Bài 1 - Nhọc nhằn "cõng” chữ lên... mây

(HBĐT) - Với ước nguyện góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở Thung Mặn, Thung Ảng - nơi xa nhất của xã Hang Kia (Mai Châu), hàng ngày, hàng đêm, ngày nắng cũng như ngày mưa, 20 giáo viên trường TH&THCS Hang Kia B âm thầm vượt qua bao nỗi nhọc nhằn để "gieo” từng con chữ trên đá núi tai mèo sắc lẹm...


Đường đến trường của các thầy, cô giáo ở trường TH&THCS Hang Kia B, xã Hang Kia (Mai Châu) luôn là cuộc vật lộn với bùn, đất.

Thú thực! Dù nghĩ mãi nhưng tôi chưa biết nên bắt đầu câu chuyện về những người đi "gieo” chữ ở vùng đất trên mây Thung Ảng, Thung Mặn từ đâu. Bởi mỗi con chữ được các thầy, cô giáo trường TH&THCS Hang Kia B gieo trên vùng núi đá tai mèo này là cả một hành trình đầy gian truân, vất vả khó mà kể hết.
         
Đổi gian truân lấy những "niềm vui nho nhỏ”
         
Sau nhiều đắn đo, tôi xin bắt đầu câu chuyện về 20 thầy, cô giáo ở vùng mây Thung Ảng, Thung Mặn bằng những câu chuyện vui mà họ vẫn khiêm tốn bảo đó là "những niềm vui nho nhỏ”, chứ không phải những gian truân trên hành trình "gieo” chữ của những người đã "gửi cả thanh xuân” nơi miền sơn cước này. 
         
Niềm vui lớn nhất như cô giáo Hà Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ đó là chuyện hôm qua và cả những hôm trước nữa, cô Hằng, cô Hồng, cô Chính, thầy Hùng và nhiều thầy, cô giáo của nhà trường nhận được những lá thư cảm ơn còn ngượng nghịu về ý tứ, lỏng chỏng về ngôn từ của những học viên lớp phổ cập giáo dục cho người lớn (xóa mù chữ). Đó là những người mới ngày nào còn là học viên lớp phổ cập giáo dục, nhiều người còn chưa biết mặt chữ, chưa nói được tiếng phổ thông, phải bắt đầu từ chữ O, chữ A. Để có được những "niềm vui nho nhỏ” đó, để cho những người phụ nữ dân tộc Mông quanh năm chỉ biết "cúi mặt xuống đất” như Tráng Y Phếnh, Giàng Y Mỉ, Hờ Thị Mai biết đọc, biết viết. "Thậm chí như Giàng Y Mỉ còn biết đọc chữ để hát karaoke theo những dòng chữ chạy trên màn hình là cả một hành trình dài vất vả mà chúng tôi và nhiều người vẫn ví như một kỳ tích" - cô Hằng chia sẻ niềm vui.
         
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hang Kia Khà A Lau, 2 xóm Thung Mặn, Thung Ảng là 2 xóm xa nhất của xã, cách UBND xã khoảng 10 km. Đường đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đường rừng, dốc đá. Trong điều kiện đó, Thung Mặn, Thung Ảng gần như tách biệt với xã hội bên ngoài. Cuộc sống của người dân ở đây chủ yếu phụ thuộc vào cây ngô và lúa nương, năm được năm không phụ thuộc thời tiết. Ăn bát ngô sáng đã phải lo kiếm bữa chiều. 

Chính vì lẽ đó, đây là nơi có tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ cao nhất huyện vùng cao Mai Châu. Theo thống kê của trường TH&THCS Hang Kia B, tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ ở Thung Mặn, Thung Ảng chiếm tới 60% số dân từ 15 - 60 tuổi (1.139/1.953 người). Số người dân không biết tiếng phổ thông cũng chiếm trên 60%. Dù vậy, việc tiếp cận, vận động người dân đến trường, đến lớp học chữ cũng vô cùng khó khăn. Bởi trong suy nghĩ còn nặng tư tưởng "biết chữ cũng chẳng để làm gì”. 

Vậy nhưng, bằng cái tâm, nhiệt huyết của người dạy chữ, suốt từ năm 2017 đến nay, 20 thầy, cô giáo ở trường TH&THCS Hang Kia B hàng ngày vẫn âm thầm "cõng” từng con chữ lên non gieo vào lòng đá núi.

"Cô giáo khỏe như... xe 2 cầu” 

Có một điều đặc biệt, xuyên suốt câu chuyện giữa chúng tôi và các thầy, cô giáo ở ngôi trường nhỏ nằm chon von trên đỉnh núi này, đó là chẳng có một lời than vãn nào về những gian truân, vất vả mà hàng ngày các thầy, cô phải đối mặt, vượt qua. Nhiều nhất vẫn là những nụ cười. Mà cười thật tươi, thật đẹp. Bởi lẽ "bây giờ cơ sở vật chất của trường đã được đầu tư khang trang hơn so với trước, điều kiện công tác, sinh hoạt của anh chị em giáo viên đã được cải thiện nhiều. Nhưng vui hơn là sĩ số học sinh, học viên đến lớp ngày càng tăng và không còn tình trạng bỏ học”- cô giáo Hà Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn nhà trường phấn khởi. 

Nói vậy, nhưng trong đôi mắt cô giáo Hằng vẫn có chút gì đó u buồn. Thế nhưng cũng thật nhanh, đôi mắt ấy như biết cười. Rồi tếu táo bảo: 
- Các anh, chị biết người dân ở đây ví chúng em là gì không? 
Khi chúng tôi còn ngơ ngác chưa biết trả lời trước câu hỏi bất ngờ thì cô giáo Hằng tiếp lời: 
- Ở đây người dân bảo các thầy, cô giáo "khỏe như... xe 2 cầu" ấy!

Hỏi ra mới biết, câu nói này xuất phát từ những cô, cậu học trò nhỏ khi ngày đầu tuần nào cũng thấy các thầy, cô giáo quần áo lấm lem bùn đất vì lội suối, "vén mây" tựu trường. Nhìn thấy các thầy, cô cả người và xe đều bết bát bùn đất, nhiều cô cậu học sinh đã bật lên câu hát: "Cô giáo em khỏe như... xe 2 cầu. Vì đường đất, đèo đá. Vừa cõng chữ, lại cõng cả xe...”. Cứ như vậy mà người ta truyền nhau câu hát ấy. Tếu, nhưng cũng đúng. Bởi đường lên Thung Mặn, Thung Ảng ngoài xe 2 cầu chở vật liệu xây dựng và... các thầy, cô giáo thì cũng chẳng có mấy ai lên. 

Câu chuyện vui được kể xong, lúc những nụ cười tắt trên môi, tôi chợt thấy có những khuôn mặt giấu vội. Bởi đôi mắt đã ngân ngấn giọt nước...
(Còn nữa)



Vũ Phong


Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục