Bài 2 - Tiếng "dương cầm" của đá




(HBĐT) - Đã hơn 2 năm nay, ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, khoảng 19h, trong ngôi nhà gỗ nhỏ của cô giáo Lò Thị Chính, xóm Thung Ảng vang tiếng đánh vần i, tờ của những học viên lớp phổ cập giáo dục (xóa mù) cho người lớn vọng vào đá núi. Ngỡ như tiếng "dương cầm” thánh thót vào đêm...


Cô giáo Hà Thị Hằng, Hiệu trưởng trường TH&THCS Hang Kia B, xã Hang Kia (Mai Châu) là người khơi nguồn tri thức cho đồng bào dân tộc Mông ở "vùng tối” Thung Mặn, Thung Ảng. 

"Nụ cười thầy, cô neo vào tay lái”

"Bụi phấn còn bay tóc sương quăn lại/ Nụ cười thầy, cô neo vào tay lái...”. Đó chính là cảm xúc chân thật nhất của những người từng là giáo viên vùng cao. Chỉ có họ mới hiểu cảm giác "dầm mưa, người ớn lạnh, hoa mắt, chóng mặt, chân tay bủn rủn, đường gập ghềnh, trơn trượt, tối và mù, đèn xe không sáng...”. Với các thầy, cô giáo ở trường TH&THCS Hang Kia B, xã Hang Kia (Mai Châu), cảm giác ấy không xa lạ. Bởi ai cũng đã từng trải qua. Như cô Hằng - Hiệu trưởng, mới đây thôi giữa bão bùng mưa gió vượt cả trăm km đường rừng để kịp về triển khai nhiệm vụ sau cuộc họp ở huyện. Hay như thầy Hùng - Hiệu phó, trong cơn cảm mạo một mình nằm chơ vơ giữa đường rừng. Và không hiếm những câu chuyện "phó thác cho số phận” trên hành trình đi gieo chữ của các thầy, cô ở vùng đất Hang Kia. 

Trò chuyện với chúng tôi, dù trên môi vẫn nở nụ cười, nhưng có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn cô Hà Thị Hằng đang thắt lại những nỗi buồn. Cô bảo: Nói chuyện với các anh không phải chúng em kể khổ. Mà ở đây, chúng em chỉ muốn được chia sẻ cho nhẹ lòng. Thực lòng, khi được phân công về đây chẳng ai không thấy nản. Khi từ nhà đến trường là chặng đường gần 100 km. Đó là một hành trình cực kỳ vất vả. Đường chủ yếu là dốc đá, gập ghềnh, trơn trượt. Trường chúng em có 20 thầy, cô thì cả 20 người đều đã từng bị ngã trên đường lên trường. Ai cũng có sẹo. Sẹo cũ chưa lành thì lại có thêm sẹo mới vì ngã xe... 

Cố giấu đi nỗi buồn, cô Hà Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn nhà trường góp chuyện: Ở đây, ngoài một số thầy, cô là người bản địa có nhà cửa ở trên này, việc đi lại có đôi phần đỡ vất vả hơn. Còn lại, đa phần các thầy, cô giáo là người ở vùng dưới. Đầu tuần lên, cuối tuần thay nhau về. Những ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa đường trơn trượt, thậm chí sạt lở, xe máy chỉ dắt bộ hoặc đẩy chứ có đi được đâu. Cũng có đường tắt từ Cun Pheo sang. Nhưng đây là lối mòn của người dân đi làm nương, chủ yếu là đi bộ vượt khe sâu, núi cao, suối chảy xiết. Đi đường nào cũng vậy, có khi đi từ sáng sớm, chiều muộn mới tới trường. Đến nơi, gặp cũng chỉ hỏi nhau có ngã nhiều không? Đau ở đâu? Rồi lại vội vã thay quần áo để kịp giờ lên lớp... "Tuy khổ nhưng chúng em vẫn thấy vui” - cô giáo Hà Thị Hằng lạc quan. 

Vui là bởi..."Mảnh đất, con người đã là tình yêu, là máu thịt”

Đó là điều mà cô giáo Hằng và nhiều thầy, cô giáo đã chia sẻ với chúng tôi. Chính từ tình yêu mảnh đất này mà họ đã không quản gian khó, gieo từng con chữ vào lòng đá. Điều mà từ trước đến giờ chưa ai từng làm được vì nó... quá khó. Anh bạn tôi - người đã từng cất công trèo đèo, lội suối theo chân các cô giáo lên trường và có trải nghiệm thú vị về "lớp học trên mây” đã phải thốt lên: Quả thực là khó khăn. Nhưng thật sự đáng khâm phục và trân trọng. Nếu không có tâm huyết, không có một tình yêu mãnh liệt với vùng đất này thì không thể làm cho những người dân xưa nay chỉ quen nói chuyện với nhau bằng "thổ ngữ”, chưa hề biết mặt chữ là thứ mô tê gì trở thành học viên chuyên cần, biết đọc, biết viết, cả biết hát nữa. Họ đã biến cả một vùng đất "tối tăm” về tri thức bừng sáng trở thành một xã hội học tập.

Đó thực sự là một kỳ tích. Bởi chỉ cách đây 2 - 3 năm, trường TH&THCS Hang Kia B vẫn là một ngôi trường nhỏ như tổ chim đậu trên thung lũng đá tai mèo. Để lên trường, các thầy, cô phải trèo dốc chui qua mù mây, đi trên đỉnh núi đá tai mèo sắc nhọn. Dù ngôi trường được dựng lên từ năm 2003, nhưng vận động học sinh đến lớp là một hành trình cực kỳ gian nan. Vì tâm lý "học chẳng để làm gì” đã trở thành tư duy cố hữu của người dân nơi đây. Vận động được rồi, học sinh lại bỏ về đi nương giúp bố mẹ. Thời điểm cao nhất bậc tiểu học có tỷ lệ bỏ học gần 40%, bậc THCS là 66%. Lớp học trống huơ trống hoác. Lớp nhiều nhất cũng chỉ một cô với vài ba trò. Để "kéo” học sinh trở lại lớp, các thầy cô lại xắn quần, đốt đuốc vào bản, đến từng hộ tỉ tê phụ huynh đưa con, cháu trở lại lớp. "Chúng tôi xác định nguyên nhân chính là do bố mẹ các em không biết chữ. Thậm chí còn không nói được cả tiếng phổ thông nên việc tuyên truyền, vận động cho con em đi học cực kỳ khó khăn” - chị Hằng chia sẻ. Để giải bài toán này, nhà trường xác định trước tiên phải vận động được người lớn, cha mẹ các em đi học, sau đó mới có thể vận động được các em trở lại trường. Các thầy, cô giáo lặn lội đến từng hộ dân để vận động người mù chữ tham gia lớp phổ cập giáo dục cho người lớn vào các buổi tối. "Ban đầu, người ta còn lảng tránh, không tiếp xúc với mình. Nhưng với sự kiên trì, gần gũi, tạo cho họ thiện cảm nên dần dần chúng tôi cũng tiếp xúc, vận động được, để họ nghe mình” - chị Hằng kể. Với quyết tâm xoá mù chữ cho đồng bào, từ 2017 - 2019, các thầy cô đã vận động và tổ chức được 2 lớp với 76 học viên. Hiện nay, nhà trường đang tổ chức lớp học xóa mù chữ cho 15 học viên vào các buổi tối. 

Kể với chúng tôi, chị Hờ Thị Mai (31 tuổi) ở xóm Thung Ảng, học viên lớp phổ cập giáo dục bẽn lẽn: Trước đây, mình không biết chữ, khi đi khám bệnh không biết bác sỹ viết gì, xấu hổ lắm. Bây giờ, tham gia lớp học được các cô giáo dạy biết đọc, biết chữ, khi bị ốm, mình đã biết đọc hướng dẫn cách dùng thuốc. Còn chị Giàng Y Phếnh (30 tuổi) mạnh dạn đứng lên hát hết bài "Người Mông ơn Đảng” rồi vui mừng bảo: Từ khi đi học mình đã biết đọc, biết viết nên đã dạy bảo được con cái. Ngoài học chữ, mình còn được các cô dạy cho nhiều điều hay, lẽ phải nên thích lắm. Không chỉ Hờ Y Mai, Giàng Y Phếnh, Giàng Y Mỉ mà sau một thời gian học, nhiều người đã biết nhắn tin, viết thư bày tỏ cảm xúc với các thầy, cô. Như Giàng Y Phếnh viết: "Thầy cô ơi! Chúng em có trường đẹp, lớp học đẹp, cái bụng của thầy cô tốt nên chúng em muốn đi học nhiều rồi, không nghỉ học nữa đâu”...

Hơn 2 năm cho hành trình gieo chữ đầy gian nan. Nhìn lại chặng đường đã qua, chị Hằng bảo: Bây giờ mọi chuyện đã khác trước nhiều rồi. Tư tưởng của người dân về việc học đã thay đổi. Khi được vận động đến lớp đông đủ và chuyên cần. Có nhiều chị trước đây chồng không cho đi học nhưng nay đã đồng ý. Thậm chí còn tạo điều kiện bằng việc đưa vợ đến lớp rồi ngồi ngoài trông con cho vợ học. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp các chị có con, cháu còn nhỏ cũng địu đến lớp vừa học vừa chăm con...  

Rời Thung Ảng khi ánh điện đã sáng trong mỗi nếp nhà. Trên con đường dốc đá gập ghềnh trơn trượt, tôi còn nghe vẳng đâu đó tiếng đánh vần i, tờ. Nhịp nhàng, đều đặn, vang xa như tiếng "dương cầm” vọng vào đá. Qua đêm tối, ngày mai vùng "thung mây” này lại sáng. Vì ở đó, vẫn còn có những người đang lặng thầm gieo từng con chữ vào đá... như một chuyện "cổ tích” có thật trên vùng đá núi tai mèo.


Vũ  Phong



Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục