(HBĐT) - Tết cổ truyền của đồng bào Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán 1 tháng, nên những ngày này, bà con đồng bào Mông ở xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) đã rộn ràng đón Tết. Khắp bản Mông, đào rừng đã hé nụ, hoa mai bung sắc trắng tinh khôi cùng bản Mông vui xuân, đón Tết.


Bánh dày, món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào Mông ở xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu). 

Những ngày giá rét kéo dài, nhịp sống thường ngày dường như chậm lại. Cái rét ở Hang Kia, Pà Cò khắc nghiệt hơn bởi địa hình núi cao. Nếu ở TP Hòa Bình nhiệt độ 10 độ, thì ở bản Mông này thấp hơn từ 5 - 6 độ. Bởi thế, đợt rét đậm, rét hại vừa rồi, có thời điểm nhiệt độ ở bản Mông giảm xuống 2 - 3 độ C, cái lạnh tê tái, buốt thấu xương. Giá rét là vậy nhưng bản Mông đã chuẩn bị mọi điều kiện để đón Tết cổ truyền. Từ Pà Cò vào Hang Kia, lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng, những cửa hàng tạp hóa ngập tràn mứt Tết, quần áo mới. Tết này vui hơn, bởi ở bản Mông, đường làng, ngõ xóm được đầu tư cứng hóa sạch đẹp. Trong những ngôi nhà, bà con đã bày mâm ngũ quả cùng với cành đào hé nở những nụ xuân. 

Ngày 30 Tết (tức ngày 30/11 âm lịch), căn nhà của Chủ tịch UBND xã Hang Kia Khà A Lau được dọn dẹp sạch sẽ, trang trí thêm bóng bay, đèn led nhấp nháy trên cành đào để đón Tết cổ truyền. Giữa nhà, bếp lửa được nhóm lên để khách sưởi ấm trước cái lạnh se sắt nơi đại ngàn. "Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, bộ mặt của Hang Kia đã thay đổi rất nhiều. Đời sống bà con có nhiều chuyển biến khi các xóm đều có đường bê tông. Ngoài làm nông nghiệp, Hang Kia đang phát triển du lịch cộng đồng, có những đợt khách đến đông, homestay quá tải. Đời sống thay đổi, bà con rất phấn khởi đón Tết cổ truyền của dân tộc” - Chủ tịch Khà A Lau chia sẻ.

Mời khách ngồi quây quần bên bếp lửa uống nước, sưởi ấm, trong nhà bếp, chị Giàng Y Pái, vợ Chủ tịch Khà A Lau đã chuẩn bị sẵn mâm cỗ mời khách. Thịt lợn bản luộc, gà Mông luộc, thịt lợn gác bếp xào rau cải nương, thêm món lòng xào dưa cải và món đu đủ nộm là mâm cỗ gia đình mời khách. Toàn món đặc trưng của người Mông, thêm chén rượu ngô với những lượt uống rượu vòng tay, cái lạnh nơi đại ngàn xua đi lúc nào không hay.

Trong mâm cỗ đãi khách ngày Tết của người Mông không thể thiếu bánh dày. Bánh được giã thật mịn từ những hạt nếp nương ngon nhất, được chuẩn bị trước Tết đem ra cắt nhỏ rán nóng hôi hổi. Ăn miếng bánh dày có thể cảm nhận được hương vị thơm ngon, bánh dẻo và ngọt nhẹ. Theo chị Giàng Y Pái chia sẻ: Năm nay, gia đình chị làm 50 chiếc bánh dày, vừa để cúng tổ tiên, vừa làm quà cho khách đến chơi Tết, đồng thời là món ăn đặc trưng trong suốt thời gian đón Tết. Bánh dày của người Mông có màu trắng, hình tròn, gói bằng lá chuối. Người Mông quan niệm, hai cái bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất. Với người Mông, bánh dày tượng trưng cho đất trời, cuộc sống an lành, no ấm, mùa màng bội thu. 

Kế bên nhà anh Khà A Lau là nhà anh Khà A Phử, những ngày này cũng tràn ngập không khí Tết. Trò chuyện với chúng tôi, anh Phử chia sẻ: Tết là dịp vui nhất trong năm, mọi gia đình ở bản Mông tạm gác công việc đồng áng để vui Tết. Đêm 30, các gia đình làm lễ mời tổ tiên về ăn Tết, từ mùng 1 đến hết ngày mùng 3. Sau đó, mọi người đi chúc Tết nhau, tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội. Ngày Tết, nhà nào có điều kiện thì mổ lợn, khó khăn hơn thì mổ gà ăn Tết. Anh Phử khoe, để chuẩn bị đón Tết, vợ chồng anh đã giã bánh dày, mua mứt Tết, hàng hóa thiết yếu và quần áo mới cho các con. 

Mặc bộ quần áo mới, những đứa trẻ ở bản Mông cùng nhau vui đùa trên con đường được cứng hóa chắc chắn. Lên Hang Kia dịp này không chỉ được hòa vào không gian văn hóa truyền thống của người Mông. Mà vùng đất "dữ” một thời giờ đã "lành” hơn nhiều. Bản Mông nay có điểm săn mây, có homestay nghỉ dưỡng và những người dân hiếu khách. Như lời Chủ tịch UBND xã Hang Kía Khà A Lau: Giữ gìn Tết Mông và những nét văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, nâng cao đời sống của người dân, từng bước xóa nghèo và hủ tục lạc hậu.

Viết Đào

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục