Chỉ còn hơn 3 ngày nữa là bước vào năm học mới (bắt đầu từ 16-8), thế nhưng, điệp khúc thiếu trường lớp cục bộ lại tiếp tục tái diễn…

 

Học sinh bán trú Trường THCS Kim Đồng Q5 trong giờ cơm trưa. Ảnh: MAI HẢI

Bỏ trường điểm vì... không có bán trú

Anh V.Thực có con đã được nhận vào Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp) lo lắng: “Mấy ngày nay, tôi như ngồi trên đống lửa, cứ nhấp nhỏm chờ đợi vì vẫn chưa biết trường có tổ chức bán trú hay không. Mà nghe đâu, năm nay trường không tổ chức bán trú vì học sinh (HS) quá đông. Nếu vậy chắc tôi cho con học trường bình thường…”.

Tình cảnh bất ban tương tự cũng bao phủ Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Gò Vấp), khi cận kề ngày tựu trường mà trường vẫn chưa quyết là có tổ chức bán trú hay không vì số HS lớp 1 vào học tăng cao. Không ít phụ huynh đã tìm cách chuyển sang Trường Tiểu học Minh Khai, Chi Lăng - những nơi có tổ chức bán trú dù có cơ sở vật chất thua xa các trường “điểm”.

Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp trăn trở: “Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thể gút lại là có tổ chức bán trú như mọi năm hay không vì số HS quá đông trong lúc trường lớp thiếu trầm trọng. Năm nay hầu hết các lớp bán trú ở các trường đều giảm, thậm chí có nguy cơ bỏ bán trú vì không có thêm trường tiểu học mới nào được xây dựng”.

Ở quận Thủ Đức, chỉ riêng bậc tiểu học đã tăng 800 em. Do đó, các trường Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Triết, Lương Thế Vinh, Bình Chiểu có thể sẽ cắt giảm lớp 2 buổi/ngày và lớp bán trú để giải quyết đủ chỗ học. Ở các quận có tỷ lệ HS tăng cao như Tân Phú, Bình Tân… có lớp, sĩ số lên đến 50 em. Chính vì vậy, việc tổ chức các lớp bán trú, tăng cường tiếng Anh đang là vấn đề đau đầu của các trường.

Nhiều dự án “treo”

Mỗi năm, TPHCM tăng khoảng 10.000 HS ở tất cả các cấp học, trong khi các dự án xây trường mới luôn “trễ hẹn”. Thực tế cho thấy, ngành giáo dục luôn bị đặt trước sự đã rồi khi năm nào cũng phải lo thực hiện chủ trương đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ.

Năm học 2010 - 2011, toàn TPHCM chỉ có thêm 1.059 phòng học mới khiến tình trạng thiếu phòng học tại TPHCM lại tiếp tục tiếp diễn. Trong khi đó, hàng trăm dự án trường học khác lại bị “treo” suốt nhiều năm liền.

Theo kế hoạch, Trường Tiểu học Tây Bắc Lân sẽ hoàn thành vào tháng 12-2010, nhưng đến nay công trường còn bộn bề, diện tích mặt bằng chưa được thu hồi 100%. (Ảnh chụp chiều 12-8-2010). Ảnh: MAI HẢI

Tại quận 4, vẫn còn nhiều dự án xây trường cả chục năm chưa thấy đâu. Dự án Trường THPT Nguyễn Khuyến rộng 10.000 m² ở đường Bến Vân Đồn giải tỏa 10 năm nhưng vẫn chưa xong. Tương tự, Trường Tiểu học Xóm Chiếu, đã được duyệt dự án xây dựng từ năm 2006, đến nay vẫn “đứng yên” vì không giải phóng được mặt bằng.

Ông Lưu Văn Thành, Trưởng phòng GD-ĐT quận 4 cho biết: “Các dự án xây trường đều nằm ở vị trí kho bãi nên phải chờ các kho bãi di dời. Ngoài ra, hầu hết dự án các chung cư ở quận 4 trước khi xây dựng đều có dành chỗ cho trường học nhưng sau khi xây xong, nhiều chung cư… thất hứa”.

Quận Thủ Đức là một trong những quận có nhiều dự án trường “treo” từ nhiều năm nay. Cụ thể là 3 dự án: Trường THCS Lê Văn Việt (vốn đầu tư 77 tỷ đồng), THCS Linh Xuân (hơn 51 tỷ đồng), Tiểu học Ngô Chí Quốc (gần 40 tỷ đồng) đều là vốn ngân sách TP. Cho đến nay, chỉ có dự án Trường THCS Lê Văn Việt là đã giải ngân được 50% vốn để giải phóng mặt bằng. Trong 4 dự án có kế hoạch đưa vào hoạt động trong năm học này, chỉ có Trường Mầm non Tam Phú là đúng tiến độ.

Các dự án còn lại như Trường Mầm non Linh Tây, Linh Đông, THCS Linh Trung chưa biết đến bao giờ mới xây xong. Ở quận 9, Trường THCS Phước Long luôn trong tình trạng quá tải nên năm học này HS cũng chỉ học 1 buổi/ngày. Trong khi đó, quỹ đất ở quận 9 vẫn còn nhưng không hiểu sao P.Phước Long A vẫn “trắng” trường tiểu học và THCS nên Trường THCS Phước Long A phải gánh trọn áp lực cho quận.

Chưa kể, TP vẫn còn 14 phường thuộc các quận: 3, 4, 6, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp vẫn chưa có trường mầm non công lập dù chủ trương xây dựng đã có từ nhiều năm nay.

Mỗi năm tăng thêm 600 - 1.000 phòng học vẫn không đủ

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Mỗi năm TP có thêm từ 600-1.000 phòng học mới. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng dân số cơ học quá đông, số phòng học này cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, ngành giáo dục gặp rất nhiều khó khăn trong việc giảm sĩ số, tăng tỷ lệ học 2 buổi/ngày. Hiện nay, TP vẫn tiếp tục thực hiện xây dựng theo quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng, thủ tục xây dựng còn rườm rà nên dẫn đến việc xây dựng trường học chậm.  Để tháo gỡ vấn đề này, các ngành cần quan tâm, tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp tránh tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng chung của toàn ngành”. 

Chỉ tiêu phấn đấu của ngành giáo dục TPHCM đến năm 2010 sẽ có 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày nhưng năm học 2009 - 2010 chỉ đạt 68%. Với tốc độ xây dựng trường như hiện nay, tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày sẽ không thể thực hiện được.

* TPHCM  hiện có 392 dự án xây dựng trường học, tổng vốn đầu tư  hơn 15.388 tỷ đồng, đã giải ngân được 55,89%. Trong đó có 83 công trình chuyển tiếp từ năm 2009, 45 dự án khởi công mới, 40 dự án chuẩn bị thực hiện và 224 dự án chuẩn bị đầu tư.

 

                                                                                   Theo SGGP

Các tin khác


Cần chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 từ sớm, không lơ là, chủ quan

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp phiên đầu tiên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và tuyên dương học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024

Ngày 16/5, Sở GD&ĐT tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ XVI, năm 2023 và tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu.

Nhiều bất cập với giáo viên được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo

Tại dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, thực tế đội ngũ nhà giáo còn có một số bất cập.

Đồng bộ giải pháp đảm bảo đủ SGK cho năm học mới

Bảo đảm đủ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh luôn là nhiệm vụ các nhà trường, địa phương đặc biệt quan tâm.

Những lưu ý trong tuyển sinh

Hiện nay, các trường đại học bắt đầu triển khai các phương thức xét tuyển sớm trong tuyển sinh năm 2024. Để hạn chế các sai sót, tạo thuận lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã đưa ra các lưu ý để thí sinh, trường đại học và các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyển sinh đạt kết quả tốt nhất.

Dự thảo Luật Nhà giáo: Quy định chức danh, chuẩn nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định chức danh, chuẩn nhà giáo, chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục