Học sinh Trường THPT Tân Lạc (Tân Lạc) ngay từ đầu năm học 2024 - 2025 đã được nhà trường quán triệt, tuyên truyền về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 520 đơn vị, trường học với 231.830 học sinh. Theo đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT, ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã tập trung triển khai các giải pháp chung tay xây dựng văn hóa giao thông trong học sinh, sinh viên (HSSV) thông qua nhiều hình thức, trong đó chú trọng hình thức tuyên truyền.
Theo đó, Sở đã chỉ đạo các trường học đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về ATGT và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho HSSV; tuyên truyền HSSV chấp hành các quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; phối hợp với tổ chức đoàn thể trong nhà trường và cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự ATGT khu vực trường học.
Thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp về tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho HSSV trong các cơ sở giáo dục; tuyên truyền, vận động cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, HSSV, học viên thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, tập trung vào các nội dung: "Đã uống rượu, bia không lái xe”; "Không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông”; "Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện”; "Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô”; "Không lái xe vượt quá tốc độ cho phép”... Tuân thủ các quy tắc giao thông; phòng ngừa tai nạn đường đèo dốc, trên những cung đường miền núi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường bộ; tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn khi ngồi trên phương tiện thủy nội địa…
Các nhà trường phối hợp Ban đại diện cha mẹ học sinh tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Tổ chức cho phụ huynh học sinh ký cam kết với nhà trường về việc nghiêm chỉnh chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; không giao xe mô tô, xe gắn máy cho học sinh, học viên khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; không chở quá số người quy định… Tổ chức cho HSSV, học viên ký cam kết nghiêm túc thực hiện điều khiển xe gắn máy và các phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện phải đội mũ bảo hiểm, không lạng lách, đánh võng, không chở quá số người quy định, không dàn hàng hai, hàng ba... khi tham gia giao thông.
Đối với các cơ sở giáo dục có hợp đồng xe ô tô đưa, đón trẻ mầm non, học sinh đi học: lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn, lái xe phải có ý thức tốt, giao tiếp, ứng xử với học sinh có văn hóa và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT…
Theo Sở GD&ĐT, năm học 2024 - 2025, ngành tiếp tục triển khai thực hiện và tổng kết các chương trình: "Tôi yêu Việt Nam” dành cho trẻ mầm non; "ATGT cho nụ cười trẻ thơ” dành cho học sinh tiểu học; "ATGT chonụ cười ngày mai” dành cho học sinhTHCS, THPT.
Lồng ghép nội dung giáo dục về văn hóa giao thông, ATGT vào các môn học Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật, tiếng dân tộc thiểu số và các hoạt động giáo dục khác đảm bảo phù hợp, hiệu quả… nhằm nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm và dần hình thành thế hệ công dân ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.
Các đơn vị, trường học xây dựng tiêu chí chấp hành pháp luật về trật tự ATGT là một trong những tiêu chí bình xét thi đua, đánh giá công chức, viên chức, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm học. Xây dựng các quy định cụ thể về xử phạt HSSV, học viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ, có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng để kịp thời giáo dục, nhắc nhở học sinh; thông báo cho phụ huynh biết để cùng phối hợp thực hiện.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và các cơ quan, tổ chức hữu quan để xử lý kịp thời vấn đề phát sinh liên quan đến thực hiện quy định về trật tự ATGT đối với cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, người lao động và HSSV, học viên thuộc phạm vi quản lý của đơn vị.
Hồng Trung