Năm học này, Bộ GD-ĐT nêu quyết tâm dẹp bỏ vấn nạn dạy thêm - học thêm tràn lan, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tình trạng này không có gì thay đổi.
Vừa khai giảng đã nhận thông báo học thêm
Giờ tan học ở cổng Trường tiểu học Kim Liên (Q.Đống Đa, Hà Nội), một trong những điểm nóng nhất của TP mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, không khí tan học có vẻ hơi… bất thường. Từng nhóm học sinh (HS), ít thì hơn chục cháu, nhiều thì vài chục cháu rồng rắn nhau theo chân cô giáo hoặc một phụ huynh nào đó để đến một nhà dân ở gần trường học thêm.
|
Những căn phòng tập thể chật hẹp của người dân ở quanh khu vực trường đóng là nơi “trú ngụ” của những lớp học thêm dạng này. Lớp học được bắt đầu ngay sau giờ tan trường chỉ vài chục phút, đủ thời gian để HS di chuyển hoặc ăn vội một chút gì đó.
Một bà mẹ có con mới vào lớp 1 cho biết: “Một tuần cháu học 2 buổi chiều ở ngay gần trường. Thương con, tôi vẫn cố gắng đến cổng trường cho cháu ăn cái bánh giò hoặc cái xúc xích… để cháu có sức học tiếp. Lớp 1 mà học hành vất vả quá”. Còn một phụ huynh có con học lớp 2 chìa cho phóng viên xem tờ thông báo dạy thêm của cô và nói: “Ngày 5.9 mới chân ướt chân ráo đến trường khai giảng năm học mới thì phụ huynh đã nhận được “trát” của cô: “Sáng thứ bảy (8.9), cô bắt đầu dạy thêm từ 8 giờ 15 đến 11 giờ 15. Phụ huynh nào có nhu cầu cho con đi học (không bắt buộc) thì mai cho đến địa chỉ…; Đề nghị đi đúng giờ, khi đi mang theo một vở, SGK tiếng Việt”.
|
Vị phụ huynh này bức xúc: “Tôi còn chưa kịp hiểu năm nay con học thế nào. Nếu coi dạy thêm là cách để củng cố kiến thức cho HS yếu kém thì cô cũng phải dạy một thời gian mới có thể phân loại HS. Đằng này, chưa biết năng lực tiếp thu của con ra sao, cô đã tổ chức dạy thêm rồi”. Trong thông báo, cô giáo của Trường tiểu học Kim Liên có “mở ngoặc” là học thêm “không bắt buộc”, nhưng vị phụ huynh cho biết: “Khi chính cô đã đứng ra mở lớp thì các cháu không muốn cũng phải cố mà theo học”.
Vắt kiệt sức học trò
Cũng ngay tại trường này, một HS lớp 4 vẻ mặt phờ phạc vanh vách đọc lịch học dày đặc: “Một tuần 2 buổi chiều con học tới 6 giờ ở lớp học thêm của cô chủ nhiệm; thứ bảy con học một cô giáo mà bố mẹ con bảo là dạy giỏi nhất của trường; chủ nhật con học ở trung tâm luyện thi vào trường chuyên…”. Hỏi ra mới biết, bố mẹ HS này chỉ muốn tìm cô giỏi thực sự để con luyện thi lên cấp 2 ở một trường chuyên nhưng vì cô giáo chủ nhiệm tổ chức nên không thể không đi học, mặc dù cô thì vẫn nói là “không bắt buộc”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, không riêng Trường tiểu học Kim Liên, một loạt trường tiểu học ở Hà Nội, dù nội thành hay ngoại thành, phụ huynh và HS cũng rất khó thoát được cảnh bị ép phải học thêm “tự nguyện”.
Nhiều năm nay, phụ huynh của Trường tiểu học Ngọc Lâm (Q.Long Biên) vẫn ấm ức với nạn dạy thêm của giáo viên (GV) trường này. Từ lớp 1 cô giáo đã đề nghị phụ huynh phải cho con đi học thêm vì chương trình nặng, vì ở lớp không thể dạy kỹ… Thế là hầu như GV lớp nào cũng đua nhau dạy thêm dù không phải dưới danh nghĩa nhà trường tổ chức. Phụ huynh ở đây cho biết, thường là học thêm vào 2 buổi cuối ngày, học phí dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/buổi.
Tương tự, tại Trường tiểu học Trung Giã, huyện Sóc Sơn, cha mẹ HS cũng được phát đơn tự nguyện với nội dung đồng ý cho con học thêm vào sáng thứ bảy tại trường. Thậm chí, cô giáo còn nhiệt tình động viên phụ huynh nào có điều kiện thì đóng luôn tiền học thêm cho cả 9 tháng. Học thêm ở trường chưa đủ, nhiều HS mới chập chững vào lớp 1 còn tiếp tục học thêm sau giờ học theo lớp của cô giáo tổ chức.
Với những người dân ở ngoại thành như Long Biên, Sóc Sơn..., việc học thêm như vậy không những khiến phụ huynh lo lắng vì con phải học quá vất vả mà còn thêm gánh nặng về khoản kinh phí không nhỏ so với thu nhập của đa số người dân ở đây.
Theo Báo Thanhnien
(HBĐT) - Chiều ngày 21/9, tại Liên đội trường THCS Sông Đà (TP Hòa Bình) đã tổ chức Đại hội đại biểu điểm THCS năm học 2012-2013. Dự Đại hội có đại đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn, Thành đoàn, 35 tổng phụ trách Đội của các trường trên địa bàn thành phố và 60 đội viên xuất sắc, đại diện cho trên 600 đội viên của trường THCS Sông Đà.
(HBĐT) - Từ ngày 19 – 21/9, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm BDCT huyện Kỳ Sơn tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho 60 học viên là cán bộ nông dân nòng cốt các xã, thị trấn.
(HBĐT) - Ngày 18/9, UBND huyện Kỳ Sơn đã ban hành quyết định số 1301 về việc cấp bù chi phí học tập và miễn giảm học phí theo Nghị định 49/2010/NĐ – CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về việc miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2010 – 2011 đến năm 2014 – 2015.
(HBĐT) - Trung tâm dạy nghề tư thục Long Thành (TPHB) vừa phối hợp với Hội Bảo trợ NTT & TMC tỉnh mở lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 30 học viên là người khuyết tật trên địa bàn. Tổng vốn đào tạo 100 triệu đồng được hỗ trợ từ nguồn Quỹ Bảo trợ NTT & TMC tỉnh.
(HBĐT) - Bước vào năm học mới 2012 – 2013, thầy và trò trường tiểu học Sủ Ngòi (xã Sủ Ngòi, TPHB) vừa đón nhận một tin vui: Nhà trường được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Đây là phần thưởng dành cho những cố gắng không ngừng, cho những kết quả nổi bật, toàn diện nhà trường đã đạt được trong những năm qua.