Học sinh tìm hiểu ngành điện lạnh tại xưởng thực hành của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM vào sáng 16-1.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 đang cận kề, học sinh lớp 12 ở các trường trung học phổ thông (THPT) đang đứng trước nhiều lựa chọn cũng như băn khoăn với nhiều câu hỏi nên chọn học ngành nghề nào, trường đại học nào phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế của gia đình.
Nhằm giúp các em học sinh có cái nhìn toàn diện, thực tế hơn những ngành nghề mà mình theo đuổi cho tương lai, các trường ĐH-CĐ đã cùng trường THPT giúp học sinh mắt thấy tai nghe những ngành nghề đang đào tạo.
Đón học sinh tham quan
Chỉ còn 2 tháng để học sinh chọn ngành nghề, chọn trường ĐH để làm hồ sơ đăng ký dự thi. Khoảng thời gian này đối với những học sinh lớp 12 là một thách thức khi phải đứng trước một quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời. Trước thực tế này, nhiều trường ĐH-CĐ đã chủ động mở cửa đón tiếp các trường THPT có nhu cầu hướng nghiệp cho học sinh từ nay đến tháng 3-2011.
Từ đầu tháng 1 đến nay, phòng đào tạo và phòng công tác chính trị sinh viên nhiều trường ĐH-CĐ tại TPHCM đã liên tiếp nhận được nhiều đơn đặt hàng cho học sinh tham quan tìm hiểu ngành nghề đào tạo từ các trường THPT ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và khu vực ĐBSCL. Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Sư phạm… cũng gật đầu đón tiếp hàng chục lượt trường THPT muốn đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu ngành nghề, điều kiện cơ sở vật chất.
Ngày 16-1, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã đón hơn 4.000 học sinh và khoảng 70 thầy cô giáo tham gia “Ngày hội mở 2011” để thầy và trò cùng tìm hiểu ngành nghề, môi trường học tập, sinh hoạt của một trường đại học. Nét mới năm nay là ban giám hiệu, lãnh đạo các khoa, các chuyên gia trao đổi với học sinh về mục tiêu đào tạo, khả năng và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp của ngành nghề đào tạo. Không chỉ dừng lại ở những lời hỏi đáp, tham quan các phòng thí nghiệm, những thiết bị thực hành mà nhiều khoa đã tổ chức giao lưu để học sinh tận mắt thấy được người thật, việc thật những ngành nghề đào tạo của nhà trường. Sau khi tham gia chia sẻ cùng sinh viên và cựu sinh viên tại Khoa Tự động hóa, học sinh Trần Anh Tuấn, Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Trảng Bom, Đồng Nai) bộc bạch: Thật sự học những ngành cơ khí, tự động hóa không quá cực nhọc như em từng nghĩ. Sau chuyến tham quan thực tế này, không chỉ em và nhiều bạn cùng trường sẽ càng tự tin hơn khi quyết định chọn ngành cơ khí tự động hóa để vào đời…
Không chỉ học sinh có nhu cầu tìm hiểu ngành nghề mà nhiều thầy cô giáo ở các tỉnh xa cũng muốn tích lũy thêm thông tin tuyển sinh, đào tạo của các trường ĐH-CĐ. Trong khi các em học sinh tỏa đi các phòng thí nghiệm tham quan, hơn 70 thầy cô giáo của hơn 40 trường THPT đã tập trung tại giảng đường lớn của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tìm hiểu quy định đào tạo, cách học cũng như triển vọng nghề nghiệp của nhiều ngành nghề. Ông Phạm Quốc Thắng, giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) chia sẻ: “Do trường ở xa nên tôi đại diện đến trường tham dự buổi tọa đàm. Những gì thu thập được hôm nay, tôi sẽ cung cấp cho học sinh của trường, giúp học sinh có định hướng chọn nghề hợp lý”.
Chọn đúng ngành, học đúng trường
Học sinh tìm hiểu ngành thiết kế thời trang tại Khoa Công nghệ may và thời trang Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM vào sáng 16-1. Ảnh: T.HÙNG |
Sau nhiều lần đưa học sinh Trường THPT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM đi thực tế tìm hiểu ngành học tại các trường ĐH-CĐ và trung cấp chuyên nghiệp, thầy Đinh Luân Minh Đức cho rằng, cách đưa học sinh tiếp cận trực tiếp với từng ngành nghề ở từng trường thật sự có hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của học sinh. “Mỗi năm, chúng tôi có khoảng 200 học sinh lớp 12 và trường cũng tư vấn rõ là các em nên chọn ngành nghề trước rồi căn cứ trên năng lực, điều kiện thực tế chọn trường để học”. Với cách làm này, những học sinh có học lực khá giỏi mới đăng ký vào các trường ĐH. Còn lại các em tập trung tìm hiểu và đăng ký vào các trường CĐ và trung cấp.
Th.S Trần Đình Lý, Trưởng phòng Công tác Sinh viên và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết: Khi công tác hướng nghiệp ở các cấp học dưới chưa được quan tâm đúng mức, cách đưa học sinh đến với trường ĐH-CĐ tham quan, tìm hiểu như hiện nay của các trường THPT là thật sự hữu ích. Từ lý thuyết đến thực tế là một khoảng cách rất lớn. So với cách hướng nghiệp qua sách vở, nói miệng, cách đưa học sinh đi thực tế, nghe tận tai thấy tận mắt bao giờ cũng có hiệu quả rất thiết thực với các em.
Dưới cái nhìn của một người làm quản lý đào tạo lâu năm, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, chia sẻ: “Đưa học sinh tham quan tìm hiểu thực tế quy mô cơ sở vật chất, điều kiện học tập tại các trường ĐH là rất hiệu quả. Từ thực tế tham quan những điều kiện “học và hành”, các em sẽ mạnh dạn quyết định chọn ngành nghề cho tương lai của mình. Ngoài ra, bản thân các trường ĐH-CĐ cũng giới thiệu hình ảnh, uy tín của mình với người học”. Tuy nhiên, TS Dũng cũng lưu ý: Để giúp học sinh thật sự chọn đúng ngành, học đúng trường, ban giám hiệu và bộ phận hướng nghiệp ở các trường THPT cần mở rộng quan hệ để đưa các em tiếp cận thực tế với nhiều loại hình trường ĐH-CĐ để học sinh có cái nhìn toàn diện và có lựa chọn hợp lý hơn là chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” ở một trường.
Năm nay, số lượng trường THPT đăng ký tham quan tìm hiểu ngành nghề đào tạo tại các trường ĐH-CĐ ở TPHCM tăng mạnh so với mọi năm. Từ đầu tháng 1 đến nay, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đã tiếp gần 10 lượt trường THPT tham quan (tăng gần gấp đôi so với năm 2010), Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên và nhiều trường khác cũng dự kiến có khoảng trên vài ngàn học sinh tham quan. Theo đại diện các trường ĐH-CĐ, để đảm bảo yêu cầu tư vấn đạt hiệu quả, không phải tốn nhiều chi phí khi thông qua các công ty làm dịch vụ, các trường THPT nên trực tiếp liên hệ với phòng đào tạo hoặc bộ phận tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ trước khi đưa học sinh đến tham quan. |
Theo SGGP
Học sinh (HS) tiểu học luôn hiếu động nhưng không phải em nào cũng may mắn được học tập trong một ngôi trường có không gian rộng rãi để thỏa sức nô đùa. Điều này càng trở nên hiếm hoi ở các thành phố lớn.
Nhiều chậm trễ trong việc bù lại học phí cho HS, SV chính sách là lý do khiến thời gian qua đã có nhiều em gửi thư “kêu cứu” đến báo Dân trí. Tìm hiểu của PV cho thấy nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện nhanh 2 Nghị định và Thông tư của Chính phủ.
(HBDT) - Ngày 7/1/2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định cấp bằng công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 cho 6 trường tiểu học gồm: tiểu học Vũ Lâm, tiểu học Nhân Nghĩa (Lạc Sơn); tiểu học B Vĩnh Tiến (Kim Bôi); tiểu học Thu Phong, tiểu học Dũng Phong (Cao Phong); tiểu học thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn).
Theo thông lệ, hằng năm vào thời điểm này, hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ đã được tổ chức để cung cấp những thông tin quan trọng cho thí sinh nhưng năm nay, mọi thông tin đang được giữ kín
Theo định hướng của Bộ GD-ĐT về công tác tuyển sinh năm 2011, nhiều trường ĐH dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên chính quy khoảng từ 6% đến 7% so với năm 2010.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết đã ký quyết định phê duyệt việc cung cấp SGK và sách tham khảo cho các trường THCS ở 6 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề từ trận lũ lụt hồi cuối tháng 10-2010.