Chung một tình yêu với biển đảo quê hương, cô sinh viên Đoàn Thị Ngọc và cô giáo Phùng Thị Thu Phượng đã tự tay làm hơn 400kg mứt dừa gửi tặng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở đảo Trường Sa. Món quà thơm ngọt này không chỉ đem đến hương vị truyền thống ngày Tết mà còn là ân tình của hậu phương đất liền gửi tới các cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm bám biển bảo vệ Tổ quốc.



Cô giáo Phùng Thị Thu Phượng cùng học sinh đóng gói mứt gửi ra Trường Sa.
Yêu Trường Sa từ những câu chuyện kể

"Trước đây, em biết rất ít về Trường Sa vì chưa quan tâm tìm hiểu. Đến năm thứ hai học Đại học Mỹ thuật công nghiệp, khi tham gia khóa học Quốc phòng, em được thầy giáo kể những câu chuyện về Trường Sa, nơi thầy từng công tác, em đã rất xúc động. Từ đó em mới biết rằng, trong thời bình mà cán bộ, chiến sĩ Hải quân còn phải chịu nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn như vậy…” - Đoàn Thị Ngọc (sinh năm 1994), sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội nhớ lại.

Từ câu chuyện kể của thầy giáo mà Ngọc đã nuôi mơ ước phải đến Trường Sa một lần. Trong thời gian chờ đợi cơ hội đến, dù không phải là nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng với tình yêu biển đảo, cô gái trẻ đã sáng tác rất nhiều bài thơ về Trường Sa và bộ đội Hải quân, như một cách bày tỏ tình yêu và sự tri ân sâu sắc. Và khi những bài thơ đó lan tỏa trên mạng xã hội, cô đã có thêm những người bạn là chiến sĩ Hải quân. Ngọc bày tỏ: "Em mong ước một ngày được đặt chân đến Trường Sa, được gặp những con người vẫn âm thầm hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc”. Mong ước của Ngọc đã thành hiện thực, khi năm 2015, Ngọc được xét chọn là 1 trong 10 thanh niên tiêu biểu tham gia "Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” của Trung ương Đoàn, ra thăm Trường Sa. Cảm xúc dường như vẫn nguyên vẹn, Đoàn Thị Ngọc chia sẻ: "Em cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc khi thực hiện được ước nguyện của mình. Không phải em ra Trường Sa mà là trở về với Trường Sa, với những gì thân thuộc như trong lời kể của những chiến sĩ Hải quân mà em được quen biết”.

Khác với Ngọc, cô giáo trẻ Phùng Thị Thu Phượng (sinh năm 1990), giáo viên Trường Tiểu học Văn Phú (huyện Thường Tín), được nuôi dưỡng và vun đắp tình yêu với Trường Sa từ tấm bé, qua người cha của cô, một người chiến sĩ Hải quân phục viên. "Bố em cũng chưa một lần đặt chân đến Trường Sa, nhưng luôn chia sẻ những câu chuyện về người lính Hải quân cho chúng em. Nghe những câu chuyện của bố, em đã tìm hiểu thêm và biết về những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ ngoài hải đảo xa xôi”.

Trong quá trình tham gia công tác Đoàn ở trường, Phượng tìm hiểu và biết đến Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương. Tích cực tham gia các hoạt động và với tình yêu mãnh liệt dành cho biển đảo, cô giáo Phượng đã có duyên đến với Trường Sa hai lần trong năm 2018. "Khi biết em được chọn đi Trường Sa, gia đình và nhà trường hết sức tạo điều kiện để em được đến nơi mà bố em cũng ao ước”.

Cùng chung tình yêu với Trường Sa, hai cô gái Phượng - Ngọc đã quen nhau trong một triển lãm ảnh về Trường Sa. Từ đó, họ trở thành đôi bạn thân thiết, có chung một tình yêu với biển đảo của Tổ quốc. Họ cùng nhau tham gia nhiều hoạt động hướng về biển đảo, vun đắp tình yêu đó mỗi ngày một lớn hơn…

Chung một tình yêu biển đảo

Sau hải trình thăm Trường Sa, chứng kiến cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo đón Tết, Phượng trở về với công việc của giáo viên, nhưng trong cô nhen nhóm nhiều việc phải làm vì Trường Sa. Việc đầu tiên, cô thành lập "Tủ sách biển đảo quê hương" ở trường, sưu tầm những tác phẩm về biển đảo. Vào tiết đọc sách, cô giáo Phượng trực tiếp tuyên truyền để các học sinh hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tiếp đó, Phượng đã trở thành cầu nối giữa đất liền và biển đảo. Cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo khi có việc gia đình, gọi điện nhờ cô đến nhà trong đất liền động viên, chia sẻ, Phượng không quản ngại xa xôi, vất vả, đến thăm nhiều gia đình. "Em may mắn khi được đến những điểm đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Trò chuyện, tiếp xúc với cán bộ chiến sĩ, em nhận thấy để chúng ta có cuộc sống bình yên đã có sự hy sinh rất lớn của những chiến sĩ nơi đầu sóng. Em thấy mình cần phải có trách nhiệm và sống tốt hơn”, Phượng chia sẻ.

Còn Ngọc, trở về đất liền lại tiếp tục có thêm nhiều sáng tác về Trường Sa. Đến nay, Ngọc đã có hàng trăm bài thơ về biển đảo và chiến sĩ Hải quân. Tập thơ đầu tay "Ngược sóng” của Ngọc được xuất bản. Một số bài còn được các nhạc sĩ phổ nhạc. Tập thơ hiện có mặt ở tất cả 33 điểm đảo của quần đảo Trường Sa. Một việc làm cụ thể nữa là từ cuối năm 2013, hằng năm, Ngọc đều làm mứt dừa gửi ra Trường Sa. Từ khi quen biết Phượng, Ngọc đã tìm được người chung chí hướng. Tết năm 2019, đôi bạn đã chung tay làm 175kg và Tết năm 2020 họ tăng lên 230kg. Phượng chia sẻ: "Cứ thời gian rảnh là chúng em lại tranh thủ làm mứt dừa. Tất cả số mứt, từ khâu nguyên liệu đến đóng gói bao bì, đều được bạn bè, người thân ủng hộ kinh phí cũng như giúp đỡ trong quá trình làm thành sản phẩm”.

Khoe với chúng tôi những tấm ảnh mứt dừa được đóng gói cẩn thận, đẹp mắt chuyển lên tàu ra các điểm đảo, Ngọc kể: "Để làm xong 230kg mứt dừa cho kịp chuyến tàu Tết, cứ sau giờ lên lớp, chị Phượng lại tập trung làm mứt. Hơn 10 đêm liền, mỗi đêm chị chỉ ngủ khoảng 3 tiếng”. Cô giáo Phượng còn mang mứt dừa đến trường để sau giờ học đóng gói. Nhiều học sinh cũng tham gia cùng. "Các con còn viết thiệp chúc Tết gửi kèm cùng mứt dừa tặng các chú bộ đội. Điều này làm cho em cảm thấy việc mình làm thêm ý nghĩa, lan tỏa được tình yêu biển đảo trong học sinh”, cô giáo Phượng cho hay.

Mỗi gói mứt tuy nhỏ, nhưng gửi vào đó biết bao ân tình. Đặc biệt còn có thiệp chúc Tết gắn kèm như một lời nhắn nhủ đầy thương yêu. Trên thiệp in hình cành hoa đào cùng ảnh của hai cô gái, với lời chúc rất dễ thương: "Hai em Phượng Ớt - Thỏ Ngọc cùng các bạn chúc các anh em đón Tết vui vẻ bên đồng đội; năm mới mạnh khỏe, bình an, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều thành tích cao trong sự nghiệp”.

Trân trọng tình cảm của hai cô gái, liên tục những tin nhắn được gửi về mấy ngày qua: "Anh em đơn vị đã nhận được quà của Phượng Ớt và Thỏ Ngọc. Món quà rất có ý nghĩa đối với cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ nơi đầu sóng. Thay mặt đơn vị cảm ơn những tình cảm của hai em dành cho chúng tôi. Những sự quan tâm đó đã giúp cán bộ, chiến sĩ thêm chắc tay súng giữ vững vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”…

Mùa xuân này, những người chiến sĩ kiên trung nơi ngàn khơi ấy đón Tết có thêm những gói mứt dừa thơm phức và nồng ấm tình cảm của hai cô gái trẻ. Đó là tấm lòng, tình yêu tha thiết gửi gắm tới cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng. Những gói mứt tuy nhỏ nhưng rất ý nghĩa, kết nối những yêu thương từ đất liền với đảo xa, bồi đắp ý chí quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


                                   Theo Hanoimoi

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục