã chép rất kỹ các bài giảng của thầy và chia sẻ rằng, dù tập vở đã ố mờ, thỉnh thoảng mở ra xem những điều thầy truyền giảng như có thêm năng lượng, tâm huyết để làm nghề. Và mọi người đều tiếc giá hồi đó kết thúc môn học có bức ảnh chụp chung cả lớp với thầy thì quý giá biết bao...
Theo năm tháng, qua hoạt động thực tiễn, các thành viên của lớp đều biết và tự hào về "người thầy báo chí” đầu tiên, cựu sinh viên Văn khoa K8 ấy, hồi dạy lớp đang là Trưởng Ban biên tập Tạp chí Cộng sản. Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, người thầy ấy đã nắm giữ các cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước như: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Những ngày này, nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, những sinh viên Khoa Ngữ văn năm nào có những tin nhắn chia sẻ, thể hiện tình cảm đặc biệt, lòng thành kính, tiếc thương vô hạn. Nhiều người hồi tưởng lại 30 tiết học báo chí, tình cảm với thầy chia sẻ lên facebook, zalo, lại như thấy hình ảnh "người thầy báo chí" ngày nào: trẻ trung, say mê, tâm huyết với những bài giảng nhập môn báo chí gần 40 năm trước…
Bùi Huy