(HBĐT) - Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác DS-KHHGĐ, phát triển KT-XH. Thời gian qua, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, mô hình, góp phần nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của nhiều đối tượng trong cộng đồng về MCBGTKS. Việc chấp nhận quy mô gia đình nhỏ, ít con ngày càng rộng rãi; tốc độ gia tăng dân số được khống chế, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn xấp xỉ 1%; tình trạng MCBGTKS trên địa bàn có chuyển biến, tỷ số giới tính khi sinh dần tiếp cận mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng dân số.



Cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh kiểm tra vật tư, thiết bị kế hoạch hóa gia đình để cấp phát cho các địa phương.

Theo số liệu của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, năm 2011, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 119,9 trẻ trai/100 trẻ gái, là 1 trong 10 tỉnh có tỷ số giới tinh khi sinh cao nhất trong toàn quốc. Cùng với các hệ lụy khó lường về xã hội, an ninh, chính trị, việc gia tăng MCBGTKS là một trong những nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng, tác động nặng nề như: Gia tăng bất bình đẳng giới; phụ nữ kết hôn sớm; nạo phá thai; tỷ lệ ly hôn, tái hôn, bạo hành giới tăng cao… Nguyên nhân gây ra tình trạng MCBGTKS ở mức cao do nhận thức của người dân còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, thêm vào đó, kinh tế ngày càng phát triển, hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) ngày càng tốt. Chất lượng dịch vụ tốt, ngoài việc tạo điều kiện cung cấp chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân được tốt hơn, còn làm gia tăng tình trạng lạm dụng các kỹ thuật trong siêu âm, chẩn đoán hình ảnh giới tính thai nhi; sách báo, ấn phẩm, trang web cung cấp thông tin, bí quyết hỗ trợ cho việc lựa chọn giới tính thai nhi xuất hiện ngày càng nhiều đã tác động tới tâm lý của một số cặp vợ chồng, nhất là vợ chồng trẻ. Kết quả thực hiện các chính sách liên quan đến bình đẳng giới giữa trẻ em nam và trẻ em nữ, giữa phụ nữ và nam giới còn hạn chế...

Trước thực trạng MCBGTKS của tỉnh, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 15/ 2012/CT-UBND, ngày 11/10/2012 về việc tăng cường các biện pháp nhằm can thiệp giảm thiểu tình trạng MCBGTKS và bệnh tan máu bẩm sinh tại tỉnh; Kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016-2025 trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 42 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tình trạng MCBGTKS trên địa bàn tỉnh…

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Bám sát các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND, Sở Y tế, chi cục đã cụ thể hóa bằng các hoạt động cụ thể, triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn, trong đó tập trung vào các xã có mức sinh, tỷ lệ chênh lệch giới tính cao. Phối hợp các hội, đoàn thể như: MTTQ, nông dân, phụ nữ, thanh niên, Sở VH-TT&DL, Liên đoàn Lao động, Sở GD&ĐT… triển khai lồng ghép đưa công tác DS-KHHGĐ, CSSKSS vào hoạt động chuyên môn, thường xuyên của các ngành, đoàn thể, địa phương, để tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động thuộc Chương trình MTQG DS - KHHGĐ. Xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình giảm thiểu MCBGTKS, đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tập trung chủ yếu ở những địa phương có tỷ lệ MCBGTKS cao. Nhân rộng, duy trì các câu lạc bộ tiền hôn nhân, phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh, không sinh con thứ 3, gia đình phát triển bền vững, bình đẳng giới…

Ngoài ra, dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ được củng cố, tăng cường từ tỉnh đến cơ sở. Khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em của các cơ sở y tế được cải thiện rõ rệt, nhất là các nhóm dịch vụ về KHHGĐ và làm mẹ an toàn. Tăng cường đưa dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Dịch vụ KHHGĐ đã thực hiện các mục tiêu đa dạng hoá các biện pháp tránh thai, đảm bảo thuận tiện, an toàn cho người sử dụng. Song song với đó, các hoạt động truyền thông, vận động nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS được triển khai rộng rãi, với hình thức phong phú như: Phóng sự, bài viết, mít tinh, tọa đàm, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm giữa các cá nhân, tập thể điển hình; tổ chức các đợt truyền thông lưu động nhân ngày Dân số Thế giới 11/7, chiến dịch truyền thông can thiệp giảm thiểu MCBGTKS, ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10; Tháng hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12; sản xuất tờ rơi, các cụm pano truyền thông về MCBGTKS…. Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, truyền bá lựa chọn giới tính thai nhi ở các sơ sở y tế và cơ sở phát hành sách báo trong toàn tỉnh. Tổ chức các hội thảo biểu dương, chia sẻ kinh nghiệm học tập, rèn luyện của các cháu gái trong gia đình sinh con một bề là gái có thành tích học tập giỏi; biểu dương điển hình tiên tiến phụ nữ sinh con một bề làm kinh tế giỏi, thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ; hội thảo với chủ đề: "Nam nông dân  thực hiện KHHGĐ, làm kinh tế giỏi”, "Vấn đề bình đẳng giới và bạo lực  gia đình”… Qua đó, từng bước làm chuyển đổi tâm lý muốn có con trai để nối dõi, phê phán tình trạng trọng nam khinh nữ; nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; thuyết phục các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; khuyến khích, hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái… 

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết thêm: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, nhận thức của lãnh đạo địa phương cũng như của người dân được nâng cao về các vấn đề liên quan đến MCBGTKS. Quy mô gia đình nhỏ có từ 1 - 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi, chất lượng dân số từng bước tăng lên. Công tác DS-KHHGĐ đã góp phần giảm nghèo, phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh chính trị, an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận thuận tiện, hiệu quả hơn các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ xã hội khác. Điều quan trọng là phong trào KHHGĐ đã phát triển rộng khắp trong các tầng lớp Nhân dân, từ đô thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Tốc độ gia tăng dân số nhanh được khống chế, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn xấp xỉ 1%; tỉnh Hòa Bình đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2005 và duy trì đến nay; tỷ số MCBGTKS giảm dần. Tỷ số giới tính khi sinh từ 119,9 trẻ em trai/100 trẻ em gái năm 2011, đến năm 2018 giảm xuống mức 113,9 bé trai/100 bé gái, năm 2020 giảm còn 112,1 bé trai/100 bé gái.
Mặc dù tình trạng MCBGTKS đã đạt được những tín hiệu tích cực, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao, do tư tưởng trọng nam khinh nữ còn tồn tại trong xã hội, tỷ lệ sinh con thứ 3 có chiều hướng tăng. Một số chỉ tiêu đánh giá về chất lượng dân số của tỉnh còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước như: Tuổi thọ bình quân, trình độ dân trí, tình trạng tảo hôn, có thai ngoài ý muốn của vị thành niên, thanh niên làm ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi... Đây là những thách thức đặt ra cho chương trình DS-KHHGĐ hiện nay và những năm tiếp theo.

Mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn tới là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển; nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu dân số, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển KT-XH của tỉnh. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển KT-XH của tỉnh nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, giữ vững mức sinh thay thế, duy trì số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ≤ 2,1 con. Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại. Giảm 2/3 trẻ vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn. Tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên ≤ 7%. Giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tỷ số giới tính khi sinh < 112 vào năm 2025, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này trở lại  mức cân bằng tự nhiên khoảng 107 trẻ trai/100 trẻ gái, chậm nhất vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác dân số trong tình hình mới; kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ; thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách về công tác dân số. Bên cạnh đó, giảm sinh ở những vùng có mức sinh còn cao, duy trì kết quả đã đạt được trong công tác dân số, thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp; nghiêm cấm mọi hình thức chẩn đoán xác định giới tính thai nhi và nạo phá thai lựa chọn giới tính thông qua việc giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các cơ sở y tế có nhân viên y tế cung cấp dịch vụ chẩn đoán giới tính thai nhi, nạo phá thai lựa chọn giới tính.  

Hồng Ngọc


Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ

Nguyễn Văn Toàn
Phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình)

Đây là thông điệp cũng như phương châm gia đình tôi đang thực hiện. Gia đình tôi có 2 cháu đều là gái, một cháu hiện đang học đại học, một cháu đang học THPT. Các cháu ngoan ngoãn, lễ phép và là niềm tự hào của chúng tôi. Là con trai trưởng trong gia đình, nên khi tôi có 2 con gái và không có ý định sinh con trai nữa, bố mẹ tôi cũng rất buồn. Tuy không nói ra, nhưng ông bà vẫn mong vợ chồng tôi sinh thêm con trai nối dõi.

Biết được tâm tư của ông bà, vợ chồng tôi đã làm công tác tư tưởng, động viên ông bà dù trai hay gái, con nào cũng là con, chỉ cần con cái chăm ngoan, học giỏi, lễ phép, hiếu thuận là được. Giờ đây, nhìn các cháu ngày một trưởng thành, ngoan ngoãn, học giỏi, hiếu thuận, đi đến đâu ông bà cũng mang cháu gái ra để khoe. Mặc dù gia đình có 3 thế hệ chung sống, dù có 2 con gái nhưng trong nhà luôn đầy ắp tiếng cười của sự tròn đầy hạnh phúc.

Mong muốn được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản

 Lý Sinh Thế
Trưởng bản Dao Bà Rà, xã Hùng Sơn (Kim Bôi)

Trước đây, bà con trong bản có suy nghĩ đông con để nhà có thêm lao động nên thường kết hôn sớm, cộng thêm sinh nhiều, sức khỏe của bà mẹ bị giảm sút, trẻ nhỏ nheo nhóc do không được chăm sóc chu đáo… nên cái đói, cái nghèo mãi vẫn quẩn quanh không dứt. Nhưng đó là việc của trước đây, hiện giờ bà con đã thay đổi nhận thức về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản rồi. Từ năm 2018 đến nay, trong bản không có trường hợp tảo hôn, không có người sinh con thứ 3. Để có được kết quả này, chính quyền và hội, đoàn thể, điển hình là hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân, cán bộ dân số đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, cung cấp các dịch vụ KHHGĐ cho bà con. Thông qua các hoạt động truyền thông, các mô hình, câu lạc bộ đã góp phần nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi tư duy trong mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng về lựa chọn sinh con trai hay con gái. Nhiều gia đình đã xác định chỉ dừng lại ở hai con, dù gái hay trai để chăm sóc cho tốt và có thời gian phát triển kinh tế gia đình. 

Chúng tôi mong muốn được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và các chính sách dân số hiện nay để qua đó, giúp bà con nâng cao hơn nữa nhận thức và chuyển đổi hành vi về DS - KHHGĐ.


Các tin khác


Cảnh báo biến chứng nguy hiểm từ phương pháp căng da mặt bằng chỉ không an toàn

PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, căng da bằng chỉ là phương pháp làm đẹp không phẫu thuật được nhiều người lựa chọn, tuy nhiên biến chứng căng chỉ gây ra nhiễm khuẩn là vô cùng tai hại.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu thành công bệnh nhân tổn thương mạch máu lớn 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã tiến hành cấp cứu thành công bệnh nhân tổn thương mạch máu lớn nguy hiểm đến tính mạng dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Việt Đức.

Thành phố Hòa Bình lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Hiến máu tình nguyện (HMTN) là hành động ý nghĩa, nhân văn, nghĩa cử cao đẹp, góp phần cứu sống, mang lại hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân cần máu tại các cơ sở y tế. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) vận động HMTN TP Hòa Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của phong trào HMTN. Qua đó, ngày hội HMTN hàng năm tổ chức tại địa bàn đã tiếp nhận hàng nghìn đơn vị máu do cán bộ, công chức, chiến sỹ, đoàn viên, thanh niên và người dân chia sẻ.

Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục