(HBĐT) - Xuân đã về trên mọi miền Tổ quốc. Nhân dân cả nước đang háo hức đón một cái Tết cổ truyền của dân tộc. Ở một nơi rất đặc biệt và vào một thời khắc cũng rất thiêng liêng, chúng tôi hòa mình vào không khí đón chào năm mới Quý Mão 2023 độc đáo, hấp dẫn và rất riêng: Tết trên đảo tiền tiêu Trường Sa của Tổ Quốc.




Cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân xã đảo Song Tử Tây giao lưu văn nghệ trong đêm đón chào năm mới 2023.

Tiếng hát át tiếng sóng Trường Sa

Khi mặt trời vừa tắt nắng trên biển Đông, hội trường xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã náo nhiệt. Xen kẽ giữa bộ quân phục hải quân là những chiếc áo dài truyền thống tươi thắm của các cô gái, màu áo trắng tinh khôi đồng phục của các em học sinh đang sinh sống trên đảo. Mỗi người một việc, không ai bảo ai, loáng cái, hội trường đã được trang trí, bày biện gọn gàng. Mâm ngũ quả đầy đặn, cặp bánh trưng nóng hổi, hai bên để chậu quất cảnh và một cành mai vàng. Tất cả đều là sản vật quê hương, tình cảm từ đất liền gửi ra với quân, dân trên đảo, nên mọi người rất trân trọng, nâng niu, sắp xếp, bày biệngọn gàng từng món quà. Trung tá Trần Bá Việt, Phó Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây bộc bạch: Ở đảo có nhiều cán bộ, chiến sỹ (CBCS) 4 - 5 năm nay chưa một lần được ăn Tết ở đất liền. Thế nhưng chúng tôi không cảm thấy buồn, vì thường xuyên được đón nhận những tình cảm của Nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc gửi tới đảo. Đặc biệt là vào dịp Tết nguyên đán, chúng tôi được lãnh đạo đơn vị và đoàn công tác ở đất liền ra đảo ăn Tết với CBCS. Những tình cảm đó làm chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhất là cảm nhận được khoảnh khắc thiêng liêng đón chào năm mới cùng với người thân đang ở đất liền.

Tiếng hát và những điệu múa mạnh mẽ của những chàng trai lính đảo mở đầu đêm giao lưu văn nghệ làm không khí hội trường náo nhiệt hẳn lên. Tiếng vỗ tay cổ vũ lan tỏa, rền vang khắp hội trường như tiếp thêm sự tự tin cho những chàng lính trẻ lần đầu tiên biểu diễn trước đông người. Trung úy Lê Mạnh Nam háo hức: Lính Trường Sa chúng em không phải khô cứng như chiến hào, công sự, lạnh lùng như cây súng đâu, cũng rất lãng mạn lắm đấy anh ạ. Anh đọc bài hát "Mùa xuân nơi Trường Sa” đăng trên tờ Báo tường chào Xuân Quý Mão 2023 của đơn vị thì anh sẽ hiểu: "Mặn lên da là biển. Mặn xuống tóc là trời. Lính đảo không trắng nổi. Yêu? Hay … đừng em ơi?”.

Vâng, nhìn vào gương mặt rạng ngời của những người lính cả cũ lẫn mới, nghe tiếng cười lanh lảnh và cả sức thanh xuân đang hừng hực tỏa ra từ những tiếng hát, vũ điệu các chiến sỹ thể hiện, chúng tôi hiểu là ai cũng luôn tràn đầy niềm tin của sức trẻ để có thể vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ biên cương biển, đảo quê hương. Chị Lê Thị Mỹ Thắm, một trong số các hộ dân đang sinh sống trên đảo rất vui: 5 năm nay gia đình em được ăn Tết trên đảo Song Tử Tây. Mỗi năm là một cảm xúc rất mới lạ. Xa đất liền nhưng chúng em không thiếu cái gì. Sinh sống ở đảo tiền tiêu của Tổ quốc với khí hậu khắc nghiệt, nắng gió quanh năm, nên cuộc sống cũng gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, chúng em luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cán bộ, chiến sỹ trên đảo, cũng như bà con từ mọi miền đất nước. Giáo dục, y tế đều được Đảng, Nhà nước quan tâm. Với chúng em, được sinh sống ở đảo là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng em rất vui khi nhận được những món quà Tết ý nghĩa. Tết ở Trường Sa năm nào cũng vậy, vui tươi, đủ đầy và ngập tràn tình yêu thương từ đất liền. 

Thiêng liêng thời khắc đón chào năm mới

Đêm giao lưu văn nghệ quân, dân đảo Song Tử Tây dường như không dứt khi đan xen giữa các tiết mục văn nghệ là trò chơi hái hoa dân chủ. Binh nhất Nguyễn Thành An, quê ở tỉnh Bình Dương lần đầu ra đảo công tác được mời lên hái hoa và trả lời câu hỏi đầu tiên. Để chiến sỹ trẻ bớt ngại ngùng, người dẫn chương trình hỏi: "An ở nhà đã có vợ chưa?”. "Dạ, em chưa có người yêu ạ”. Phía dưới hội trường nhao nhao: "Hắn nói sai đó. Hắn có người yêu rồi, xinh lắm”. An bẽn lẽn cười. Cũng đúng thôi, ở cái tuổi mười chín, đôi mươi như An, trước khi nhập ngũ mà có người yêu là điều may mắn. Nhiều đồng đội cùng tuổi, vừa rời ghế nhà trường, lên đường nhập ngũ ngay, cũng chưa từng một được cầm tay con gái, nói gì có người yêu. Các chiến sỹ còn quá trẻ với biết bao ước mơ, hoài bão phía trước. Nhưng gác lại tất cả, họ tình nguyện nhập ngũ, xung phong làm nhiệm vụ tại các đảo tiền tiêu Trường Sa chỉ với một lý tưởng duy nhất, tiếp bước cha ông, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


 Các chiến sỹ trang trí chậu hoa mai để trưng bày vui xuân, đón Tết.

Bất chợt một chiến sỹ trẻ quân phục ướt đẫm sương đêm ào vào hội trường, mang theo hơi lạnh và cái mặn mòi của gió biển: "Còn tiết mục nào nữa không anh?”. "Vẫn còn. Em đi đâu nãy giờ?”. "Dạ, em phải gác. Vừa hết ca”. Tôi nhích gọn để cậu lính trẻ ngồi bên cạnh. Trên những gương mặt sạm nắng gió biển Đông là nụ cười tươi rói như tô điểm thêm sắc xuân nơi tuyến đầu ngọn sóng này. Hội trường bỗng lặng đi khi 2 cháu học sinh trường Tiểu học Song Tử Tây lên tham gia đọc bài thơ "Con người lính đảo”, có đoạn: "Lại chuẩn bị Tết. Mẹ gói bánh trưng. Con dọn dẹp nhà. Cùng chờ cha về. Đón chào năm mới”. Lời thơ mộc mạc, giản dị, nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa làm lòng người bất chợt chùng xuống. Trong những ngày Tết, gia đình nào cũng muốn được quây quần bên nhau. Các em còn nhỏ như vậy đã phải rời xa ông bà, bạn bè để theo cha mẹ ra đảo sinh sống. Những người lính làm nhiệm vụ trên đảo có không ít người nhiều năm chưa cùng gia đình đón Tết.

Xúc động trước không khí vui tươi, gắn kết tình quân, dân trên đảo, Thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Chỉ huy trưởng - Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây cho biết: Năm 2022, đảo thực hiện nhiều nhiệm vụ, thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là cơn bão số 9 (tháng 12/2021) đi qua đã để lại hậu quả rất nặng nề. Song, Đảng ủy, Chỉ huy đảo đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên, bám sát đặc điểm tình hình nhiệm vụ đơn vị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có chất lượng, hiệu quả toàn diện các mặt công tác. Quân và dân trên đảo luôn đoàn kết, thống nhất cao, đồng tâm, hiệp lực, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với thành tích đó, đảo Song Tử Tây được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; 2 tập thể tiên tiến, 14 cá nhân được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua, chiến sỹ tiên tiến. Trước thềm năm mới, chúng tôi thấy được niềm vinh dự, tự hào và trọng trách cao cả đối với Tổ quốc, thấy được sự hy sinh của mình càng có ý nghĩa hơn để cho đất mẹ tiếp tục có được một cái Tết thật đầm ấm, trọn vẹn và an toàn.

Và rồi chúng tôi cùng những người lính đảo nắm chặt tay nhau, hân hoan đếm ngược khoảnh khắc đón chào năm mới: Mười, chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai, một CHÚC MỪNG NĂM MỚI. Trong thời khắc thiêng liêng này, cách đó không xa, Chùa Song Tử Tây cùng lúc ngân vang tiếng cồng của người Mường tỉnh Hòa Bình tặng nhà chùa trong chuyến đoàn công tác của tỉnh ra thăm đảo trước đây.

Còn nữa

Đỗ Quyên

Các tin khác


Huyện Yên Thủy giải bài toán phát triển tự phát và đầu ra cho nông sản: Bài 2 - Tái cơ cấu gắn với khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp

(HBĐT) - Huyện Yên Thủy thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt theo phương châm giữ vững cây trồng truyền thống, đẩy mạnh đưa giống cây trồng mới phù hợp với địa phương, ưu tiên cây trồng có giá trị kinh tế cao để tăng năng suất, sản lượng. Còn đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện tập trung phát huy lợi thế sản xuất một số vật nuôi có khả năng cạnh tranh cao; chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, gia trại. Phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và đạt mức tăng trưởng 7 - 8%/năm.

Huyện Yên Thủy giải bài toán phát triển tự phát và đầu ra cho nông sản: Bài 1 - Phát triển tự phát, phá vỡ quy hoạch

(HBĐT) - Huyện Yên Thủy không có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch, cũng không có điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ. Đời sống của người dân chủ yếu trông vào nông nghiệp; tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 30% giá trị nền kinh tế. Tuy nhiên, trên mảnh đất "chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn” này, ngành nông nghiệp vẫn loay hoay với nhiều khó khăn. Do phát triển tự phát nên diện tích nhiều loại cây trồng như cây ăn quả có múi, sắn, ngô… đang vượt quá quy hoạch, đầu ra gặp khó. Việc xúc tiến tiêu thụ nông sản chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, giá trị sản phẩm thấp. Do đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tìm đầu ra cho nông sản là việc huyện Yên Thủy đang tích cực triển khai.

Nghe dân nói, làm dân tin

(HBĐT) - "Trường học bộ đội" ở xã Sơn Thủy, "Ngô bộ đội" ở xã Vân Sơn, "Giếng nước bộ đội" ở xã Hang Kia, "Đường bộ đội" ở xã Độc Lập... Những cái tên gần gũi mà sâu lắng, mộc mạc mà cao quý được Nhân dân đặt cho những công trình, việc làm bộ đội giúp đỡ dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cũng chính điều đó đã nói lên tình cảm cũng như ghi nhận của Nhân dân đối với việc làm của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh trong những năm qua.

Xây dựng thương hiệu cho du lịch Mường Vang

Bài 2 - Nỗ lực đón "sóng” đầu tư vào du lịch 

(HBĐT) - Thu hút đầu tư được huyện Lạc Sơn xác định là yếu tố then chốt, quan trọng hàng đầu để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, du lịch là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bên cạnh các lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều lao động, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khai thác lợi thế về đất đai, tài nguyên khoáng sản.

Xây dựng thương hiệu cho du lịch Mường Vang

(HBĐT) - Với nét văn hoá Mường đặc sắc, địa hình vùng cao với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, khí hậu ôn hoà, huyện Lạc Sơn đang từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm hiện thực hoá mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 26/7/2021 của Huyện ủy về phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại việc làm, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước. Bài 1 - Sức hút tài nguyên du lịch

Hành trình "4 sao" - Bài 3: Quà tặng thổ cẩm - Kế thừa tinh hoa nghề dệt truyền thống

(HBĐT) -  Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái Mai Châu có từ rất lâu đời. Xưa kia, phụ nữ Thái trồng bông, se sợi và dệt vải để tự may trang phục cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại, việc sử dụng quần áo may sẵn trở nên tiện lợi nên nhiều người Thái ở huyện Mai Châu bỏ khung cửi, nghề dệt dần mai một. Mong muốn khôi phục nghề truyền thống, chị Vì Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Châu, Phó giám đốc HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu (Mai Châu) đã kế thừa và phát huy tinh hoa của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, kết hợp với sự sáng tạo tinh tế để tạo ra những sản phẩm mới, vừa mang nét văn hóa dân tộc, vừa mang tính hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng. Chị Oanh làchủ của 2 sản phẩm OCOP, trong đó, sản phẩm "Túi quà tặng thổ cẩm" đạt tiêu chuẩn 4 sao được thị trường ưa chuộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục