Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám cho bệnh nhi nhập viện.
Một ngày đầu tháng 5, sau khi ăn xong bữa tối, chuẩn bị đến giờ đi ngủ thì cậu con trai nhỏ của chị Mai Hoa ở huyện Đà Bắc bị nôn nhiều lần. Liên tục trong đêm, chị Hoa phải thức dậy để chăm sóc khi con tiếp tục có triệu chứng buồn nôn kéo dài. Đến ngày hôm sau, khi dứt dần cơn buồn nôn con chị bắt đầu bị tiêu chảy. Lo lắng, chị Hoa quyết định đưa con đi khám, bác sỹ chẩn đoán, con chị bị chứng tiêu chảy cấp do vi rút. Đây là một loại bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ trong dịp hè.
Dịch tiêu chảy đang có biểu hiện gia tăng về số ca, bước vào mùa hè, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, các bệnh về viêm đường hô hấp cấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng diễn biến phức tạp, khó lường. Tính đến thời điểm này, tỉnh ta đã xuất hiện nhiều bệnh do vi rút như các bệnh lây qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, tay chân miệng, tả, thương hàn, Rotavirut, hội chứng lỵ...). Mùa hè cũng là thời điểm thuận lợi cho côn trùng truyền bệnh phát triển nên nguy cơ mắc các bệnh như: sốt xuất huyết, sốt rét, zika... Ngoài ra, khí hậu nắng nóng là thời điểm bùng phát bệnh dại. Theo số liệu thống kê trên phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm tỉnh Hòa Bình ghi nhận: 6 trường hợp mắc sốt xuất huyết dengue tại các huyện (Lạc Sơn 2 ca, Yên Thuỷ 2 ca, Lương Sơn 1 ca, Đà Bắc 1 ca); 6 trường hợp mắc tay chân miệng tại huyện Lạc Thủy; 94 trường hợp do vi rút Adeno gây bệnh viêm đường hô hấp, tập trung nhiều nhất ở TP Hòa Bình với 82 ca. Đáng báo động đã có 380 trường hợp mắc tiêu chảy, tập trung chủ yếu tại huyện Mai Châu với 123 trường hợp, huyện Đà Bắc 89 trường hợp.
Đồng chí Bùi Văn Phón, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Nhận định các loại dịch bệnh do vi rút ngày càng diễn biến phức tạp, ngay từ đầu mùa hè, ngành y tế tỉnh đã chủ động hướng dẫn Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện, thành phố triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh (PCDB) mùa hè. Cụ thể, chỉ đạo TTYT các huyện, thành phố: giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng, đặc biệt là các ổ dịch cũ, chủ động phát hiện sớm dịch bệnh, điều tra ca bệnh kịp thời, xử lý triệt để các ổ dịch mới, không để dịch bùng phát, lan rộng. Chủ động triển khai các hoạt động truyền thông PCDB bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài... kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình dịch của từng địa bàn để người dân quan tâm, tự giác, tích cực thực hiện các biện PCDB cho bản thân và cộng đồng. Phối hợp cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp PCDB cho Nhân dân, đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ về hoạt động PCDB của tỉnh. Nâng cao tỷ lệ, chất lượng công tác tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là công tác tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản. Khuyến khích người dân tiêm phòng bệnh đầy đủ. Tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và các ngành chức năng trong PCDB mùa hè.
Bên cạnh đó, người dân cần chủ động các biện pháp PCDB cho bản thân và gia đình bằng các biện pháp như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch. Thực hiện vệ sinh môi trường, ngủ màn, rửa tay bằng xà phòng; thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi để phòng các các bệnh viêm não Nhật Bản, sởi…
Phương Linh