(HBĐT) - Bất kỳ ai, ngay cả những người dân địa phương cũng cảm nhận sự chuyển biến rõ rệt, chất lượng cuộc sống đi lên, quê hương Mường Động thay đổi từng ngày. Câu ca "Yêu nhau cho thịt cho xôi/ Ghét nhau đưa đến Kim Bôi, Hạ Bì” đến bây giờ vẫn là ký ức buồn, khó quên với biết bao người.
Hạ tầng thị trấn Bo (Kim Bôi) được đầu tư khang trang.
Ông Bạch Công Tư (ngoài 70 tuổi), thời kỳ công tác có điều kiện đến nhiều xã trên địa bàn huyện vẫn nhớ: Kim Bôi huyện rộng, dân đông, quan san cách trở, cuộc sống nghèo khó nối dài theo thời gian, nơi mà nhiều người ngại ngần chẳng muốn đến. Sản xuất phát triển chậm, người dân chỉ mong đủ ăn. Bai Tam, Suối Thản (xã Đú Sáng), bản Dao Đằng Long (xã Hùng Sơn), Nuông Dăm, Cuối Hạ… mịt mùng trong gian khó, dốc Chồng Mâm ngoằn ngoèo đi đến tức ngực mãi chưa tới… Chính vì khó khăn với nhiều yếu tố đặc thù, Kim Bôi nằm trong diện được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Vùng đất Mường Động năm nào giờ thay đổi mạnh mẽ, tư duy hành động với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp đang bứt phá vươn lên thay đổi từng ngày. Vùng Thung Rếch (xã Tú Sơn) khó khăn heo hút trên đỉnh núi khi xưa, từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa trở thành bản Dao, bản Mường trù phú, nhiều người mơ ước. Xã Đú Sáng thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp và người dân phát triển vùng cây ăn quả, tạo thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha canh tác. Các xã dọc đường 12B: Vĩnh Đồng, Nam Thượng, Sào Báy, Mỵ Hòa… đang hình thành những vùng sản xuất rau màu, cây ăn quả thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Nhiều cách làm hay, nhân tố mới xuất hiện, tạo sức lan tỏa đưa nhanh nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Đồng tiên phong xây dựng khối đoàn kết trong cấp ủy, phát huy vai trò người đứng đầu cùng cấp ủy chỉ đạo thành công dồn điền, đổi thửa, sản xuất vụ đông, phát triển hạ tầng, giải quyết tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn. Đồng chí Bùi Văn Lực - người tiên phong đưa các mô hình mới vào sản xuất, đưa cây nhãn Hương Chi vào đồng đất, tạo thành vùng sản xuất nhãn hàng hóa ở xã Xuân Thủy đem lại hiệu quả cao, ông đang thực hiện định hướng đưa sản phẩm nhãn xuất khẩu, tạo đầu ra ổn định cho bà con. Thị trấn Bo được mở rộng, chỉnh trang, đường phố khoáng đạt, sạch đẹp, vỉa hè lát đá, văn minh, hiện đại. Những khu dân cư được quy hoạch đầu tư theo hướng đồng bộ hơn, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa. Trên địa bàn huyện đã có các dự án tầm cỡ đang nghiên cứu, khảo sát đầu tư. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất khang trang, diện mạo nông thôn mới (NTM) khởi sắc, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Trường học, trạm y tế, đường giao thông, công trình thủy lợi tiếp tục được đầu tư hỗ trợ sản xuất, cải thiện đời sống dân sinh.
Đồng chí Bùi Văn Điệp, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện Kim Bôi đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/16 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra. Năm 2020, huyện thực hiện 17/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao. Trong đó, một số chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch như: Sản lượng cây lương thực có hạt 49.803 tấn, tăng 4,9% so với năm 2019; trồng rừng mới tăng 31%; tạo việc làm mới tăng 7%. Xây dựng NTM đạt kết quả quan trọng, sau sáp nhập có 3 xã đạt chuẩn NTM, bình quân toàn huyện đạt 15 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí. Có 5 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, tăng 150%. Văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực, đời sống Nhân dân từng bước được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,92%. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội triển khai đồng bộ, dân chủ, công khai, đem lại hiệu quả thiết thực. Huyện tiếp tục khẳng định là địa phương đi đầu sắp xếp đơn vị hành chính gắn với cơ cấu nguồn nhân sự cấp ủy khóa mới, từ 28 đơn vị hành chính giảm còn 17 xã, thị trấn, hiện, bộ máy đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Trên địa bàn huyện bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa phù hợp điều kiện sinh thái của từng vùng, mang lại hiệu quả cao như: Vùng sản xuất cây lấy hạt, diện tích khoảng 100 ha/vụ tại các xã: Đú Sáng, Vĩnh Đồng, Xuân Thủy, Hợp Tiến. Vùng cây ăn quả có múi 1.400 ha tại các xã: Tú Sơn, Hùng Sơn, Kim Lập, Vĩnh Tiến, Mỵ Hòa. Vùng nhãn tập trung tại xã Xuân Thủy, diện tích gần 300 ha. Tiềm năng phát triển du lịch đang được đánh thức, hình ảnh, thương hiệu du lịch Kim Bôi trong tâm thế mới gây thiện cảm với du khách gần xa, tạo sức hút cho các nhà đầu tư.
Đảng bộ huyện Kim Bôi đang triển khai các chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, định hướng phát triển theo hướng du lịch, nông nghiệp, phấn đấu thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng, thu ngân sách 120 tỷ đồng, tỷ lệ đô thị hóa 25%, tỷ lệ giảm nghèo 3,5%; 10 xã đạt chuẩn NTM… Huyện đang phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng quy hoạch có tầm nhìn, quản lý theo quy hoạch, tăng cường phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực nghiên cứu, triển khai các dự án vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nông nghiệp. Đồng thời, huy động tốt các nguồn lực trong và ngoài ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông trọng điểm nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với giữ gìn cảnh quan, giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc. Tập trung phát triển sản xuất, xây dựng sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có lợi thế gắn với xây dựng NTM, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đảng bộ và Nhân dân huyện Kim Bôi đổi mới, hành động, đưa nhanh nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đó là nhịp sống mới ở quê hương Mường Động hôm nay.