(HBĐT) - Vào mùa nắng nóng, nhất là thời điểm nhiệt độ tăng cao trên 40 độ C thường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, nhất là người phải làm việc ngoài trời, người cao tuổi, người mắc bệnh nền, trẻ em… Vì vậy, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cần nắm được các cách xử trí sớm ban đầu nhằm tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Biểu hiện của các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với mặt trời, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể. Mức độ nhẹ có biểu hiện mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút. Mức độ nặng là đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, tụt huyết áp...) và có thể tử vong.
Theo thống kê của Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), thời gian gần đây, Khoa tiếp nhận bệnh nhân tăng từ 2 - 3 lần so với bình thường. Mỗi ngày, Khoa tiếp nhận khoảng 30 - 40 bệnh nhân, trong đó chủ yếu là đột quỵ não, đột qụy tim. Bác sỹ CKII Tạ Huy Kiên, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu cho biết: Khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí sớm, phù hợp. Mức độ nhẹ, chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, nới lỏng quần áo hoặc cởi bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân. Sau đó, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể rồi lau khô. Đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể. Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng. Nếu nạn nhân bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút. Lưu ý, không để cho nhiều người vây quanh nạn nhân. Sau khoảng 10 - 15 phút các biểu hiện sẽ giảm dần. Nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
Trước tình trạng thời tiết nắng nóng kéo dài, ngành Y tế khuyến cáo: Người dân hạn chế đi ra ngoài trời, đặc biệt trong khoảng từ 10 - 16 giờ. Những người ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần có khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời. Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hằng ngày. Đặc biệt cần uống tối thiếu 1,5 – 2 lít nước/ngày. Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.
Đối với những người phải làm việc ngoài trời cần bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát như sáng sớm hoặc chiều muộn. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15 - 20 phút. Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, nhất là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt cần uống thêm các loại nước bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc, khi uống nước cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất. Thực hiện các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc như sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hoà, hệ thống quạt thông gió phù hợp...
Hương Lan