Cán bộ, CNV ngành Y tế diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về VSATTP.
(HBĐT) - Đã hơn 1 tháng sau vụ ngộ độc do ăn nhầm lá ngón nhưng anh Bùi Văn Tình ở xóm Mè, xã Trung Hòa (Tân Lạc) vẫn chưa hết sợ. Hôm 13/2, trong lúc đi chăn trâu, anh đã hái một ít rau rừng về cho vào nồi cháo đang nấu ở nhà. Do bất cẩn, anh đã hái nhầm lá ngón. Sau khi ăn, anh và đứa con 3 tuổi Bùi Văn Duy đã hoa mắt, run rẩy chân tay, người lả đi… Rất may là anh và cháu đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Cháu Duy do nhiễm độc nặng hơn phải chuyển lên tuyến trên cứu chữa. Năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 18 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 1 ca tử vong của một cháu bé ở huyện Lạc Sơn do ngộ độc sắn, 1 ca ngộ độc lá ngón. Trong năm 2011 và 2010 cũng đã có những ca ngộ độc sắn, nấm.
Bác sỹ Bùi Quang Huấn, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: Qua giám sát trường hợp cháu bé ngộ độc sắn ở huyện Lạc Sơn cho thấy, trong quá trình đi chăn trâu, cháu bé đã nướng sắn chưa chín ăn. Do không được cấp cứu kịp thời nên cháu đã tử vong. Ở tỉnh ta, đồng bào một số nơi sử dụng các loại thực phẩm sẵn có như: măng, nấm, sắn, thịt cóc… Đây là những loại thực phẩm hoàn toàn không sử dụng hóa chất trong chế biến nhưng lại chứa nhiều độc tố tự nhiên có thể gây ngộ độc, dẫn đến tử vong. Những năm trước đây, khi chưa được tuyên truyền rộng rãi, mỗi năm có hàng chục vụ ngộ độc thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên. Tại huyện Đà Bắc đã từng có một vụ đến 3 người chết do ăn sắn, nấm độc. Vài năm gần đây, số vụ ngộ độc như trên đã giảm nhưng hàng năm vẫn còn xảy ra và gây chết người.
Có thể chia ra 6 loại thực vật có chứa chất độc gây ngộ độc: thực vật có alcaloid, glycosid, toxalbumin (protein thực vật độc), rotenon, acid hữu cơ độc, chất nhựa độc. Những thực vật có chứa alcaloid độc: lá ngón, ô đầu, cà độc dược, mã tiền, dây bách bộ, dây chè, cây mã tiền, củ khoai tây mọc mầm. Trong đó, lá ngón là loại cây có độc tính cao nhất ở Việt
Để phòng, chống ngộ độc những độc tố tự nhiên, theo bác sĩ Bùi Quang Huấn, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, người dân không nên ăn những thực phẩm mà mình chưa biết chắc chắn, thực phẩm ôi thiu, thối rữa. Đối với ngũ cốc phải phơi khô, bảo quản tốt, tránh để ẩm mốc; không ăn những hạt lạc, gạo đã bị mốc, thâm đen hoặc những hạt bất thường. Đối với khoai tây, không nên ăn những củ đã mọc mầm, củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh, củ đã đào khỏi mặt đất quá lâu. Đối với sắn, trước khi ăn lột vỏ, sau đó ngâm trong nước lạnh nhiều giờ trước khi luộc. Trong lúc luộc nên mở nắp nồi để chất xyanua bay đi, lượng độc chất sẽ giảm đáng kể. Đối với măng nên rửa kỹ, ngâm trong nước nhiều giờ và luộc qua 1 – 2 lần trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn mật cá; khi làm thịt cóc cần hết sức cẩn thận không để nhựa trên da cóc, mật cóc dính vào thịt. Khi có dấu hiệu bị ngộ độc phải tìm mọi cách gây nôn và đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu. Trong năm 2013, Chi cục VSATTP sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã, trong đó có phòng, chống ngộ độc các độc tố tự nhiên để lực lượng này tuyên truyền đến nhân dân.