Nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh Hòa Bình luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ đó giúp các y, bác sỹ nâng cao tay nghề, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mai Châu sử dụng trang thiết bị y tế hiện đại trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tính đến nay, hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh có 19 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế và 151 trạm y tế, tổng số 3.627 nhân viên, trong đó, 42 cán bộ trình độ tiến sĩ, chuyên khoa II; 287 thạc sĩ, chuyên khoa I; 1.594 cán bộ trình độ đại học; 1.704 cán bộ trình độ cao đẳng, trung cấp. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh duy trì, cải tiến chất lượng các dịch vụ kỹ thuật chuyên môn; triển khai áp dụng các hướng dẫn chẩn đoán điều trị, phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành.
Bác sỹ Bùi Thu Hằng, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành Y tế tỉnh tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với số lượng, cơ cấu phù hợp, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, chế độ đãi ngộ tương xứng. Đồng thời, phát huy chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao, trình độ chuyên môn giỏi, làm việc gắn bó lâu dài, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Ngoài ra, ngành đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu, nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên; cử hàng trăm lượt công chức, viên chức tham gia đào tạo theo các trình độ khác nhau. Đây là cơ sở để phát triển nguồn nhân lực vừa bảo đảm cả về số lượng, chất lượng.
Nguồn nhân lực y tế tuyến xã là yếu tố quan trọng quyết định việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trạm y tế. Tính đến hết tháng 8/2024, toàn tỉnh có 1.309 cán bộ y tế làm việc tại 151 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Trong đó có 138 bác sỹ, 525 y sỹ, 243 điều dưỡng, còn lại là hộ sinh, cán bộ dược, cán bộ chuyên trách dân số/kế hoạch hóa gia đình. 100% thôn, xóm, bản có nhân viên y tế thôn bản hoạt động. Trong đó, 85% nhân viên y tế thôn bản đã được đào tạo 3 tháng trở lên. Cùng với các cán bộ y tế tại trạm y tế, đây là lực lượng góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục sức khỏe; hướng dẫn thực hiện vệ sinh phòng bệnh; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình; sơ cứu ban đầu và chăm sóc một số bệnh thông thường.
Bên cạnh đó, các xã, phường, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên; phối hợp chặt chẽ giữa trạm y tế với các ban, ngành, đoàn thể. Đặc biệt là phối hợp ngành GD&ĐT, Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, người cao tuổi và người tàn tật. Các hoạt động đã mang lại những kết quả thiết thực đối với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại địa phương; hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền, nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Năm 2023, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn tỉnh đạt 95,23%. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế.
Xác định đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ là mục tiêu hướng tới của toàn ngành Y tế cũng như của các cấp chính quyền trong tỉnh.
Hương Lan
Chiều 7/11, tại Sở Y tế, đoàn giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội (VH-XH), HĐND tỉnh do đồng chí Võ Ngọc Kiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng Ban VH-XH làm trưởng đoàn đã giám sát một số nội dung liên quan đến lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh. Tham gia đoàn có lãnh đạo các ban, sở, ngành liên quan, các Ban của HĐND tỉnh, huyện Lạc Thuỷ.
Ngày 6/11, UBND tỉnh Hoà Bình ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về tăng cường chăm sóc sức khoẻ (CSSK) trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh.
Liên đoàn Lao động tỉnh vừa tổ chức hội nghị truyền thông giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trong công nhân lao động tại Công ty TNHH Dệt kim Supertex, huyện Tân Lạc.
Sáng 5/11, tại thành phố Hòa Bình, Ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng nội dung, giải pháp trọng tâm góp phần thực hiện mục tiêu chương trình phối hợp số 01 về an toàn thực phẩm (ATTP).
Đúng ngày này cách đây tròn 20 năm, ngày 01/11/2004, Bệnh viện tỉnh Hòa Bình chính thức đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình theo Quyết định số 2168/QĐ-UB của UBND tỉnh. Từ một bệnh viện quy mô nhỏ với bộn bề khó khăn về mọi mặt, BVĐK tỉnh đã không ngừng trưởng thành và phát triển, trở thành một trong những cơ sở y tế hàng đầu tại khu vực Tây Bắc, là địa chỉ tin cậy trong chăm sóc sức khỏe của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ và cơ sở làm đẹp.