Số lượng trẻ đến các bệnh viện nhi đồng tuyến cuối tại TP Hồ Chí Minh khám những bệnh lý về đường hô hấp đang gia tăng. Theo các bác sỹ, đây là thời điểm trẻ dễ mắc các bệnh lý hô hấp do thời tiết thay đổi. Bên cạnh đó, việc các đơn vị tuyến dưới liên tục chuyển các ca bệnh nặng lên tuyến trên khiến cho nhiều bệnh viện quá tải.

Gia tăng trẻ mắc bệnh hô hấp


Bệnh nhi điều trị tại Khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Từ đầu tháng 10 đến nay, Khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi đồng 2 liên tục gia tăng số lượng trẻ nhập viện do các bệnh lý về đường hô hấp. Bác sỹ Trần Quỳnh Hương, Trưởng Khoa Hô hấp 2 cho biết, có những thời điểm, số lượng trẻ nhập viện tăng gấp rưỡi so với tổng số giường bệnh. Vì vậy, nhiều trường hợp 2 trẻ phải nằm chung một giường bệnh. Đang chăm con bị viêm phổi phải nằm phòng cấp cứu của Khoa Hô hấp 2, chị Lê Thanh Liễu (ngụ Dĩ An, Bình Dương) cho biết, con chị bị ho kéo dài, nôn ói nhiều nên được chỉ định nhập viện. Khi nhập viện, cháu bị khó thở nên phải vào phòng cấp cứu để hỗ trợ hô hấp.

Cùng với con trai chị Liễu, phòng Cấp cứu của Khoa Hô hấp 2 còn có 15 trẻ khác phải điều trị tích cực; trong đó có 7 trẻ phải thở áp lực dương (NCPAP). Theo bác sỹ Trần Quỳnh Hương, các bệnh lý thường gặp là viêm tiểu phế quản, viêm phổi bội nhiễm. Đặc biệt, những bệnh nhi nhỏ tuổi, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc trẻ có bệnh nền, bệnh lý bẩm sinh thì bệnh thường diễn tiến nhanh và nặng. Theo phân tích của các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2, trẻ bị viêm tiểu phế quản phần lớn do nhiễm virus RSV (virus hợp bào hô hấp); một số ca nặng được xét nghiệm PCR ra Adenovirus.

Báo cáo của 4 bệnh viện gồm: Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Nhiệt đới, trong 10 tháng năm 2023 đã có 238.000 ca bệnh hô hấp. Trong đó, từ tháng 1 đến tháng 9, trung bình mỗi tháng có từ 18.000 - 23.000 ca. Riêng tháng 10, số ca bệnh gia tăng đột biến lên đến hơn 35.300 ca. Từ đầu tháng 11 đến nay, số ca bệnh hô hấp ở trẻ em tiếp tục gia tăng. Số ca mắc và nhập viện gia tăng kéo theo số ca tử vong cũng gia tăng. Số liệu cho thấy, trong 10 tháng năm có 223 trẻ tử vong do các bệnh lý hô hấp tại 4 bệnh viện này.

So sánh với cùng kỳ các năm 2021, 2022, số lượng trẻ em mắc bệnh hô hấp năm 2023 có sự gia tăng đột biến. Tuy nhiên, thống kê 10 tháng năm 2023 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước COVID-19 (từ năm 2015 đến năm 2019). Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, mặc dù số ca đến khám tại các cơ sở y tế có gia tăng trong những tháng cuối năm 2023, nhưng hệ thống giám sát chưa ghi nhận các ổ dịch viêm hô hấp tại các trường học trong những tháng gần đây.

Nguy hiểm hơn khi trẻ có bệnh nền

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ nhiều năm qua, một trong những bệnh lý nặng ở trẻ em mà các bệnh viện nhi tuyến cuối của Thành phố thường tiếp nhận điều trị đó là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp. Theo quy luật, bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp ở trẻ em thường tăng vào những tháng cuối năm. Virus vẫn là nguyên nhân chính gây nên bệnh cảnh viêm hô hấp cấp tính, cùng với thời tiết chuyển mùa đã dẫn đến hiện tượng số ca bệnh gia tăng từ tháng 10 đến nay. Kết quả xét nghiệm PCR của Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) từ các mẫu bệnh phẩm thu nhận từ các bệnh viện nhi của TP Hồ Chí Minh mới đây cho thấy, họ Enterovirus và Human Rhinovirus chiếm ưu thế; kế đến là các virus cúm (influenza) và á cúm (parainfluenza), virus hô hấp hợp bào (RSV) và các vi khuẩn (H. Influenza, Strep. pneumonia và Mycoplasma pneumonia).

Các chuyên gia về bệnh hô hấp trẻ em nhận định, các virus này là những tác nhân phổ biến gây bệnh viêm hô hấp, đã được ghi nhận tại Việt Nam và trên thế giới. Phần lớn các ca bệnh do các tác nhân này gây ra đều nhẹ, có thể điều trị ngoại trú. Các trường hợp diễn tiến nặng là do trẻ còn nhỏ tuổi hoặc mắc các bệnh nền như: tim bẩm sinh, bại não, xuất huyết não, teo đường mật, suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mạn, lupus đỏ hệ thống, suy dinh dưỡng… Những trường hợp này cần được nhập viện chẩn đoán, điều trị đúng cách và kịp thời để ngăn các biến chứng nặng, hạn chế tử vong.

Đáng chú ý, trong số các ca bệnh nặng ghi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh có đến 40 - 50% chuyển đến từ các tỉnh, thành khác. Trước tình hình này, Sở Y tế Thành phố thường xuyên tổ chức giao ban công tác phòng, chống dịch với các bệnh viện thuộc các tỉnh, thành phố phía Nam về các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp đang lưu hành như: bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, nhất là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp (như: viêm phổi và viêm tiểu phế quản) đang có dấu hiệu gia tăng theo chu kỳ cuối năm. Các buổi giao ban nhằm tìm sự phối hợp đồng bộ giữa các tuyến để giảm thiểu nguy cơ tử vong cũng như hạn chế gây quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối của TP Hồ Chí Minh.

Để phòng bệnh viêm hô hấp cho trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung, Sở Y tế khuyến cáo, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, luôn che miệng, mũi khi ho, hắt hơi. Ngoài việc tiêm chủng đầy đủ theo lịch, ngành Y tế khuyến khích người dân tiêm các vaccine cúm, phế cầu nếu có đủ điều kiện. Trẻ em có bệnh lý nền cần được theo dõi, điều trị ổn định để giảm thiểu nguy cơ chuyển nặng khi bị viêm hô hấp. Người đang có các triệu chứng viêm hô hấp nên mang khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh; đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và người có bệnh lý nền. Phụ huynh cần giữ ấm cơ thể, duy trì chế độ dinh dưỡng, hợp lý theo tuổi cho trẻ.

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài 1: Nguy cơ thường trực

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp tại các địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thậm chí có người đã tử vong.

Lấy dị vật nằm trong phổi bệnh nhân suốt 25 năm

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa tiến hành lấy dị vật trong phổi của bệnh nhân suốt 25 năm bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm có gây mê. Hiện tại, sức khoẻ của bệnh nhân tạm ổn định và đang được tiếp tục điều trị, chăm sóc. 

Những lá thư khen ngợi - lời tri ân của người bệnh đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận được nhiều thư khen của người bệnh và người nhà bệnh nhân đối với đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng. Những lá thư cảm ơn mộc mạc, lời tri ân chân tình là động lực giúp đội ngũ y, bác sỹ vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực, quyết tâm hơn trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục