Ngày 25/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Chúng ta vẫn thường nói tới truyền thống trọng học, hiếu học, truyền thống văn hiến. Những giá trị truyền thống này đáng tự hào, thể hiện ở nhiều yếu tố như: Số người đi học, tinh thần học tập, việc tôn sư trọng đạo... Nhưng một đất nước trọng học và hiếu học cũng cần thể hiện ở những ngôi trường khang trang, để thầy cô tác nghiệp và học sinh học hành".
Hiện nay, cả nước có tỷ lệ kiên cố hóa bình quân đạt 86%, riêng mầm non và tiểu học đạt 83%, tỷ lệ này đã tăng cao so với 10 năm trước, nhưng tỷ lệ chưa kiên cố hóa lại chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Trung bộ, Tây Nam Bộ; tỷ lệ chưa kiên cố hóa phòng học bậc mầm non và tiểu học tại nhiều tỉnh còn tới trên 40% như Đắk Nông, Kon Tum, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu… Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, mục tiêu trường ra trường, lớp ra lớp cần thực hiện hiệu quả hơn nữa.
Nêu quan điểm trường học là một thiết chế cộng đồng, thuộc cộng đồng, trong cộng đồng, người đứng đầu ngành đề xuất, trường học cần được cộng đồng quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ. Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, đã dành nhiều nguồn lực, nhiều chương trình, dự án, đề án, kinh phí cho công việc kiên cố hóa trường học để đạt được tỷ lệ phòng học kiên cố hóa toàn quốc. Các địa phương, các tỉnh thành trong cả nước cũng đã rất cố gắng trong việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư; quy hoạch và xác định rõ từng khu vực cần ưu tiên xã hội hóa, tuyên truyền về ý nghĩa của việc xã hội hóa giáo dục...
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong rằng, qua Hội nghị hôm nay, sự quan tâm của xã hội với việc kiên cố hóa trường học được gia tăng và chú ý nhiều hơn, công việc hiệu quả hơn, tập trung hơn. Những tấm gương tốt lành thiện tâm sẽ được nhân lên. Đến nay, đã có trên 300 tổ chức, doanh nghiệp và hàng nghìn cá nhân đã tham gia đóng góp để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên (10 năm qua đã có 37.200 phòng học và nhà ở công vụ cho giáo viên được xây dựng từ nguồn xã hội hóa, với số kinh phí ước tính khoảng trên dưới 30.000 tỷ đồng).
Với trách nhiệm quản lý Nhà nước, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng chương trình đầu tư công, hướng tới mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030, phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án và nhiệm vụ khác. Bộ cũng sẽ rà soát các chính sách để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, nhằm thu hút nhiều hơn nguồn lực xã hội.
Theo Baotintuc.vn
Ngày 16/10, Sở GD&ĐT tổ chức Hội thảo vai trò nữ cán bộ quản lý trong đổi mới giáo dục. Hội thảo có sự tham dự của 90 đại biểu là nữ cán bộ quản lý giáo dục, Chủ tịch Công đoàn trường, giáo viên tiêu biểu trong toàn tỉnh.
Sau 4 phần so tài gay cấn, thí sinh Võ Quang Phú Đức (học sinh Trường THPT Chuyên Quốc học, Thừa Thiên - Huế) đã vượt lên các thí sinh đến từ Phú Yên, Gia Lai, và Hà Nội, giành chức vô địch đường lên đỉnh Olympia năm 2024.
Ngày 11/10, Sở GD&ĐT tổ chức Hội thảo về thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, kết hợp tập huấn nâng cao năng lực cho các hiệu trưởng trường mầm non trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động trải nghiệm ngoài trời thông qua các trò chơi đóng vai tại Trường mầm non thị trấn Hàng Trạm (Yên Thuỷ) được triển khai trong năm học vừa qua đã đạt hiệu quả cao, có sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp trẻ ngày càng năng động, mạnh dạn, tự tin hơn, phát triển khả năng tư duy và trí tưởng tượng phong phú. Đồng thời, góp phần hình thành và nâng cao mối quan hệ thân thiện giữa giáo viên với trẻ và giữa trẻ với trẻ.
Những năm qua, Hội Khuyến học các cấp huyện Cao Phong triển khai thực hiện nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài, nổi bật là phong trào tiết kiệm nuôi lợn nhựa. Phong trào được triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong 673 người được đề nghị xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành loại 91 người.