(HBĐT) - Chủ động duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm sinh con thứ 3 trở lên và tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên hợp lý. Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con là mục tiêu ngành dân số tỉnh hướng đến để nâng cao chất lượng dân số.


Cán bộ Trạm y tế thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) truyền thông, tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ tại hộ gia đình. 

Tập trung giải pháp giảm sinh con thứ 3

Trong giai đoạn vừa qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Thời gian vừa qua, Sở Y tế đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh có Chỉ thị số 13/CT-UBND, ngày 22/10/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện công tác DS - KHHGĐ nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 30/9/2015 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 545-QĐ/TU, ngày 26/7/2017 của Tỉnh ủy về việc ban hành đề án "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc nâng cao hiệu quả công tác dân số tỉnh Hòa Bình”, 1 trong 4 vấn đề cần quan tâm trong đề án là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 24/4/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH T.Ư Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Ngày 4/8/2021, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về xây dựng biện pháp thực hiện để duy trì mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con trong nội dung hương ước, quy ước của khu dân cư; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh cho biết: Cùng với việc ban hành các văn bản, chỉ thị, đề án về công tác dân số, ngành dân số còn phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, chính sách DS - KHHGĐ. Nâng cao hiệu quả truyền thông, tuyên truyền giáo dục về DS - KHHGĐ, với các nội dung giáo dục giới tính, hậu quả của tảo hôn, các quy định của pháp luật về hôn nhân, gia đình, không phân biệt giới tính khi sinh, không sinh con thứ 3 trở lên. 

Nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), đẩy mạnh tiếp thị xã hội, xã hội hóa các biện pháp tránh thai thông qua truyền thông, tư vấn, kiểm tra sức khỏe vị thành niên, thanh niên chuẩn bị kết hôn và các đối tượng khác. Thực hiện nội dung giáo dục dân số trong nhà trường, giúp cho vị thành niên/thanh niên có kiến thức về giới, bình đẳng giới để khi lớn lên tự điều chỉnh hành vi sinh sản hợp lý, có trách nhiệm. Sở Y tế phối hợp Sở GD&ĐT qua hợp đồng trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện trong các trường truyền thông, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân, gia đình, chính sách DS - KHHGĐ, các nội dung về chăm sóc SKSS/KHHGĐ…  

Vẫn còn thách thức

Trong giai đoạn vừa qua, công tác DS - KHHGĐ của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên tăng cao ở mức đáng báo động, trong đó số trường hợp đảng viên sinh con thứ 3 trở lên cũng gia tăng. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở, mức sinh của tỉnh là 2,34 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, là 1 trong 33 tỉnh, thành phố chưa đạt mức sinh thay thế. Trường hợp sinh con thứ 3 trở lên tăng liên tục và số trường  hợp đảng viên sinh con thứ 3 cũng gia tăng. Cụ thể, tính từ năm 2018 - 2021, trường hợp sinh con thứ 3 trở lên tăng đều từ 9,8%; 11,9%; 13,2%; 15,6%; 6 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh có 663/3.486 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên, chiếm 19,1% (tăng 4,01% so với cùng kỳ).

Nguyên nhân chủ yếu của việc khó kiểm soát tình trạng sinh con thứ 3 trở lên hiện nay là: Một số cấp uỷ, chính quyền chưa thực sự quan tâm, có nơi xuất hiện tư tưởng chủ quan về những kết quả đạt được trong công tác dân số; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, chặt chẽ; chưa có chế tài cụ thể, rõ ràng ghi trong văn bản của T.Ư, địa phương trong việc xử lý trường hợp vi phạm (ngoài trường hợp là đảng viên) gây tác động tiêu cực, hạn chế đến phong trào vận động thực hiện chính sách DS - KHHGĐ trong Nhân dân. Còn nhiều văn bản có các nội dung làm cho người dân hiểu chưa đúng, có cơ hội lạm dụng để đối phó với cơ quan, tập thể về việc vi phạm của mình. Việc xử lý người vi phạm chính sách dân số chưa nghiêm, chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, chưa đủ mạnh để giáo dục, răn đe. 

Hiện nay, cùng chung với tình hình của cả nước là quy mô dân số tương đối ổn định, mô hình mỗi gia đình có 2 con ngày càng được chấp nhận rộng rãi, công tác dân số bước sang giai đoạn mới là dân số và phát triển thì những đối tượng sinh con thứ 3 trở lên đa phần là chủ động, cố tình chứ không phải vì chưa hiểu, chưa rõ về chính sách DS - KHHGĐ của Đảng và Nhà nước, hoặc không phải vì có thai ngoài ý muốn, không phát hiện ra… Chủ yếu gặp ở các đối tượng sinh con một bề là gái cố đẻ con trai; các đối tượng có kinh tế tương đối khá giả, muốn sinh thêm con cho vui cửa vui nhà; các đối tượng có ý thức kém trong việc thực hiện trách nhiệm của mình, của gia đình đối với cộng đồng, xã hội…

Trước thực trạng đó, Chi cục DS/ KHHGĐ đã tích cực tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các chính sách dân số; Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh về việc xây dựng biện pháp thực hiện để duy trì mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con trong nội dung hương ước, quy ước của khu dân cư; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh... Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, lồng ghép trong hoạt động của các cơ quan, ban, ngành, đẩy mạnh tiếp thị xã hội các biện pháp tránh thai phi lâm sàng; thực hiện tốt xã hội hóa dịch vụ KHHGĐ, tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ của hệ thống y tế Nhà nước và tư nhân, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng vị thành niên, thanh niên. Tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác dân số và phát triển như các lĩnh vực: Giảm tảo hôn, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm mắc bệnh tan máu bẩm sinh, giảm sinh con thứ 3... Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chính sách dân số, đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên trong việc thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, nuôi dạy con tốt; từ đó ảnh hưởng tích cực trong phong trào vận động toàn dân thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ của Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh và các địa phương. Tuyên truyền, vận động sâu rộng đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các quy định về chính sách DS - KHHGĐ, có biện pháp can thiệp nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. 

Hiện nay, công tác dân số được chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Nâng cao chất lượng dân số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, có tính chất quyết định đến công cuộc phát triển đất nước. Do vậy, việc giảm sinh con thứ 3 để nâng cao chất lượng dân số không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương và toàn xã hội.

Đỗ Hà


NHÓM Ý KIẾN

* Tăng cường truyền thông vận động thay đổi hành vi trong thực hiện chính sách dân số

Xây dựng gia đình ít con - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc là mục tiêu mà Hội LHPN huyện Đà Đắc đề ra trong chương trình hoạt động của Hội. Nhiều năm qua, Hội LHPN huyện Đà Bắc đã thành lập các mô hình, các CLB gia đình hạnh phúc, CLB phụ nữ với pháp luật, CLB không sinh con thứ 3 thu hút đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt. Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi truyền thông tuyên truyền, vận động đến từng hội viên về việc thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ; thực hiện các mô hình truyền thông, tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, giảm thiểu tình trạng tảo hôn; tổ chức các buổi hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả. Tuyên truyền giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, phổ biến pháp luật về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Rà soát, theo dõi, nắm chắc số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, số người sinh con thứ 3 trở lên để có biện pháp truyền thông, tư vấn, vận động thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Qua đó góp phần từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia thực hiện các chính sách DS-KHHGĐ và các giải pháp giảm sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn huyện.
 
Xa Thị Mai Ườm
Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đà Bắc


* Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên

Là huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao trong tỉnh và đang ở mức báo động nếu không có những biện pháp phù hợp để ngăn chặn kịp thời thì hệ quả của nó mang lại là rất lớn. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2022, huyện Lương Sơn đã có 213 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên. Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên xuất hiện tại tất cả các xã, thị trấn, cá biệt ở một số xã: Liên Sơn, Thanh Cao, Cao Sơn, Cao Dương tỷ lệ sinh con thứ 3 luôn ở mức cao nhất trong toàn huyện. Chính vì thế, việc tuyên truyền các quy định, chính sách về dân số là hết sức ý nghĩa để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ.

Huyện Lương Sơn đang tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh về việc xây dựng biện pháp thực hiện để duy trì mỗi cặp vợ chồng sinh hai con trong nội dung hương ước, quy ước của khu dân cư; quy chế, nội quy cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Đến nay, cơ bản các thôn, xóm, khu dân cư đã triển khai, đưa nội dung này vào hương ước, quy ước và có một số cơ quan, đơn vị đã đưa hình thức xử lý con thứ 3 trong nội quy, quy chế của đơn vị. Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn huyện xuống mức thấp nhất và dần đưa về mức sinh thay thế, tức là trung bình mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con. 

Nguyễn Thị Thu Hà
Trưởng phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn


* Đưa nội dung thực hiện chính sách dân số vào hương ước, quy ước của các khu dân cư, tổ dân phố

Hiện nay, đời sống người dân được nâng cao, công tác vận động, tuyên truyền về thực hiện chính sách dân số gặp khó khăn. Nhiều người có tư tưởng có đông con cho an toàn, có anh có em và vui cửa vui nhà nhưng không quan tâm đến tác hại đối với sức khỏe của người phụ nữ khi sinh nhiều cùng những hệ lụy khác dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên gia tăng. 

Tuy cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và đội ngũ y tế thôn bản, cộng tác viên dân số đã có các hoạt động truyền thông, tư vấn về chính sách dân số và nhiều hoạt động về DS-KHHGĐ đến các hộ dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và các đối tượng có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên để vận động dừng sinh ở 2 con. Dù vậy, nhiều năm nay, năm nào trên địa bàn xóm cũng có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Thực hiện Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh, xóm Tân Mai đã đưa nội dung vi phạm chính sách dân số sinh con thứ 3 trở lên vào hương ước, quy ước của xóm. Hy vọng cùng với việc triển khai Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh, thời gian tới, xóm Tân Mai sẽ không còn trường hợp sinh con thứ 3 trở lên.

Trần Ngọc Hưng
 Bí thư Chi bộ xóm Tân Mai, xã Đông Lai (Tân Lạc)

Các tin khác


Ngăn chặn dịch sởi lây lan vì đã có 42 ca mắc và nghi mắc

Cả nước đã ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố.

Triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm 

Sáng 18/3, Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) năm 2024. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành; lãnh đạo UBND, cán bộ phụ trách công tác y tế các huyện, thành phố.

Ra quân vận động người dân tham gia bảo hiển xã hội, bảo hiểm y tế

Ngày 16/3, hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2024, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ phát động ra quân chương trình "Tuổi trẻ Bưu điện Việt Nam xung kích, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế” (BHXH, BHYT). Chương trình được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tất cả các bưu điện tỉnh, thành phố, trung tâm toàn mạng lưới Bưu điện Việt Nam.

Huyện Tân Lạc quan tâm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em

Những năm qua, công tác tiêm chủng mở rộng ở huyện Tân Lạc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc triển khai và thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần thanh toán bệnh bại liệt; loại trừ được uốn ván sơ sinh; giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà; giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi; mở rộng diện bao phủ các vắc xin viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn ở địa phương.

Cách phân biệt trẻ ho gà với ho thông thường

Gần đây, tại Hà Nội xuất hiện nhiều trẻ bị ho gà, có trẻ mắc bệnh khi mới 5 tuần tuổi. Trẻ ho gà có biểu hiện như thế nào? Cách phát hiện sớm ho gà, phân biệt ho gà và ho thông thường ra sao?

Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 - 30%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục