Hiện tượng thiếu thuốc, khan hiếm vật tư y tế diễn ra suốt nhiều tháng qua tại các cơ sở y tế. Nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng trong đó, chủ yếu là các cơ sở y tế vẫn còn e dè thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế.


Việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế khiến ngay cả các bác sĩ cũng gặp khó. (Ảnh: THIÊN LAM)
 

Bác sĩ phải tự chuẩn bị cả bông gạc và chỉ khâu khi đi mổ

"Thiếu vật tư y tế, chúng tôi liên tục phải xin lỗi bệnh nhân dù họ đã chuẩn bị lên bàn mổ vì vật tư đã được sử dụng cho các ca cấp cứu. Nhiều người bệnh chúng tôi phải tư vấn để họ đưa ra lựa chọn, hoặc chờ khi có vật tư thay thế để được thanh toán bảo hiểm y tế, hoặc họ phải chấp nhận mua ngoài, hoặc tới cơ sở y tế khác để được can thiệp”, một bác sĩ ở bệnh viện tuyến Trung ương kể. 

Một bác sĩ tại khoa cấp cứu ở bệnh viện tuyến Trung ương cũng bày tỏ, thời gian qua, những vật tư nhỏ thì có thể chỉ định mua sắm trực tiếp được, nhưng những cái lớn thì bắt buộc phải chờ. Trong cấp cứu, việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế đồng nghĩa với việc các y, bác sĩ thiếu vũ khí để điều trị bệnh. Nhiều gia đình bệnh nhân cũng bày tỏ sự bức xúc khi cơ sở thiếu một số vật tư mà đề nghị gia đình đi mua. 

Đây là một câu chuyện có thật, đang diễn ra tại nhiều bệnh viện, từ Trung ương tới các bệnh viện hạng 2, 3 ở tuyến tỉnh. Tình trạng thiếu thuốc đang là vấn đề nóng với nhiều cơ sở y tế, nhất là những loại thuốc đặc biệt như chống thải ghép, hóa chất, thuốc gây mê…

Theo chia sẻ của một lãnh đạo bệnh viện tuyến Trung ương, nhiều loại thuốc hiện nay rất khó để tiến hành đấu thầu. Việc yêu cầu đấu thầu thuốc năm sau phải rẻ hơn năm trước cũng rất bất cập.

Thí dụ, để theo dõi và điều trị cho hàng nghìn người bệnh sau ghép tạng, việc duy trì thuốc chống thải ghép thường xuyên rất quan trọng nhưng không dễ để mua được. "Thuốc chống thải ghép phải dùng hết sức thận trọng và phải dùng thuốc chuẩn. Chúng tôi phải làm đấu thầu mua thuốc Generic vì theo quy định không thể mua được nhiều thuốc biệt dược”, vị này cho hay. 

Một số thuốc đặc biệt như thuốc gây mê (gây nghiện) cũng vô cùng khó khăn để có thể mua được bởi vì đây là loại thuốc được kiểm soát chặt chẽ. Theo quy định đấu thầu, giá rẻ thì mua nhưng không nơi nào chào bán giá rẻ. 

Cũng theo quy định, khi đã mua thuốc thì phải dùng hết ít nhất 80% loại thuốc đã mua. Nhưng đối với nhiều thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm thì các bệnh viện khó mà lường trước việc có đủ bệnh nhân để dùng hết thuốc hay không, do đó cũng không dám đấu thầu. Ông buồn bã nói: "Bây giờ hầu hết chúng ta dùng thuốc Generic. Thuốc biệt dược cực kỳ thiếu”. 

Vị chuyên gia này cho hay, hiện có 4 cơ chế mua thuốc. Một là đàm phán cấp quốc gia do Hội đồng đàm phán cấp quốc gia làm nhưng hội đồng đàm phán cũng hầu như không đàm phán được. 

Thứ hai là cơ chế do Trung tâm đấu thầu mua sắm quốc gia thực hiện. Tuy nhiên, đơn vị này cũng đã có công văn gửi về các cơ sở y tế và nhấn mạnh "Hiện tại chúng tôi đang cố gắng thực hiện đấu thầu. Khi nào có thuốc, chúng tôi sẽ thông báo để mua còn bây giờ bệnh viện làm theo đúng pháp luật tự mua”. 

Theo quy định này, các bệnh viện phải mua và dùng 80% thuốc đó, nếu không dùng đủ 80% bị thanh tra cũng sai phạm. "Đó là lý do các bệnh viện hầu như không dám tự đấu thầu”. 

Thứ ba, là cơ chế đấu thầu tập trung do địa phương nhưng nhiều địa phương hiện cũng "không dám” đấu thầu. Cuối cùng, cơ chế cho bệnh viện tự đấu thầu mua thuốc nhưng đây cũng là bài toán khó. 

"Nhiều nơi anh em thật sự không dám đấu thầu. Tôi được biết, tại một số cơ sở y tế khác, các bác sĩ phải tự mua chỉ, mua dụng cụ băng gạc, dây truyền để mang vào phòng mổ. Cuối cùng bệnh nhân là người khổ”, vị này nói. 

Rất nhiều bệnh nhân mang trọng bệnh, đau đáu vì thiếu thuốc và không biết đến bao giờ, Việt Nam mới tiếp cận được các thuốc, hóa chất tiên tiến ở nước ngoài. 

Chị Nguyễn Thị Thanh (Hải Phòng) mắc u thần kinh nội tiết (Net) đã 6 tháng qua và đã trải qua một lần phẫu thuật nhưng các kết quả cho thấy khối u của chị lại sắp tái phát. Chị sắp tới sẽ phải đối mặt thêm một lần phẫu thuật nữa mà không loại bỏ được hoàn toàn khối u. 

"Tôi nghe nói tới phương pháp Theranostic là phương pháp kết hợp miễn dịch, điều trị đích, điều trị phóng xạ. Đây là phương pháp cuối cùng nếu không bệnh của tôi sẽ tử vong sớm. Nhưng hiện giờ mới chỉ nước ngoài có được hóa chất điều trị này”, chị Thanh ngân ngấn nước mắt nói. 

Thiếu thuốc, trang thiết bị y tế: Bác sĩ cũng gặp khó -0
Các bệnh nhân gặp khó khi thiếu thuốc và trang thiết bị.  

Theo GS, TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, u thần kinh nội tiết (Net) - loại u rất khó chữa và hay tái phát vì không có thuốc đặc hiệu nên Theranostic được xem là phương pháp điều trị tối ưu nhất.

Hiện nay, Việt Nam đã đủ điều kiện về nhân lực thiết bị máy móc, cơ sở vật chất để tiến hành kỹ thuật chẩn đoán và điều trị kết hợp Theranostic nhưng khó khăn lớn nhất chính là chưa có thuốc phóng xạ đặc hiệu. 

"Chúng tôi mong Cục Quản lý dược, Bộ Y tế sẽ sớm cấp phép để nhập loại thuốc phóng xạ này về Việt Nam. Khi đó, người bệnh ung thư được tiếp cận phương pháp mới và họ có cơ hội sống thêm được nhiều năm”, bác sĩ Khoa tâm sự. 

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, rất nhiều bệnh nhân từ các tuyến chuyển về để chờ thay thủy tinh thể đã không còn đủ kiên nhẫn để chờ khi bệnh viện có đủ vật tư y tế. Chị Hoàng Thị Mai Hương (Ninh Bình) đã quyết định đưa mẹ mình, 75 tuổi đi thay thủy tinh thể ở một bệnh viện mắt tư. 

"Hai tháng chờ đợi, bắt xe lên Hà Nội hai lần đều không đến lượt để thay thủy tinh thể. Mắt bà ngày càng mờ hơn lại say xe, không thể tiếp tục mệt mỏi đi lại chờ đợi thế này nên gia đình lựa chọn ra một bệnh viện tư để thay”, chị Hương chia sẻ. 

Theo tiết lộ của lãnh đạo một bệnh viện mắt tư trên địa bàn Hà Nội, tỷ lệ bệnh nhân đến mổ thay thủy tinh thể tăng cao gần đây. "Nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi phàn nàn về việc họ đã nhiều lần tới bệnh viện tuyến Trung ương theo đúng tuyến bảo hiểm để chờ thay thủy tinh thể, nhưng dù được hẹn lần nữa tới đôi ba tháng mà vẫn bị hụt cơ hội mổ vì thiếu vật tư nên họ không còn lựa chọn nào khác đến thay ở bệnh viện tư chúng tôi”.

Điểm nghẽn của việc cung ứng

Trước tình hình thiếu thuốc điều trị theo diện bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương và cơ sở y tế công lập mua sắm để kịp thời cung ứng thuốc. Sở Y tế nhiều tỉnh, thành phố đã yêu cầu các đơn vị khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu  vật tư, trang thiết bị y tế, không để ảnh hưởng đến công tác điều trị và chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên, các bệnh viện còn đang rất dè chừng. 

Theo GS, TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, thực tế một số bệnh viện công trên toàn quốc xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc men, sinh phẩm, thậm chí thiếu cả thiết bị y tế không phải là câu chuyện mới. 

Nguyên nhân là các giám đốc không mặn mà và có phần ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế. 

"Đây là điều đáng quan ngại vì sẽ tác động xấu đến người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc men ở ngoài và không quản lý được chất lượng thì sẽ rất nguy hiểm”, Giáo sư Anh Trí cho hay. 

Theo vị này, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Nếu nhìn bề ngoài, có thể có nhiều ý kiến cho rằng việc cán bộ y tế gặp sai phạm, từ cấp nhỏ như trưởng khoa cho tới cấp giám đốc bệnh viện, thậm chí lên đến cả Thứ trưởng, Bộ trưởng Y tế, vì vậy dẫn đến tình trạng cán bộ y tế sợ không dám làm.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều chỗ còn thiếu, bất cập, không cập nhật kịp với tình hình. Bên cạnh đó, cũng có yếu tố nhiều cán bộ sai phạm khi làm, đặc biệt trong quá trình chống dịch, dẫn đến chuyện này chuyện kia… Bởi vậy, những người làm quản lý phải nhìn nhận lại.

Thiếu thuốc, trang thiết bị y tế: Bác sĩ cũng gặp khó -0
Các chuyên gia cho rằng: Cần tháo gỡ những khó khăn, nút nghẽn trong cung ứng y tế hiện nay. 

"Tôi nghĩ họ không sợ, mà thấy rằng đang bị thiếu nhiều yếu tố và nếu cố tình làm sẽ dẫn tới vi phạm. Do vậy, để an toàn, họ đang chờ đợi một sự thay đổi, sự bổ sung, cập nhật hành lang pháp lý thật đầy đủ. Cái gốc rễ của vấn đề là ở chỗ đó”, vị này nhấn mạnh. 

Việc Bộ Y tế chậm công bố kết quả đấu thầu thuốc quốc gia khiến cho nhiều cơ sở y tế rơi vào tình trạng thiếu thuốc đặc trị, biệt dược. Ghi nhận tại các cơ sở y tế tại tỉnh Thái Nguyên, tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh, gây khó khăn cho điều trị mà nguyên nhân là do kết quả đấu thầu thuốc bị chậm. 

Tại Bệnh viện A Thái Nguyên, dù đã chủ động dự trù thuốc điều trị nhưng tình trạng thiếu biệt dược vẫn diễn ra. Các bác sĩ chỉ còn cách khắc phục sử dụng loại thuốc khác có cùng tác dụng, nhưng hiệu quả điều trị không cao. Một số trường hợp được chuyển lên tuyến trên nhưng người bệnh sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi. 

Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, lãnh đạo các bệnh viện đều kiến nghị, tỉnh Thái Nguyên và Bộ Y tế cần sớm công bố kết quả đấu thầu thuốc hằng năm để các bệnh viện ký hợp đồng cung ứng thuốc với đơn vị trúng thầu, chủ động nguồn thuốc, tránh tình trạng chậm như vừa qua dẫn đến thiếu thuốc, ảnh hưởng chất lượng điều trị và quyền lợi của người bệnh.

Theo tâm sự của giám đốc một bệnh viện tuyến tỉnh, hiện nay các bệnh viện đều gặp khó khăn như nhau. Mặc dù việc mua sắm vẫn thực hiện theo luật đấu thầu nhưng chủ yếu dựa theo luật đấu thầu xây dựng, chưa có quy định riêng về đấu thầu cho y tế.

Bên cạnh đó, trong yêu cầu về công khai giá thì nhiều công ty công khai giá không chính xác nên việc các đơn vị khi tham khảo giá rất khó khăn hoặc có những Công ty không muốn niêm yết giá công khai nên việc tham khảo giá là một khó khăn.


TheoNhanDan


 

Các tin khác


Phòng, chống dịch bệnh mùa hè: Chủ động phát hiện sớm, điều tra ca bệnh kịp thời

(HBĐT) - Hiện nay, thời tiết mùa hè với khí hậu nóng ẩm kéo dài là điều kiện lý tưởng để nhiều loại vi rút, vi khuẩn phát triển. Từ đó, tiềm ẩm nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, vi rút Rota, viêm não Nhật Bản và nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác. Theo thống kê của ngành y tế, thời gian vừa qua, trên cả nước ghi nhận hàng nghìn ca mắc sốt xuất huyết, chân tay miệng và một số bệnh do vi rút. Tại tỉnh ta, các loại dịch bệnh mùa hè cũng đã xuất hiện, trong đó đặc biệt là dịch tiêu chảy do vi rút, viêm phổi do vi rút Andeno…

Chủ động giám sát, phòng chống dịch đậu mùa khỉ

(HBĐT) - Dù trong nước chưa xuất hiện dịch đậu mùa khỉ (ĐMK), song nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập vào Việt Nam và địa bàn tỉnh bất kỳ lúc nào. Sở Y tế tăng cường giám sát, phòng chống bệnh ĐMK theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Ngày 7/6, cả nước có 960 ca mắc mới, Hà Nội dưới 200 ca

Ngày 7/6, Việt Nam ghi nhận 960 ca nhiễm mới COVID-19, tăng 158 ca so với ngày trước đó; Hà Nội còn dưới 200 ca mắc mới trong ngày.

Phân bổ vắc xin phòng Covid-19 đợt 41

(HBĐT) - Thực hiện theo Quyết định số 113/QĐ-BCĐ, ngày 3/6/2022 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch (BCĐ PCD) Covid-19 tỉnh về việc phân bổ vắc xin phòng Covid-19 đợt 41. Theo đó, BCĐ PCD Covid-19 tỉnh quyết định phân bổ 26.000 liều vắc xin Pfizer cho 10 huyện, thành phố. Cụ thể: Huyện Lương Sơn 3.600 liều, Kim Bôi 3.100 liều, Lạc Thuỷ 2.000 liều, Tân Lạc 2.700 liều, Lạc Sơn 3.800 liều, Yên Thuỷ 2.500 liều, Cao Phong 1.300 liều, Mai Châu 2.000 liều, Đà Bắc 1.000 liều, TP Hoà Bình 4.000 liều.

Ngày 6/6, cả nước có 806 ca mắc mới COVID-19, thêm 1 ca tử vong

Ngày 6/6, cả nước ghi nhận 806 ca nhiễm mới COVID-19, tăng 117 ca so với ngày trước đó; trong ngày có 1 ca tử vong do COVID-19.

Tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho gần 400 cộng tác viên dân số

(HBĐT) - Trong tháng 5 vừa qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức 10 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho gần 400 cộng tác viên dân số tại 10 huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục