Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng nguy cơ xâm nhập bệnh đậu mùa khỉ vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.
"Dù chưa ghi nhận ca bệnh nhưng nguy cơ xâm nhập bệnh đậu mùa khỉ vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, khi nhiều nước xung quanh đã ghi nhận ca bệnh như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận năm 1970, chủ yếu lưu hành ở Trung và Tây Phi. Tuy nhiên, từ tháng 5/2022, dịch bệnh có diễn biến bất thường khi gia tăng số ca mắc tại nhiều nước. Đến cuối tháng 7, thế giới ghi nhận 21.000 ca bệnh, tại 78 quốc gia, trong đó 7 ca tử vong.
Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) côngbố bệnh đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch ứng phó với ba tình huống đậu mùa khỉ gồm chưa có bệnh nhân; bệnh xâm nhập; dịch lan rộng.
Đồng thời, Bộ Y tếban hành hướng dẫn người nghi nhiễm hoặc mắc đậu mùa khỉ cách ly tại trạm y tế hoặc bệnh viện, điều trị triệu chứng, có thể dùng thêm thuốc đặc hiệu.
Về tiến độ tiêm vaccine COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Đến nay toàn quốc đã có 9 triệu người được tiêm mũi 4, đạt 50%. Ba tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất là Điện Biên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long. Ba tỉnh tiêm thấp nhất là Sơn La, Đăk Lăk, Nghệ An. Với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, đã tiêm mũi một được 70%, mũi hai đạt 38%.
"Tốc độ tiêm nửa cuối tháng 7 tăng 30% so với nửa đầu tháng", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nói và cho biết, để đảm bảo trong tháng 8 tiêm xong cho nhóm trẻ từ 5 tuổi như mục tiêu đề ra, thì các địa phương cần quyết liệt và kiểm điểm người đứng đầu nếu tiêm chậm.