Ngoài giảng dạy về kiến thức chung, học sinh trường THCS Đông Phong còn được giảng dạy những kiến thức về lịch sử, truyền thống dân tộc

Ngoài giảng dạy về kiến thức chung, học sinh trường THCS Đông Phong còn được giảng dạy những kiến thức về lịch sử, truyền thống dân tộc

(HBĐT) - Đông Phong là một xã vùng thấp huyện Cao Phong, tuy nhiên, do diện tích đất canh tác ít, trình độ dân trí hạn chế nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây còn rất nhiều khó khăn. Những yếu kém về kinh tế - xã hội đã tác động một phần không nhỏ đến chất lượng giáo dục, đặc biệt là đối với giáo dục dân tộc.

 

Ông Bùi Văn Liện, Chủ tịch UBND xã cho biết: Công tác giáo dục nói chung, giáo dục dân tộc nói riêng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Sự quan tâm đó được thể hiện qua những việc làm thiết thực như mở rộng mạng lưới các chi trường học đến tận thôn bản, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hiện đại. Bên cạnh đó, đã có nhiều chính sách, nhiều chương trình hỗ trợ nhằm khuyến khích con em dân tộc thiểu số, con em có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Tuy nhiên, giáo dục dân tộc ở Đông Phong cũng gặp không ít khó khăn do nhận thức của đa số bậc cha mẹ còn hạn chế. Mặt khác, chất lượng giáo dục còn tương đối thấp là do rào cản về ngôn ngữ bởi không ít em học sinh khi cắp sách đến trường mới bắt đầu tập nói tiếng phổ thông.

 

Xác định vấn đề công tác giáo dục vùng dân tộc miền núi không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là trách nhiệm thực hiện quyền được học tập đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cấp ủy Đảng, chính quyền ở đây đã khắc phục khó khăn chủ động áp dụng nhiều sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Cô Lê Thị Kim Thuấn, Hiệu trưởng trường THCS xã Đông Phong cho biết: hàng năm các trường đều phối hợp với Đảng ủy, UBND xã tổ chức hội nghị giáo dục toàn xã. Tại hội nghị, tất cả những khó khăn trong công tác giáo dục của xã đều được thảo luận công khai, định hướng giải quyết cụ thể và từ đó giao trách nhiệm trực tiếp cho các giáo viên, các bậc cha mẹ phụ huynh học sinh và chính quyền, đoàn thể xã. Đối với các nhà trường,  ngoài việc duy trì vững chắc thành quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, nhà trường luôn đề cao ứng dụng các phương pháp dạy học sao cho phù hợp với hoàn cảnh của địa phương, tích cực bám lớp, bám trường để có những cách truyền tải phù hợp nhất đến các em học sinh dân tộc thiểu số.

 

Bên cạnh đó, các thầy cô giáo ở đây đã chú trọng nâng cao năng lực giao tiếp (nghe, nói) cho các em học sinh. Cô giáo Thuấn tâm sự: Do ở nhà các em chủ yếu nói tiếng dân tộc nên khi đi học các em cũng thường giao tiếp bằng tiếng dân tộc. Nhiều thầy cô giáo một phần là người bản địa, một phần vì lý do muốn gần gũi với các em cũng cố học tiếng dân tộc để trao đổi với các em. Hiện nay, tự bản thân mỗi thầy cô giáo đặc biệt là các thầy cô giáo thuộc khối mầm non và tiểu học thay đổi cách nghĩ, kiên trì tiếp cận và trao đổi với các em bằng tiếng phổ thông để các em tự tin hơn khi đến lớp. Vì vậy,  trong các môn học và các buổi ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, các trường đã phối hợp bồi dưỡng thêm kiến thức bộ môn tiếng Việt cho các em học sinh, xây dựng môi trường giao tiếp tiếng việt ở trường học và gia đình.

 

Ngoài những nỗ lực của các thầy cô giáo còn có sự quan tâm của cả cộng đồng đã giúp cho nhiều con em dân tộc thiểu số Đông Phong đến trường. Với  quyết tâm, huy động 100% trẻ em đúng độ tuổi đều được đến trường học tập và rèn luyện, kể cả những học sinh khuyết tật hoà nhập, không để học sinh bị thất học, bỏ học,  nhiều năm trở lại đây, Đông Phong đã chấm dứt tình trạng học sinh bỏ học, thất học.

 

Nhờ có sự giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng, 37 em học sinh thiểu số thuộc gia đình hộ nghèo của xã đã được đến trường. Nhiều em đã không còn người thân gia đình, mất bố hoặc mẹ nhưng vẫn nỗ lực vươn lên trở thành tấm gương hiếu học như em Bùi Thị Phương, học sinh lớp 2, Bùi Thị Thu Nhật, học sinh lớp 1 là những em mồ côi nhưng đã được Đảng uỷ, chính quyền xã quan tâm giúp đỡ nên các em có điều kiện theo học. Chất lượng học tập của con em đồng bào miền núi ngày càng tăng. Trong năm học 2009 – 2010, xã có 48% học sinh dân tộc thiểu số có học lực khá, 6% học sinh giỏi. Đặc biệt, xã có 7 em học sinh giỏi cấp huyện, 2 em học sinh giỏi cấp tỉnh đều là học sinh dân tộc thiểu số. 

 

                                                                                   Đinh Hòa

 

Các tin khác


Tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã, đang tập trung cho học sinh ôn tập đảm bảo có kết quả tốt nhất. Đồng thời, cơ quan chức năng chỉ đạo triển khai kế hoạch đảm bảo kỳ thi an toàn, chất lượng.

Tổng kết chuyên đề “An toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục mầm non” giai đoạn 2020 - 2024

Ngày 20/5, tại huyện Tân Lạc, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện chuyên đề "An toàn giao thông (ATGT) trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN)” giai đoạn 2020 - 2024. 

Hội thi Phụ trách sao giỏi - Sao Nhi đồng chăm ngoan

Ngày 18/5, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Hội thi "Phụ trách sao giỏi – Sao nhi đồng chăm ngoan” năm 2024 với sự tham gia của 70 đội viên, thiếu niên, nhi đồng của 10 đội thi đến từ các huyện, thành phố.

Trường mầm non Lạc Sỹ: Xây dựng môi trường giáo dục gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cho trẻ

Lạc Sỹ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy, cách trung tâm huyện 20 km. Trường mầm non xã có 2 điểm trường lẻ cách điểm trường trung tâm 4km. 100% phụ huynh và học sinh là người dân tộc Mường, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 10 nhóm/lớp và 198 trẻ, 40 cán bộ giáo viên, nhân viên.

Tổng kết cuộc thi xây dựng trường học xanh - an toàn - hiệu quả      

Ngày 17/5, Sở GD&ĐT tổ chức tổng kết Cuộc thi Xây dựng trường mầm non "Xanh - an toàn - hiệu quả” và Cuộc thi Xây dựng không gian trường học, lớp học "An toàn - sáng tạo - hiệu quả” cấp tiểu học, năm học 2023 - 2024.   

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục