(HBĐT) - Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân và sàng lọc trước sinh, sơ sinh là việc làm mang lại lợi ích lớn không chỉ về sức khỏe sinh sản nói riêng, mà còn cả thể chất, tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng trong tương lai. Qua đó, giúp phòng ngừa, phát hiện, điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được những hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái.


Cán bộ Trạm y tế xã Tú Lý (Đà Bắc) tư vấn sức khỏe sinh sản cho  phụ nữ trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Hòa Bình là tỉnh có tỷ lệ mang gen bệnh tan máu bẩm sinh (TMBS) cao, tiềm ẩn trong cộng đồng. Do vậy, việc tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn và sàng lọc trước sinh, sơ sinh rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Hiện, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã thành lập được 15 câu lạc bộ (CLB) tiền hôn nhân và tan máu bẩm sinh (TMBS) tại 15 xã thuộc các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi, Đà Bắc, Lương Sơn, Yên Thủy. Hàng quý, các CLB tổ chức sinh hoạt nhằm chia sẻ thông tin, kiến thức về nâng cao chất lượng dân số, phòng bệnh TMBS; hướng dẫn các bạn trẻ địa điểm khám sàng lọc, phí dịch vụ cũng như chính sách hỗ trợ của tỉnh để trẻ vị thành niên, thanh niên có thể tiếp cận các dịch vụ sàng lọc dễ dàng, thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, chi cục phối hợp các hội, đoàn thể, tổ chức xã hội, ngành giáo dục đẩy mạnh, đa dạng hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là thanh thiếu niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cha mẹ có con là vị thành niên về sức khỏe sinh sản, nguy cơ của kết hôn cận huyết thống với bệnh TMBS cũng như tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh… từng bước góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành vi của người dân về nâng cao chất lượng dân số. Thông qua các hoạt động truyền thông đã có một bộ phận người dân, nhất là những người có người thân mắc bệnh TMBS chủ động chi trả kinh phí xét nghiệm sàng lọc gen bệnh TMBS.

Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, gia đình, cộng đồng về tư vấn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số. Việc khám sức khỏe trước kết hôn giúp các cặp vợ chồng biết họ có mang gen bệnh hay không. Nếu có, bác sỹ sẽ tư vấn cho các cặp đôi, đưa ra lời khuyên khi họ mang thai. Khi có thai, sàng lọc trước sinh giúp  chẩn đoán xác định trường hợp mang gen bệnh TMBS, các bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi… để tư vấn, có những can thiệp kịp thời. Bước tiếp theo là khi em bé được sinh ra, việc lấy máu gót chân đưa đi xét nghiệm, thực hiện khám ban đầu cho bé sẽ giúp phát hiện xem bé có vấn đề gì không, có bệnh lý gì không để có những can thiệp kịp thời, tránh hệ lụy nặng nề về sau. Việc tư vấn, tầm soát trước sinh, sơ sinh là một bước đi lâu dài của ngành dân số, vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi, hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra.

Hiện nay, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn thấp. Việc thực hiện sàng lọc trước sinh, sơ sinh đã được triển khai từ nguồn kinh phí mục tiêu y tế dân số, các mẫu giấy thấm được Tổng cục Dân số cấp để thực hiện xét nghiệm sàng lọc sơ sinh tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố. Tuy nhiên, số đối tượng được thụ hưởng chưa nhiều, chỉ trong khuôn khổ chương trình mục tiêu y tế - dân số. Trong năm 2020, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thực hiện sàng lọc sơ sinh trong chương trình mục tiêu y tế - dân số tại Trung tâm Y tế các huyện: Kim Bôi, Lạc Thủy, Cao Phong, Yên Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn, đã có 222 trẻ dương tính với bệnh thiếu men G6PD/2.994 trẻ sơ sinh được sàng lọc, chiếm 7,4%; trong số trường hợp được tư vấn, khám tại cơ sở y tế chuyên khoa có 37 ca mắc bệnh, hiện được điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ.

Mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 12.000 trẻ sinh sống, những trẻ này đều cần được sàng lọc sơ sinh để phát hiện sớm các bệnh rối loạn bẩm sinh liên quan đến nội tiết - chuyển hóa - di truyền thường gặp và có thể can thiệp điều trị kịp thời. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, việc thực hiện sàng lọc sơ sinh vẫn còn thấp, trong khi đó, kinh phí của chương trình mục tiêu y tế - dân số chỉ hỗ trợ được khoảng 1.000 trẻ sinh/năm. Vì vậy, để nâng cao chất lượng dân số, hướng đến mục tiêu hạn chế mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra, mỗi người dân cần hiểu rõ lợi ích từ việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước sinh, sơ sinh, tham gia thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, cũng như tăng cường sự tham gia, phối hợp của các cấp chính quyền địa phương, có cơ chế xã hội hóa để người dân tiếp cận các dịch vụ chất lượng thuận tiện, dễ dàng nhất.

Hồng Ngọc


Các tin khác


Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài 1: Nguy cơ thường trực

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp tại các địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thậm chí có người đã tử vong.

Lấy dị vật nằm trong phổi bệnh nhân suốt 25 năm

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa tiến hành lấy dị vật trong phổi của bệnh nhân suốt 25 năm bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm có gây mê. Hiện tại, sức khoẻ của bệnh nhân tạm ổn định và đang được tiếp tục điều trị, chăm sóc. 

Những lá thư khen ngợi - lời tri ân của người bệnh đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận được nhiều thư khen của người bệnh và người nhà bệnh nhân đối với đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng. Những lá thư cảm ơn mộc mạc, lời tri ân chân tình là động lực giúp đội ngũ y, bác sỹ vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực, quyết tâm hơn trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục