Một góc phòng thư viện của Trường TH&THCS Tuân Đạo (Lạc Sơn).
Mặc dù vậy, nhà trường còn nhiều khó khăn, nhất là cơ sở vật chất được đánh giá kém nhất huyện với nhiều phòng chức năng hiện được quây tôn hoặc lợp tôn. Trường cũng chưa có nhà bán trú cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên. Theo đánh giá, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học, đặc biệt trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các phòng học xây dựng đã lâu nên thường xuyên phải sửa chữa. Nhà trường chưa có nhà đa năng, phòng học bộ môn, phòng học tin học, ngoại ngữ và phòng thiết bị dạy học; sân chơi, bãi tập chưa đảm bảo. Sân trường xuống cấp, chưa đảm bảo an toàn cho các hoạt động của học sinh. Bên cạnh đó, khu vực cổng điểm trường tiểu học dốc cao, gần chợ, là nơi giao thông đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Không những vậy, là địa bàn khó khăn của huyện với tỷ lệ hộ nghèo của xã là 28%, hộ cận nghèo chiếm 18,8%. Đời sống kinh tế khó khăn, đất sản xuất nông nghiệp ít nên nhiều hộ cả hai vợ chồng đều đi làm ăn xa ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh hay các tỉnh lân cận nên việc chăm lo học hành của con còn hạn chế.
Thống kê của Trường TH&THCS Tuân Đạo cho thấy, tỷ lệ cha mẹ học sinh đi làm ăn xa, để con ở nhà với ông, bà hoặc anh, chị chiếm khoảng 40 - 50% tổng số học sinh nhà trường. Trừ trường hợp con còn nhỏ thì hai vợ chồng một người đi làm ăn xa, còn không hầu như cả hai vợ chồng đều cố gắng đi ra ngoài huyện tìm kiếm việc làm, lâu lâu mới về thăm cha mẹ và con. Chính điều đó dẫn đến khó khăn trong việc dạy học và chăm sóc học sinh, nhất là học sinh cấp tiểu học trên địa bàn xã, làm cho một bộ phận học sinh lười học, ý thức chưa tốt, chưa có mục tiêu, động lực học tập.
Hiện cơ bản học sinh của nhà trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, nhà trường đã không ngừng nỗ lực nhằm quan tâm, chăm lo phát triển giáo dục dân tộc. Theo Hiệu trưởng Trường TH&THCS Tuân Đạo Lê Quang Hoà, ngay từ đầu năm học 2024 - 2025, nhà trường tiếp tục chú trọng xây dựng nền nếp dạy và học của giáo viên, học sinh; đưa hoạt động dạy và học đi vào nền nếp, mang lại hiệu quả. Đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cha mẹ học sinh để quản lý, giám sát việc học tập ở trường cũng như ở nhà của học sinh.
Nhà trường luôn coi trọng công tác giáo dục dân tộc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh tham gia và phát huy khả năng của mình qua phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho các em, từ đó tạo động lực giúp các em vươn lên trong học tập.
Hồng Trung