Bấu vào mũi tàu và trầm mình 4 ngày đêm trên biển giữa trời mưa bão, 12 ngư dân Việt Nam đã từng nghĩ rằng họ phải bỏ xác giữa đại dương. Nhưng một ánh đèn xa xa đã đem lại cho họ sự sống.

 

Hôm qua 17.8, những ngư dân tàu QNg 90510 TS gặp nạn trên biển và được tàu cá Philippines cứu hộ đã nhận được tấm giấy thông hành để có thể trở về đoàn tụ với gia đình. Đại sứ VN Nguyễn Vũ Tú đã trao tận tay mỗi người tấm giấy mới cứng ngay tại Bộ tư lệnh Hải quân miền Tây Philippines đóng tại tỉnh Palawan, nơi họ đang tạm trú từ ngày 29.7. Những ngư dân phần lớn là thanh niên tuổi đời trên dưới 20 chẳng biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn đối với những ngư dân nước bạn đã cứu sống và Bộ tư lệnh Hải quân đã cưu mang họ. Sau khi tiếp nhận 12 ngư dân, đơn vị này đã khám sức khỏe, chữa trị vết thương trên da do ngâm nước lâu ngày, và cung cấp chỗ ở, thức ăn, áo quần… cho họ.


Ngư dân Nguyễn Đại rưng rưng khi nhớ lại khoảng thời gian đối diện với cái chết trên biển - Ảnh: Thục Minh

Theo kế hoạch, sáng 19.8, họ sẽ được nhân viên Cục Xuất nhập cảnh Philippines đưa lên Manila, từ đây họ sẽ bay về TP.HCM trong đêm. Phó chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh Hải quân Philippines, đại úy Ronald Joseph S Mercado cho biết, trong ngày 18.8, các ngư dân sẽ được khám sức khỏe thêm một lần nữa trước khi về nước.

Cận kề cái chết

Anh Nguyễn Đại, 33 tuổi, quê ở Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi, rưng rưng khi kể lại với phóng viên Thanh Niên những ngày cận kề cái chết. Tàu QNg 90510 TS với 10 ngư dân Quảng Ngãi và 2 Khánh Hòa ra khơi giữa tháng 7.2011. Ngày 20.7,  tàu chết máy giữa khơi. Sau 4 ngày, khi mọi nỗ lực khắc phục chưa thành công thì bão ập đến. Tàu bất ngờ chìm nhanh đến mức anh em không trở tay kịp, chỉ còn mũi tàu nổi trên mặt nước. Vơ được ít mì gói và nước ngọt buộc vào mũi tàu, anh em cũng bám vào đó và lênh đênh trên mặt biển. Những người yếu nhất được ngồi vào thúng. “Gió mưa vần vũ, anh em chỉ dùng tạm áo mưa trùm lên người, gọi là đỡ lạnh được chừng 1%”, anh Đại kể.

 
Đại diện 115 ngư dân đang bị giam giữ chia sẻ nguyện vọng sớm được về nước với Đại sứ (phải) - Ảnh: Thục Minh

Suốt 4 ngày liền, đêm rồi lại ngày, tàu trôi dạt vô định. Mỗi người cầm hơi bằng 1 gói mì và chút nước ngọt mỗi ngày. “Đói, lạnh và kiệt sức, anh em nói với nhau thôi trời không thương thì đành chết cùng nhau”, anh kể.

Bỗng dưng rạng sáng 28.7, từ xa xuất hiện ánh đèn chói lòa trên biển. Chút hy vọng lóe lên. Anh em quyết định chọn 3 người còn khỏe nhất và có kinh nghiệm bơi thuyền thúng đến chỗ ánh đèn để kêu cứu. Dồn phần lớn mì và nước biển cho 3 người bơi đi, anh em quyến luyến chia tay và sẵn sàng chấp nhận mọi kết cục đối với mình.

Ba người đã bơi ròng rã hơn 6 tiếng đồng hồ, từ 3 đến 9 giờ sáng, nhưng con tàu kia đã đi xa. Lại một tàu cá nữa đi qua họ mà không dừng lại. Rồi 3 tàu khác đi đến, nhận ra tín hiệu “cờ trắng” và vớt cả ba người lên thuyền. Qua trao đổi bằng “ngôn ngữ cơ thể”, tàu cá Philippines được tin còn 9 người nữa đang ngắc ngoải ở đằng xa. Xác định được vị trí người bị nạn, tàu bạn thẳng tiến. “Nhìn thấy họ hướng mũi về mình, anh em mừng lắm”, anh Đại chia sẻ.

Anh Đại cũng cho biết thêm, sau khi vớt cả 12 người, tàu bạn đã điện thoại vào đất liền để xin cháo cho ngư dân. “Họ sợ mình đói lâu ngày, ăn cơm vào sẽ bị sốc. Phải ăn cháo với muối một ngày rồi họ mới cho mình ăn cơm và đưa vào bờ”.

Hỏi anh Lê Văn Vương (46 tuổi), Bùi Tấn Lực (46 tuổi) và Nguyễn Văn Lý (22 tuổi), 3 người đã bơi thuyền thúng đi kêu cứu, rằng các anh nghĩ gì lúc rời nhóm ra đi. Ánh mắt họ vui lên: “Mình chỉ biết cố hết sức bơi thôi. Giữa cái chết và sự sống, chẳng có cách nào khác. May là mình thành công. Mình biết ơn những người bạn Philippines”.

Sáng qua, Đại sứ Nguyễn Vũ Tú cũng đã đến thăm 115 ngư dân đang bị giam tại nhà tù tỉnh Palawan (7 thuyền trưởng ở nơi khác). Chia sẻ với những ngư dân đang từng giờ mong mỏi được trở về với gia đình, Đại sứ cho biết sứ quán đã và đang nỗ lực qua mọi kênh nhằm giúp họ được về nước trong thời gian sớm nhất có thể, cùng với tàu thuyền. Ông cũng dặn dò anh em một số việc trước khi phiên tòa sắp tới sẽ diễn ra vào ngày 24-26.8.

Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, anh Thái, người được bầu làm trưởng nhóm 115 người nói trên, cho biết phía bạn đối xử rất tốt với anh em, tuy điều kiện sinh hoạt còn hạn chế.

Trước đó, đêm 16.8, ngay khi đến Palawan, ông Tú cũng đã đi thăm 7 thuyền trưởng được bảo lãnh tại ngoại và hiện đang ở tại một nơi khác.

Chiều 17.8, Đại sứ Nguyễn Vũ Tú cũng có buổi thăm và làm việc với Tỉnh trưởng Palawan Abraham Mitra về việc 122 ngư dân ta bị cáo buộc xâm nhập trái phép lãnh hải Philippines. Các bên đã đưa vấn đề này ra bàn thảo và cùng tìm cách giải quyết vụ việc trên cơ sở luật pháp và tinh thần nhân đạo.

 

                                          Theo ThanhNien

Các tin khác

Giám sát bệnh chân – tay – miệng tại nhà chị Vì Thị hương, tổ 10, Tân Hòa, TPHB 
( ảnh: Hồng Dung - TTV)
Bác sĩ - Thạc sĩ Nguyễn Thành Hải (bên phải)
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Đà Bắc nâng cao trách nhiệm của gia đình, xã hội với trẻ em

(HBĐT) - Bà Xa Thị Lan, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đà Bắc cho biết: Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được triển khai từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là thiếu cán bộ chuyên trách, ở tuyến xã, thị trấn chỉ có 1 cán bộ lao động mà phải kiêm nhiệm tất cả các phần việc về lao động - việc làm, chính sách người có công, bảo trợ xã hội, xóa đói - giảm nghèo và công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Bên cạnh đó, khi BHYT huyện tiếp nhận việc làm BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi đã gặp phải một số khó khăn nên trẻ em mới sinh từ đầu năm 2010 đến nay đều chưa được cấp thẻ BHYT. Tuy nhiên, số trẻ đó khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế vẫn được miễn phí nếu mang theo giấy khai sinh.

Kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe

(HBĐT) - Ngày 16/8, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe (TTGDSK) đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (16/8/2001 – 16/8/2011) và triển khai chương trình hành động TTGDSK giai đoạn 2011 – 2015.

Giám sát dịch bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn thành phố Hòa Bình.

(HBĐT) - Ngày 15/8, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp với phòng Y tế và Trung tâm y tế dự phòng thành phố giám sát dịch bệnh tay – chân - miệng tại 2 phường có nhiều diễn biến phức tạp về dịch bệnh trên địa bàn thành phố là phường Tân Thịnh và Tân Hòa.

Gian nan đường đến trường của trẻ có “H”

Đến nay, trên thế giới và ở Việt Nam chưa có trường hợp nào trẻ em bị lây nhiễm HIV (có “H”) bởi trẻ khác qua tiếp xúc, sinh hoạt hằng ngày. Nước ta có luật, có pháp lệnh và các quy định về việc không phân biệt, kỳ thị và trẻ em có "H" có quyền được học tập nhưng nhiều trẻ có "H" vẫn phải từ bỏ giấc mơ đến trường bởi bị ngăn cản, bị kỳ thị.

Công khai cơ sở nấu ăn "bẩn"

Ngày 15.8, UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở dịch vụ cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, công ty cung cấp suất ăn công nghiệp, nấu ăn phục vụ tiệc...; xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm, đình chỉ hoạt động và thông tin công khai trên các phương tiện truyền thông đối với các cơ sở không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng.

Bệnh tay chân miệng bùng phát thành dịch

Bệnh tay chân miệng (TCM) đã bùng phát thành dịch và lan rộng. Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong Hội nghị Tăng cường phòng chống bệnh TCM và Triển khai chiến dịch phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) diễn ra tại TP.HCM vào hôm nay 15.8.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục