(HBĐT) - Vậy là tôi đã thực hiện được ước nguyện đến Côn Đảo - vùng đất huyền thoại, nơi từng là "địa ngục trần gian” kéo dài hàng trăm năm và cũng là vùng đất của sự sống khát khao, mãnh liệt, quật cường. Chẳng vậy mà Côn Đảo đã trở thành trường học cách mạng của biết bao chiến sỹ cộng sản và những người yêu nước. Cùng với hệ thống nhà tù nghiệt ngã thì nghĩa trang Hàng Dương là di tích có giá trị tố cáo tội ác của chế độ thực dân, đế quốc với hàng vạn nấm mộ có tên và không tên. Là nơi yên nghỉ của biết bao người con ưu tú của dân tộc đã bị kẻ thù đầy ải chốn lao tù, xiềng xích, bởi vậy nơi đây đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.


Đoàn công tác Báo Hòa Bình viếng thăm mộ chị Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo trong tháng 8 vừa qua.

Chúng tôi không được viếng nghĩa trang Hàng Dương khi đêm xuống bởi những cơn mưa như trút nước trong mùa gió chướng. Song trong ánh bình minh, Hàng Dương linh thiêng, trong trẻo đến lạ. Không có sự u ám, lạnh lẽo mà trái lại nơi nghĩa trang này ấm áp tình người bởi không bao giờ vắng du khách viếng thăm. Trong lòng mọi người là sự cảm phục, tôn kính những người nằm xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.

Nghĩa trang Hàng Dương nằm giữa những hàng dương, cát trắng và sóng biển rì rào vỗ bờ cùng những câu chuyện đã thành huyền thoại. Nơi đây có diện tích khoảng 20 ha, là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sỹ cách mạng và đồng bào yêu nước qua nhiều thế hệ bị tù đầy kéo dài 113 năm dưới sự áp bức tàn bạo của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Theo giới thiệu của hướng dẫn viên Phạm Thùy Chi, nghĩa trang Hàng Dương không phô trương khác với thực tế lịch sử mà hài hòa, hợp với cảnh sắc thiên nhiên vùng biển đảo, gây ấn tượng sâu lắng. Mỗi nắm đất là một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh quật cường. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, có trên 20.000 người đã nằm xuống tại Côn Đảo, nhưng đến nay chỉ tìm được 1.922 phần mộ, trong đó có 714 phần mộ tìm được danh tính. Tất cả các mộ phần được quy tập về chôn cất tại Hàng Dương. Những ngôi mộ không được xếp theo hàng lối. Khi xưa tìm được ngôi nào thì xây bia mộ và cốt đá ngay chính chỗ đó chứ không di chuyển hài cốt để những người nằm xuống được mãi yên giấc ngàn thu. Với ngôi mộ biết danh tính thì trên bia được ghi rõ họ tên, quê quán. Những ngôi không biết tên thì chỉ có một ngôi sao. 

Nghĩa trang Hàng Dương được khởi công tôn tạo và xây dựng ngày 19/12/1992, gồm có 4 khu: A, B (B1, B2), C và D. Mỗi khu gắn với từng giai đoạn lịch sử và tên tuổi của các anh hùng liệt sỹ. Khu A gồm 690 ngôi mộ, trong đó có 7 mộ tập thể. 91 mộ có tên, 599 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1945 trở về trước. Khu này có ngôi mộ của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và anh hùng LLVT nhân dân Vũ Văn Hiếu.

Khu B1 gồm 210 ngôi mộ (14 mộ tập thể), 62 mộ có tên, 148 mộ khuyết danh, đa số từ năm 1945 - 1960. Khu B2 có 485 mộ (3 mộ tập thể), 218 mộ có tên, 267 mộ khuyết danh. Hầu hết các phần mộ từ năm 1945 - 1962. Nơi đây có mộ của các anh hùng LLVTND: Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc, Lưu Chí Hiếu, Phạm Thành Trung, Hồ Văn Năm, Ngô Đến.

Khu C có 374 ngôi mộ (1 mộ tập thể), trong đó 327 mộ có tên, 47 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1960 - 1975. Khu này có mộ của anh hùng Lê Văn Việt, Nguyễn Thị Hoa, Huỳnh Tấn Lợi, Lê Tự Kình, Phan Đình Tựu.

Khu D gồm 162 ngôi mộ, 15 mộ có tên, 147 mộ khuyết danh. Đặc biệt, đây là nơi quy tập những nấm mộ từ nghĩa trang Hòn Cau, Hàng Keo và rải rác ở các nơi về. Trong khu có ngôi mộ của anh hùng Trần Văn Thời.

Mỗi người đến Côn Đảo không thể không dành thời gian tới nghĩa trang Hàng Dương dâng hương, hoa tri ân những người đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Đặc biệt là khu mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu luôn nghi ngút khói hương, phủ đầy hoa trắng. Sử sách ghi lại, tháng 2/1950, chị Sáu nhận nhiệm vụ ném lựu đạn, tiêu diệt hai chỉ điểm viên của thực dân Pháp là Cả Suốt, Cả Đay, rồi bị bắt. Chị bị địch tuyên án tử hình khi chưa 18 tuổi. Bản án này đã gây chấn động dư luận, vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ở Việt Nam và ngay tại nước Pháp. Chính vì vậy, chính quyền quân sự Pháp không thể công khai thi hành bản án. Tháng 1/1952, chúng chuyển chị ra Côn Đảo, giam trong Sở Cò để bí mật thi hành án tử hình khi đã đủ 18 tuổi. Trước hôm bị hành hình, chị Sáu liên tục hát cho bạn tù nghe những bài ca cách mạng. Lúc bị giải ra pháp trường, các bạn tù đứng dậy cùng hát bài Chiến sỹ Việt Nam để bày tỏ lòng cảm phục, tiếc thương và tiễn đưa người đồng đội. Người con gái Đất Đỏ kiên trung, bất khuất đã anh dũng hy sinh ngày 23/1/1952 khi tuổi đời còn quá trẻ. Vậy nên nhiều câu chuyện huyền thoại được lưu truyền, không thể lý giải đã làm cho nhân dân Côn Đảo và nhiều du khách đều tin "Cô Sáu rất linh thiêng”. 

Sâu lặng và cảm phục, tạm biệt Hàng Dương, tôi chưa bao giờ cảm nhận vần thơ trong bài "Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn lại hay đến thế: "...Tôi quỳ bên ngôi mộ/Dâng đóa hoa trắng trong/Trời cao xanh mênh mông/Biển rộng xa xao động.../Chị Sáu nằm thanh thản/Hàng Dương nghe gió rung/Và bao chuyện lạ lùng/Trong lòng tôi tha thiết/Bỗng như là có thật/Sống mãi cùng thời gian...”.


Hoàng Nga

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục