Thời gian gần đây, dịch bệnh tay chân miệng (TCM) có dấu hiệu bùng phát trở lại tại nhiều địa phương. Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, cả nước ghi nhận gần 15.000 trường hợp mắc bệnh TCM trong 4 tháng đầu năm 2025, trong đó tỉnh Hòa Bình không nằm ngoài xu hướng này. Đặc biệt, huyện Kim Bôi đã ghi nhận số ca mắc tăng cao, đòi hỏi các cấp chính quyền và ngành Y tế phải triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch nhằm kiểm soát tình hình.


Cán bộ y tế phun khử trùng phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại Trường Mầm non Hợp Đồng, xã Hợp Tiến (Kim Bôi).

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Kim Bôi đã ghi nhận 76 trường hợp mắc bệnh TCM, chủ yếu ở trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã xuất hiện 4 ổ dịch tại Trường Mầm non Trung Bì, xã Xuân Thủy; các Trường Mầm non Thượng Tiến, Hợp Đồng, xã Hợp Tiến; Trường Mầm non Đông Bắc, xã Đông Bắc. Ngay sau khi nắm tình hình, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tỉnh đã cấp hóa chất, vật tư cho công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với địa phương triển khai công tác giám sát xác minh ca bệnh, ổ dịch và xử lý theo quy định; phối hợp với các ban, ngành liên quan, khu dân cư tổ chức tuyên truyền cho nhân dân, đặc biệt là khu vực có ca bệnh về các biện pháp phòng, chống. Đến nay, các ổ dịch đã được khống chế.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 23/5, toàn tỉnh có 153 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó: huyện Kim Bôi 76 trường hợp, huyện Tân Lạc 20 trường hợp, thành phố Hoà Bình 19 trường hợp, huyện Mai Châu 17 trường hợp, huyện Lương Sơn 7 trường hợp, huyện Cao Phong 6 trường hợp, huyện Lạc Thuỷ 5 trường hợp, huyện Lạc Sơn 2 trường hợp, huyện Đà Bắc 1 trường hợp. Bác sĩ CKI Bùi Văn Phón cho biết: Số ca mắc TCM chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi, trong đó hay gặp ở nhóm từ 1 - 5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo. TCM là bệnh lưu hành quanh năm, lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết các tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 10 hàng năm. Trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo.

Trước tình hình đó, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 1509/SYT-NVY, ngày 13/5/2025 về tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM. Theo đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cấp chính quyền chỉ đạo và huy động các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phối hợp với y tế địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh đến mọi tầng lớp nhân dân. Triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh, nâng cao sức khỏe nhân dân. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tổ chức tốt việc thu dung, phân tuyến điều trị bệnh nhân TCM; bố trí sẵn sàng khu điều trị tập trung trong trường hợp dịch bệnh lan rộng và có nhiều bệnh nhân phải điều trị; thực hiện tốt phòng lây nhiễm chéo, đặc biệt với bệnh sởi, viêm phổi và các bệnh viêm đường hô hấp khác. Bố trí kinh phí địa phương dự phòng để sẵn sàng đáp ứng khi có dịch bệnh TCM xảy ra...

Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh phối hợp với ngành Y tế cùng cấp tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mầm non về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM và các dịch bệnh trong trường học; bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, nước sạch, xà phòng và bố trí vị trí rửa tay thuận tiện. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai tốt các biện pháp phòng dịch chủ động. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh TCM tại cơ sở giáo dục và thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời. 

Đồng thời triển khai tốt công tác truyền thông phòng, chống bệnh TCM và các dịch bệnh khác để người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Ngành Y tế cũng khuyến cáo cách phòng bệnh TCM: Thực hiện tốt "3 sạch” (uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch). Khi thấy trẻ sốt và xuất hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa ngay đến cơ sở y tế. Khi trẻ bị bệnh phải cho trẻ nghỉ học, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác. Không làm vỡ các nốt phỏng để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh. Hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm như cháo, súp. Nếu nghi ngờ mắc bệnh hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời…

Hương Lan


Các tin khác


Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng

Trong bối cảnh bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam, trong đó có khu vực phía Nam, đặc biệt sự xuất hiện của chủng virus EV71 gây nên các ca bệnh nặng, có biến chứng nguy hiểm thì vaccine được xem là giải pháp phòng bệnh hiệu quả.

Dự án 3 trung tâm y tế huyện - nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở

Sau thời gian tích cực thi công, 3 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện tại Lạc Sơn, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình đã hoàn thành. Dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các TTYT được đầu tư xây dựng bề thế, khang trang, hiện đại, quy mô từ 5 - 7 tầng, trang bị đầy đủ thiết bị y tế, kỳ vọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe cho người dân từ cơ sở.

Chủ động ứng phó nhưng không quá hoang mang trước dịch bệnh COVID-19

Từ cuối năm 2023, dịch bệnh COVID-19 được Bộ Y tế loại ra khỏi nhóm A (nhóm đặc biệt nguy hiểm), xếp vào nhóm B (dịch bệnh nguy hiểm) theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nên mức độ quản lý và ứng xử với các ca bệnh theo cách nhẹ nhàng hơn.

Cả cộng đồng cần chung tay phòng, chống tác hại của thuốc lá

Là tỉnh miền núi với đặc thù văn hóa cộng đồng chặt chẽ, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang được triển khai sâu rộng, huy động sự tham gia của toàn xã hội. Không chỉ dừng lại ở việc ban hành các quy định hành chính, tỉnh đang từng bước xây dựng một phong trào rộng khắp, từ cơ quan, đơn vị đến từng khu dân cư, gia đình.

Học bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Mỗi mùa hè đến, nỗi lo về tai nạn đuối nước ở trẻ em lại thường trực. Nguyên nhân chính trẻ em bị đuối nước tử vong là do trẻ không biết bơi, thiếu kỹ năng và kiến thức an toàn trong môi trường nước. Vì vậy, dạy bơi cho trẻ em không chỉ là một hoạt động thể thao, mà còn là giải pháp hiệu quả để phòng tránh tai nạn đuối nước, giúp trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân khi gặp tình huống nguy hiểm. Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh tích cực tổ chức các lớp dạy bơi nhằm trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ; đồng thời mang lại cho các em một mùa hè bổ ích, an toàn, lành mạnh.

Mạng xã hội có thể gây hại cho sức khỏe người trẻ

Nghiên cứu mới ở Đức cho thấy mạng xã hội đang âm thầm bào mòn sức khỏe tinh thần người trẻ. 1/3 thanh thiếu niên có dấu hiệu nghiện, nhiều người thừa nhận cảm thấy kiệt sức và lo âu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục