Tối 17/8, Học viện Báo chí và Tuyên truyền công bố điểm chuẩn ở ba phương thức: xét bằng điểm thi tốt nghiệp, xét học bạ, xét tuyển kết hợp (điểm SAT, IELTS hoặc tương đương).
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có hai thang điểm chuẩn 30 và 40.
Ở thang 30, ngành Truyền thông đa phương tiện lấy cao nhất với 28,25 ở tổ hợp C15 (Ngữ Văn, Toán học và Khoa học xã hội). Theo sau là ngành Truyền thông đại chúng, cũng ở tổ hợp này, với 28,05.
Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước lấy 24,68 tại tổ hợp A16 (Toán, Văn và Khoa học Tự nhiên), thấp nhất trong thang này. Các ngành khác gần như không dưới 25.
Với thang 40, ngưỡng trúng tuyển cao nhất là 38,12 tại ngành Lịch sử, tổ hợp C19 (Ngữ văn, Giáo dục công dân và Lịch sử). Ngôn ngữ Anh, tổ hợp D72 (Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh) thấp nhất với 34,7.
Năm ngoái, điểm chuẩn thi tốt nghiệp của học viện từ 24 đến 26,68 với thang 30 và 33,92-38,02 với thang 40. Những ngành thường lấy điểm chuẩn cao là Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng, Báo truyền hình.
Năm nay, học viện tuyển 2.050 sinh viên, tăng 100. Trường dành 15% chỉ tiêu để xét học bạ, 15% xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế kết hợp với học bạ, 70% còn lại dành xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến thu học phí 507.000 đồng một tín chỉ, áp dụng với các chương trình đại trà. Các ngành Quảng cáo, Quan hệ công chúng chuyên nghiệp, Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế, Thông tin đối ngoại, Ngôn ngữ Anh, Xã hội học, Biên tập xuất bản thu cao hơn, dự kiến 1,05 triệu đồng mỗi tín chỉ.
Các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn phí.