Học sinh lớp 12 trường THPT Hồ Thị Kỷ tỉnh Cà Mau tham dự buổi tư vấn “Tiên hướng nghiệp - hậu hướng trường” năm 2011 do Báo SGGP tổ chức
Giáo dục nước ta vẫn tiếp tục tụt hậu so với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như các nước ASEAN, đặc biệt giáo dục phổ thông được xem giữ vai trò nền tảng của hệ thống giáo dục vẫn chưa đổi mới triệt để. Đó là vấn đề đặt ra tại hội thảo “Giáo dục phổ thông trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện” do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức ngày 29-3.
Uống thuốc nhiều vẫn... bệnh nặng
Học sinh lớp 12 trường THPT Hồ Thị Kỷ tỉnh Cà Mau tham dự buổi tư vấn “Tiên hướng nghiệp - hậu hướng trường” năm 2011 do Báo SGGP tổ chức. Ảnh: MAI HẢI |
Tại hội thảo, nhiều nhà giáo dục đặt ra vấn đề: Tại sao giáo dục chúng ta “đổi” nhiều mà vẫn không “mới”, phải chăng do chưa “trị đúng bệnh”. GS-TSKH Thái Duy Tuyên, Viện Chiến lược và Phát triển giáo dục, cho rằng: “Tình hình giáo dục hiện nay như người lâm bệnh và vì uống quá nhiều thuốc nên bộ máy trong cơ thể bị rối loạn. Nếu không giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước. Trong vấn đề cải cách, chấn hưng giáo dục, cần phải bình tĩnh điểm trúng huyệt thì bệnh tật mới có thể qua đi và cơ thể mới mau chóng hồi sinh”.
Tuy nhiên, “huyệt” của giáo dục Việt Nam nằm ở đâu vẫn còn nhiều tranh luận. Nhiều người cho là chương trình sách giáo khoa (SGK), một số nhà khoa học khác lại cho rằng phương pháp giảng dạy và đội ngũ sư phạm mới là vấn đề “cốt tử” của việc đổi mới chất lượng giáo dục.
Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam, chia sẻ: “Chúng ta chỉ quan tâm đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa mà quên rằng mục tiêu giáo dục và đội ngũ sư phạm mới là vấn đề cơ bản của sự đổi mới”.
Đồng tình với quan điểm này, TS Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nói: “Đổi mới chương trình, nhưng phương pháp dạy không đổi là không được. Quan trọng nhất là người thầy phải đổi mới. Đổi mới phải mang tính cách mạng triệt để, nên phải tiến hành đồng bộ để không bị trì kéo, có như thế hiệu quả mới được nâng cao gấp bội. Cụ thể là mục tiêu đào tạo phải thay đổi, thực hiện cơ chế quản lý mới để phát huy tính tích cực và năng động của cơ sở, giáo viên, đồng thời tập trung xây dựng đội ngũ, nâng cao năng lực và phẩm chất sư phạm trong quá trình đổi mới nội dung và phương pháp dạy học”.
Thiên dạy chữ, quên dạy người
Hiện nay, cả nước có khoảng 30.000 trường phổ thông ở 3 cấp học với nhiều loại hình: công lập, ngoài công lập, chuyên biệt, nội trú, bán trú… Thực tế, theo nhiều chuyên gia giáo dục, nhà trường phổ thông hiện nay về cơ bản vẫn thuộc “mô hình truyền thống”: chủ yếu thầy giảng giải kiến thức và trò tiếp thu thụ động, cố gắng ghi nhớ những nội dung của SGK để ứng phó với các kỳ kiểm tra, thi cử. Thực chất nhà trường chỉ chăm chú các chỉ tiêu thi đua, thiên dạy chữ mà quên dạy người. Do đó, vấn đề bức bách hiện nay là nhà trường phổ thông Việt Nam phải chuyển sang một mô hình mới trong khuôn khổ một cuộc cải cách để nền giáo dục chuyển đổi về chất, phù hợp với yêu cầu của mô hình tăng trưởng mới của nền kinh tế.
PGS-TS. Vũ Trọng Rỹ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, phân tích: “Đặc điểm tâm sinh lý trẻ em đã thay đổi nhưng chương trình, SGK hiện nay vẫn luôn bất cập trước yêu cầu đổi mới. Việc lựa chọn hệ thống tri thức, kỹ năng đưa vào nội dung học vấn nhà trường phổ thông phải xuất phát từ cấu trúc của năng lực định hình thành và phát triển ở học sinh và cái đích cuối cùng là hình thành năng lực cho học sinh”.
PGS-TS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện giáo dục Việt Nam, cho biết, chương trình và SGK phổ thông ở nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám đã trải qua quá trình vận động hơn 60 năm, trong đó có những thời điểm đáng chú ý là 3 lần thay đổi chương trình cùng với 3 cuộc cải cách giáo dục năm 1951, 1956, 1981. Gần đây nhất là đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa 10, bắt đầu từ 2002. Tuy nhiên, chương trình và SGK vẫn còn nặng tính hàn lâm, nhẹ ứng dụng vào thực tiễn và về cơ bản là chương trình được xây dựng cho nhà trường phổ thông truyền thống thuộc một nền giáo dục còn chưa thoát ra khỏi khuôn khổ của giáo dục “ứng thí”.
Mô hình giáo dục phổ thông nào “lý tưởng”?
Xuất phát từ nhận thực giáo dục phổ thông là nền tảng của hệ thống giáo dục và đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định trong cải cách, chấn hưng giáo dục, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cho rằng mô hình nhà trường phổ thông trong 10-15 năm tới sẽ là “nhà trường mở”, thực hiện giáo dục toàn diện và có đủ điều kiện thực hiện hiệu quả giáo dục toàn diện, đảm bảo dân chủ, hợp tác là nguyên tắc chi phối tất cả các hoạt động trong nhà trường. Cụ thể, tất cả trường học đều dạy và học 2 buổi/ngày, có mục tiêu rõ ràng và thể hiện rõ triết lý phát triển của mình, tự chủ về nhân sự, tài chính, tổ chức thực hiện chương trình mà nội dung là giáo dục toàn diện, hướng vào việc hình thành, phát triển năng lực học sinh.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết: “Xu thế hiện nay của ngành giáo dục là chuyển từ mô hình giáo dục độc quyền, hành chính quan liêu sang mô hình nhà trường là nơi cung ứng dịch vụ giáo dục, chấp nhận giáo dục như một thị trường. Điều này tạo ra cơ chế cạnh tranh trong giáo dục. Tuy nhiên, mô hình giáo dục lý tưởng phải là mô hình “hợp tác”, thoát khỏi độc quyền, chuyển từ mô hình đóng sang mô hình mở: việc dạy học hướng tới học tập suốt đời, chương trình chú trọng năng lực cá nhân, nhà giáo là người dẫn dắt tới nguồn tri thức, không phải là người cung cấp tri thức, việc đánh giá nhằm trước hết vào định hướng học tập, chứ không phải nhằm vào kết quả học tập”.
Vạch ra nhiều mô hình lý tưởng như thế, nhưng nhiều đại biểu lo ngại rằng, để đi đến mô hình mới này trong giai đoạn 10-15 năm, chắc chắn sẽ có khác biệt so với mô hình cũ, do đó cần phải có ý chí quyết liệt đổi mới mới có thể chấn hưng được giáo dục, nếu không sẽ “lỡ nhịp”. Hay nói như TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, chúng ta cứ bàn hoài về đổi mới, chấn hưng giáo dục mà không đi đến quyết định cụ thể. Đổi mới giáo dục cần có sự hỗ trợ kiên định của nhà chính trị, cơ quan quản lý cấp cao, nguồn tài chính đủ mạnh, có năng lực và tài liệu cần thiết, nếu không mọi ý muốn đổi mới chỉ dừng lại trên giấy.
Theo SGGP
(HBĐT) - Sở GD&ĐT vừa tổ chức kỳ thi học sinh giỏi lớp 5 cấp tỉnh môn Toán và tiếng Việt. Tham gia kỳ thi có 2.131 thí sinh (1.212 thí sinh dự thi môn tiếng Việt, 919 thí sinh dự thi môn toán) của 11 huyện, thành phố. Kết quả đã có 993 thí sinh đạt giải và được công nhận môn tiếng Việt, đạt 81,9%; 646 thí sinh đạt giải và được công nhận môn toán, đạt 70,3%.
(HBĐT) - Sáng ngày 29/3, Trường tiểu học Vĩnh Tiến B (Kim Bôi) đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định bổ nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước mới.
Ngày 28-3, Bộ GD-ĐT, Hội Sinh viên Việt Nam, Báo Thanh Niên, Tập đoàn Thiên Long đã tổ chức lễ ký kết thực hiện và công bố chương trình Tiếp sức mùa thi 2011.
Mặc dù là điểm trường chính nhưng tất cả các phòng học từ bậc mầm non đến cấp THCS đều là nhà tạm. Nơi ở cho học sinh nội trú là những túp lều lụp xụp còn khi nhắc đến cụm từ “nhà công vụ” thì giáo viên chỉ biết xót xa đắng lòng.
(HBĐT) - Ngày 27/3, tại xóm Pành Pường (xã Piềng Vế - Mai Châu), Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mai Bình, doanh nghiệp chuyên sản xuất, xuất - khẩu chổi chít đã đầu tư kinh phí, phối hợp với Đảng ủy, UBND các xã Piềng Vế, Cun Pheo, Xăm Khòe, Bao La tổ chức lễ khai giảng lớp dạy nghề làm chổi chít xuất khẩu cho 35 nông dân của 2 xã Cun Pheo, Piềng Vế.