Hơn 500 học sinh Trường tiểu học Lương Thế Vinh làm bài thi tại sân trường.
Kỳ kiểm tra học kỳ 2 các môn khoa học, lịch sử, địa lý của học sinh Trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận 7, TP.HCM vừa diễn ra sáng 3 và 4-5 tại... sân trường.
Nhiều phụ huynh gọi đây là cách thi... lạ và có nhiều phản ứng trái chiều với hình thức thi mới mẻ này.
Từ 7g sáng 4-5, hơn 500 học sinh (HS) khối 4 và 5 của Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.7, TP.HCM) đã tập trung tại sân trường với “hành lý” là tấm bạt vuông (hoặc tấm đệm) dùng để lót ngồi, chiếc ghế nhựa và bộ dụng cụ học tập.
Trên sân trường với khá nhiều bóng cây, nắng bắt đầu lên, giáo viên, bảo mẫu các lớp hướng dẫn học sinh xếp hàng và ổn định chỗ ngồi trước khi vào giờ kiểm tra. Sốt ruột, khá đông phụ huynh cũng tranh thủ vào sân trường để trải bạt, giúp con chuẩn bị chỗ ngồi tốt, tránh nắng.
Ý kiến trái chiều
Đúng 7g15, nhà trường phát loa căn dặn HS, nhắc nhở phụ huynh ra phía ngoài khu vực kiểm tra và giám thị bắt đầu phát đề thi. Trung bình mỗi HS ngồi cách nhau 1,5-2m. Đề thi là những phiếu câu hỏi được in sẵn, HS chỉ cần điền tên và làm bài ngay trên phiếu này, thay vì hình thức tự chép đề và viết phần trả lời trên giấy kiểm tra như cách làm thông thường. Đến 7g55, kết thúc giờ thi môn lịch sử và địa lý. Trường thông báo hết giờ kiểm tra và thu bài, toàn bộ HS xếp ghế và quay lại phòng học để bắt đầu giờ học. Lúc này nắng cũng bắt đầu gắt hơn trên sân trường, nhiều HS đã toát mồ hôi sau 40 phút làm bài.
Anh Mạnh, phụ huynh có con học lớp 4, bức xúc: “Các cháu còn nhỏ mà phải ngồi ngoài nắng làm bài kiểm tra thì sức khỏe và tâm lý đều bị ảnh hưởng, hơn nữa dùng ghế thay bàn sẽ không đúng tư thế viết bài”. Nhiều phụ huynh khác cũng tỏ ra sốt ruột và không hài lòng khi thấy con mình ngồi làm bài thi ngoài trời.
Ngược lại, một phụ huynh tên Bình cho biết: “Giờ thi rơi vào giờ mát mẻ, chỉ có một chút nắng sớm nên không hại gì, thay vì ngồi trong phòng thi chật chội căng thẳng thì các cháu được ra ngoài, khỏe khoắn, gần gũi với thiên nhiên, môi trường cũng là điều đáng làm”.
Học sinh làm bài tại sân trường - Ảnh: Lưu Trang |
Rèn sự tự tin
Theo ông Hà Thanh Hải, hiệu trưởng nhà trường, người xưa nay nổi tiếng với nhiều đổi mới trong giáo dục tiểu học, đây không phải lần đầu tiên trường tổ chức kiểm tra ở ngoài trời. HS đã được làm quen với hình thức này từ đầu học kỳ 1. Trường tiểu học Lương Thế Vinh có sĩ số khá đông, có lớp lên tới 48 em, chỗ ngồi khá chật chội. Mỗi khi đến kỳ kiểm tra, khối này làm bài thì khối kia phải nghỉ để đảm bảo thi cử.
“Tuy nhiên, mục tiêu chính của chúng tôi là muốn tất cả HS đều tự tin khi bước ra ngoài cửa lớp, rèn cho các em kỹ năng và xây dựng nề nếp nghiêm túc của kỳ kiểm tra. Điểm số không quan trọng mà quan trọng là các em tự làm bài. Chúng tôi chỉ tổ chức thi ngoài sân các môn trắc nghiệm, thời gian làm bài ngắn. Riêng môn tiếng Việt và toán HS vẫn thi trong phòng như bình thường. Thực tế bình thường điểm số của các em rất cao, toàn điểm 9, 10 nhưng khi bước vào những kỳ thi quyết định lại không đạt được kết quả như ý muốn”, ông Hải cho biết.
Về kỳ thi “lạ” này, ông Lê Ngọc Điệp, trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, nêu quan điểm: “Ngoài môn tiếng Việt và toán là môn điều kiện xét lên lớp, các môn còn lại có thể tổ chức kiểm tra tùy theo điều kiện nhà trường (có thể theo hình thức trắc nghiệm xen kẽ tự luận), nhưng phải đảm bảo theo chuẩn kiến thức kỹ năng, công bằng và khách quan. Việc đưa HS ra sân trường có thể để tạo không khí nhẹ nhàng, thoải mái cho kỳ kiểm tra. Sở luôn khuyến khích sự đổi mới, tuy nhiên phải đúng quy định, đảm bảo an toàn và sức khỏe HS. Nghịch lý là mỗi khi các trường áp dụng cái mới sẽ có nhiều luồng ý kiến trái nhau giữa quan điểm truyền thống và đổi mới, hiệu trưởng thường bị phản ứng. Còn nếu hiệu trưởng an phận, không thay đổi thì không ai nói tới”.
Ông Điệp cũng công nhận đây là lần đầu tiên có một trường tiểu học tổ chức kiểm tra theo hình thức mới này trên địa bàn TP. Hình thức tổ chức các kỳ thi quan trọng tại sân trường nhằm chống gian lận trong thi cử từng được một trường trung học tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc thực hiện và cũng gặp phải nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận.
Theo TuoiTre
(HBĐT) - Thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH), ngành giáo dục đã lồng ghép với các phong trào thi đua “Hai tốt”, cuộc vận động “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Gia đình nhà giáo văn hóa”, “Giỏi việc nước đảm việc nhà”…
Một tràng pháo tay vang dội cả hội trường khi bạn Hoàng Trọng, học sinh lớp 11A7 Trường THPT Bùi Thị Xuân đưa ra đáp án: “Thưa ban giám khảo, kết quả ô chữ của đội A là thống nhất đất nước”! Kết thúc phần thi Nhận diện lịch sử, phần thắng tạm nghiêng về đội A khiến cuộc thi càng hào hứng. Càng về trưa, hội trường của Bảo tàng TPHCM như nóng lên hẳn bởi không khí tranh tài giữa hai đội ngày càng trở nên sôi nổi và quyết liệt…
Ngày 2/5, tại phường Vân Phú, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã khánh thành Trường trung học cơ sở Vân Phú-Man Deok, ngôi trường đầu tiên được xây dựng bằng nguồn vốn của Quỹ kỷ niệm phát triển giáo dục hiệp hội Kim Man Deok, Hàn Quốc, thông qua đại diện là Đại sứ Hàn Quốc tại Hà Nội.
Những năm qua, công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học ở địa bàn biên giới đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tình trạng mù chữ và tái mù chữ ở khu vực biên giới còn khá phổ biến. Tỷ lệ học sinh bỏ học còn cao, cơ sở vật chất cho giáo dục còn nghèo nàn.
Trao đổi với PV, ông Trần Đức Lương, hiệu trưởng Trường THCS Triệu Trung (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), đã thừa nhận việc ông xin trả lại số tiền mà theo ông là không giải trình được với thanh tra.
(HBĐT) - Ngày 17/4, trường mầm non Phương Lâm (TPHB) đã tổ chức Diễn đàn “Tuần lễ Toàn cầu giáo dục cho mọi người” năm 2012 và hội thi “Bé thông minh nhanh trí”. Tham dự diễn đàn có lãnh đạo đại diện UBND thành phố, Phòng GD&ĐT, các trường mầm non trên địa bàn thành phố và các cô giáo, học sinh của trường mầm non Phương Lâm.