Ông Lê Quang Hưởng, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay bên cạnh thẻ dự thi có dán ảnh của thí sinh thì khi vào phòng thi yêu cầu thí sinh phải có kèm thêm bản photo giấy chứng minh nhân dân có công chứng.

Dự thi tốt nghiệp THPT năm nay thí sinh phải mang thêm bản photo chứng minh nhân dân có công chứng.
 
Trao đổi với báo chí ngày 14/4 tại hội nghị thi tốt nghiệp THPT 2010, ông Lê Quang Hưởng, Phó Chánh Thanh tra Bộ khẳng định: Đây chính là biện pháp để đối chiếu tránh thi hộ, thi kèm. Những trường hợp chưa được cấp hoặc mất giấy chứng minh nhân dân phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc cơ quan Công an có thẩm quyền; nếu gia đình thí sinh không có sổ hộ khẩu riêng, có thể sử dụng Giấy xác nhận của UBND cấp xã với đầy đủ thông tin như trong sổ hộ khẩu.

Nếu trường hợp quá gấp thí sinh không làm kịp các thủ tục trên thì các hội đồng thi vẫn phải tạo điều kiện để thí sinh đó dự thi với điều kiện thí sinh đó phải viết cam đoan, có ít nhất hai thí sinh khác ký xác nhận làm chứng. Sau khi thi xong, thí sinh phải bổ sung những giấy tờ còn thiếu tới hội đồng coi thi.

Trong kỳ thi tốt nghiệp năm trước, các địa phương phản ánh có quá nhiều thanh tra Bộ “cắm chốt” tại hội đồng thi, nhiều khi không có tác dụng và làm phiền hà. Vậy năm nay, Bộ có thay đổi gì về bố trí lực lượng thanh tra tại các địa phương?

Năm nay, không còn lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT cắm chốt tại các địa phương như những năm trước. Thay vào đó, Bộ thành lập mỗi tỉnh, thành phố 2 đoàn thanh tra lưu động để kiểm tra đột xuất Hội đồng coi thi.

Bộ chỉ ra quyết định điều động cán bộ, giảng viên các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng tham gia thanh tra, giám sát công tác in sao đề thi, coi thi. Mỗi tỉnh, thành có 1 đoàn thanh tra gồm trưởng đoàn và từ 5-10 thành viên.

Do lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ giảm, không cắm chốt tại các hội đồng thi nên trách nhiệm thanh tra của Sở GD-ĐT sẽ cao hơn, nếu năm ngoái 15 phòng thi mới có 1 cán bộ thanh tra của Sở GD-ĐT thì năm nay tỷ lệ này là 10 phòng thi có 1 thanh tra.

Việc giảm thanh tra ủy quyền có dẫn tới tình trạng “nới lỏng” giám sát việc thực hiện một kỳ thi nghiêm túc?

Quan điểm của Bộ không làm thay cấp dưới. Vấn đề cốt lõi là làm sao quán triệt từ học sinh, giáo viên thực hiện tốt quy chế trong thi cử. Do vậy, không nên quan niệm thanh tra là người giám sát và quyết định tính nghiêm túc của kỳ thi, điều này phụ thuộc phần lớn vào cấp cơ sở và muốn như vậy phải tăng trách nhiệm của địa phương. Nếu giám thị, hội đồng coi thi không nghiêm túc thì có bao nhiêu thanh tra cũng không kiểm tra được.

Qua 3 năm thực hiện cuộc vận động “hai không” thì công tác thi cử đã dần đi vào ổn định nên lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ cắm chốt tại các hội đồng coi thi là không thực sự cần thiết nữa và gây lãng phí. Cần phải đổi mới công tác thanh tra trong thi cử và tăng trách nhiệm ở địa phương.

Nhưng trong quá trình thanh tra đột xuất, nếu phát hiện thí sinh, giám thị, nhân viên… tại hội đồng thi vi phạm quy chế thì cán bộ thanh tra phải kiên quyết xử lý hoặc yêu cầu xử lý theo quy định.

Trong kỳ thi sắp tới, ông có lời khuyên nào đối với thí sinh?

Đối với thí sinh, tôi đặc biệt lưu ý các em là tuyệt đối không được mang theo và sử dụng các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân trong khu vực thi khi các buổi thi đang diễn ra.

Mang điện thoại di động vào phòng thi, dù không sử dụng hoặc để ở chế độ tắt nguồn thì vẫn bị coi là vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi. Chúng tôi cũng yêu cầu các hội đồng coi thi phải có nơi để thí sinh gửi điện thoại di động trước khi vào phòng thi.

Còn về tài liệu, thí sinh cần biết rằng, cách ra đề hiện nay đã không còn cơ hội cho thí sinh có thể giở tài liệu ra chép vì không phải là đề học thuộc. Các em mà cứ trông cậy vào tài liệu thì không làm được bài và dễ bị xử lý.

                                                                                  Theo Dantri

Các tin khác


Tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã, đang tập trung cho học sinh ôn tập đảm bảo có kết quả tốt nhất. Đồng thời, cơ quan chức năng chỉ đạo triển khai kế hoạch đảm bảo kỳ thi an toàn, chất lượng.

Tổng kết chuyên đề “An toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục mầm non” giai đoạn 2020 - 2024

Ngày 20/5, tại huyện Tân Lạc, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện chuyên đề "An toàn giao thông (ATGT) trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN)” giai đoạn 2020 - 2024. 

Hội thi Phụ trách sao giỏi - Sao Nhi đồng chăm ngoan

Ngày 18/5, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Hội thi "Phụ trách sao giỏi – Sao nhi đồng chăm ngoan” năm 2024 với sự tham gia của 70 đội viên, thiếu niên, nhi đồng của 10 đội thi đến từ các huyện, thành phố.

Trường mầm non Lạc Sỹ: Xây dựng môi trường giáo dục gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cho trẻ

Lạc Sỹ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy, cách trung tâm huyện 20 km. Trường mầm non xã có 2 điểm trường lẻ cách điểm trường trung tâm 4km. 100% phụ huynh và học sinh là người dân tộc Mường, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 10 nhóm/lớp và 198 trẻ, 40 cán bộ giáo viên, nhân viên.

Tổng kết cuộc thi xây dựng trường học xanh - an toàn - hiệu quả      

Ngày 17/5, Sở GD&ĐT tổ chức tổng kết Cuộc thi Xây dựng trường mầm non "Xanh - an toàn - hiệu quả” và Cuộc thi Xây dựng không gian trường học, lớp học "An toàn - sáng tạo - hiệu quả” cấp tiểu học, năm học 2023 - 2024.   

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục