(HBĐT) - Mùa xuân này, các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã và đang đổi mới từng ngày trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, lớn lên cùng với sự phát triển của đất nước. Gần 20 ngày vượt trùng khơi đến với các đảo, điểm đảo Trường Sa, nơi đâu chúng tôi cũng thấy sự kiên trung, bất khuất của các cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên đảo để bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc, vì sự vẹn toàn lãnh thổ, vì sức sống mãnh liệt của đất nước, con người Việt Nam.
Cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Nam thường xuyên học tập lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nỗ lực phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Vững chãi giữa trùng khơi
Lên thăm đảo Đá Nam, chúng tôi xúc động trước tấm biển ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển của ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Thượng tá Phạm Văn Thọ, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân khẳng định: "Biển, đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển từ ngàn đời của dân tộc ta. Việt Nam là quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.260 km, từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang. Theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có vùng biển rộng trên 1 triệu km2, chiếm khoảng 30% diện tích biển Đông; diện tích biển gấp hơn 3 lần diện tích đất liền. Chính vì vậy, biển, đảo nước ta có vị trí chiến lược hết sức to lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng CNXH, liên quan trực tiếp đến sự phồn vinh của đất nước và an ninh, chính trị”.
Các chiến sỹ trên đảo Sinh Tồn thường xuyên luyện tập võ thuật, rèn luyện sức khỏe.
Quần đảo Trường Sa là một trong hai quần đảo san hô của Việt Nam nằm ở giữa biển Đông, là một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa, cách quần đảo Hoàng Sa gần 200 hải lý về phía Nam, bao gồm hàng trăm đảo, bãi nửa nổi nửa chìm, trong đó mới có 148 đảo, đá,… được đặt tên. Quần đảo Trường Sa được chia thành 8 cụm gồm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Trong đó nhóm đảo rộng nhất là nhóm Nam Yết gồm nhiều đảo đá, bãi ngầm xếp liền nhau thành một vành đai bao quanh vùng biển nông trên dưới 10m. Song Tử Tây là đảo cao nhất (cao khoảng 4 - 6m lúc thủy triều xuống); Ba Bình là đảo rộng nhất (rộng 0,6 km2). Ngoài ra, còn có nhiều đảo nhỏ và bãi đá ngầm như Sinh Tồn Đông, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Ken Nan, Đá Lớn, Thuyền Chài,… Huyện Trường Sa được thành lập năm 1982, bao gồm toàn bộ khu vực quần đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28/12/1982, huyện Trường Sa được chuyển về thuộc tỉnh Phú Khánh, sau này là tỉnh Khánh Hòa. Năm 2007, Chính phủ thành lập 3 đơn vị hành chính trực thuộc huyện Trường Sa, gồm: thị trấn Trường Sa và các xã Song Tử Tây, Sinh Tồn.
Cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đồng chí Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết: "Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên chất lượng cuộc sống của quân và dân các đảo không ngừng được cải thiện. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo đều ý thức rất rõ trách nhiệm của mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào, quân, dân Trường Sa cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và xã hội chủ nghĩa, đoàn kết, sắt son một lòng, tích cực khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”. Hiện nay, các đảo đang tập trung xây dựng "mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân - dân”. Trong công tác sẵn sàng chiến đấu, các đảo đều duy trì nghiêm túc, đầy đủ các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực chuyên môn; tổ chức canh gác, phát hiện mục tiêu trên không, trên biển kịp thời, báo cáo chính xác, không để bị động, bất ngờ; chỉ huy các cấp xử lý đúng đối sách, không để mắc mưu nước ngoài. Cùng với sẵn sàng chiến đấu cao, các đảo còn thường xuyên luyện tập và tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển. Quần đảo Trường Sa đã thực sự trở thành chỗ dựa cho ngư dân vươn xa để khai thác, đánh bắt hải sản, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển ngày càng vững chắc.
Canh giữ mùa xuân cho đất nước
Trong khi ở đất liền đón Tết vui xuân thì những người lính Trường Sa vẫn vững tay súng canh giữ biển trời của Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa luôn cảm thấy ấm áp, bởi họ cảm nhận được tình cảm của đồng bào ở đất liền hướng về nơi đảo xa. Tại mỗi đảo, điểm đảo chúng tôi đến thăm đều nhận thấy cán bộ, chiến sĩ nơi đây đến từ nhiều vùng miền, nhưng mọi người luôn chung sức, đồng lòng, cùng nhau khắc phục khó khăn, chắc tay súng để canh giữ biển trời, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đó là nhiệm vụ, song cũng là vinh dự, tự hào của cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Thượng tá Trần Văn Hùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây chia sẻ: "Được làm nhiệm vụ tại đây là vinh dự lớn lao với mỗi cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa. Chúng tôi luôn xác định trách nhiệm của mình trước sự tin tưởng của Đảng, quân đội, Nhân dân cả nước, quyết tâm giữ gìn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, xây dựng Trường Sa đẹp hơn, xanh hơn, vững chãi hơn”.
Mùa xuân đang về trên mọi miền tổ quốc, những gói quà Tết và cánh thư xuân từ khắp mọi miền Tổ quốc đã đến với các chiến sỹ Trường Sa là sự chia sẻ cả về tinh thần và vật chất để Trường Sa gần hơn với đất liền, tiếp thêm sức mạnh để cán bộ chiến sỹ luôn vững tay súng, bảo vệ bình yên chủ quyền biển, đảo, một phần máu thịt của Việt Nam. Ngày nay, Trường Sa đã trở thành nỗi niềm trong mỗi người con đất Việt, được trở thành khẩu hiệu: "Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”. Anh Nguyễn Văn Hải, đại diện CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tham gia hải trình lần này bộc bạch: Mình rất vinh dự được đại diện cho CLB ra thăm cán bộ, chiến sỹ quần đảo Trường Sa đợt này. Ngoài những phần quà ý nghĩa từ đất liền, chúng tôi còn mang theo hàng nghìn bức thư, tấm thiệp của các bạn học sinh cả nước gửi cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên đảo. Được trao những lá thư tận tay chiến sỹ, nhìn gương mặt hân hoan khi đọc thư từ đất liền, tôi thật sự xúc động vì mình đã góp một phần nhỏ bé để kết nối tình cảm đất liền với đảo xa, giúp các anh vơi nỗi nhớ nhà, luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ”.
Những ngày cận Tết Quý Mão 2023, chúng tôi phấn khởi tham dự không khí đón Tết sớm nơi đảo xa, nhưng rất ấm áp tình quân - dân, thân thuộc, gần gũi và mang đậm nét độc đáo chỉ ở Trường Sa mới có. "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, những thứ đặc trưng của Tết Việt đều có ở Trường Sa. Trên mâm ngũ quả, ngoài những loại quả thân thuộc còn có thêm chùm nho biển, những chiếc bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông cũng thật độc đáo. Bà con nơi đảo xa cũng có những chậu quất, cành mai, giò phong lan để "chơi Tết”, tất cả được gửi ra đảo từ mọi miền của Tổ quốc. Thầy giáo Phạm Xuân Diệu, giáo viên trường tiểu học Song Tử Tây chia sẻ: "Tôi công tác tại đảo hơn 4 năm. Mỗi dịp Tết đến, chúng tôi được Đảng, Nhà nước, quân và dân cả nước gửi quà ra đảo. Thế nên, Tết ở trên đảo ấm áp, đầy đủ hương vị như ở đất liền. Ngày Tết, chúng tôi cũng xông nhà, đi lễ chùa cầu bình an đầu năm mới, tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cùng các chiến sỹ trên đảo”.
"Vui xuân không quên nhiệm vụ”, cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa anh hùng luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ cho những mùa xuân xanh thắm nơi trùng khơi đầy nắng và gió. Thượng tá Trần Danh Hoàng, Chỉ huy trưởng - Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn một lần nữa nhắc lại lời thề giữ biển, đảo quê hương của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ quốc phòng: "Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự thật, phù hợp với pháp lý và đạo lý quốc tế... Chúng ta xin thề, trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắc nhở với các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”,
Luôn hướng về Trường Sa, đó không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm để mỗi người chúng ta có những việc làm thiết thực, góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Một mùa xuân mới lại về trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có quần đảo Trường Sa thân yêu.
Đỗ Quyên
(HBĐT) - Chúng tôi được vào làm việc tại Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Quân chủng Hải quân đúng dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022) và 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2022). Việc đầu tiên chúng tôi đến nơi này là dâng hương Tượng đài chiến sỹ Gạc Ma, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
(HBĐT) - Mường Bi - Tân Lạc là 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh, có bản sắc dân tộc Mường độc đáo còn được lưu giữ nhiều trong sinh hoạt, sản xuất và đời sống, có giá trị văn hoá được công nhận, ghi danh như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi; mo Mường, chiêng Mường được đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Nơi đây cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, có núi cao, rừng nguyên sinh, hồ nước mênh mang, cuốn hút… Huyện Tân Lạc đang xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc Mường, khai thác tiềm năng riêng có phát triển các loại hình du lịch.
(HBĐT) - Với tinh thần "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, màu áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ không ngại khó, không ngại khổ, xung kích thực hiện những công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa vì cộng đồng đã trở nên gần gũi, gắn bó trong cuộc sống.
(HBĐT) - Sau nhiều năm thực hiện các đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà, kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án khác, đời sống, sinh kế người dân vùng hồ từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, các mục tiêu chung và chỉ tiêu cụ thể chưa đạt so với mục tiêu của đề án. Hạ tầng vùng hồ thấp kém, nông thôn mới đạt thấp, khoảng 80% dân số sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thu nhập bấp bênh, đời sống người dân thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung…
(HBĐT) - Tranh thủ các nguồn lực đầu tư, các địa phương vùng hồ thuỷ điện Hoà Bình đã bền bỉ, cố gắng từng bước giải quyết những khó khăn, đẩy mạnh phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống người dân.
(HBĐT) - Các xã nằm trong vùng hồ thuỷ điện Hoà Bình hầu hết là địa bàn vùng cao, khó khăn của tỉnh, địa hình cheo leo, chia cắt, độ dốc lớn, mặt bằng và các điều kiện sản xuất, đời sống rất khó khăn. Đến nay, cuộc sống người dân vùng hồ thủy điện Hòa Bình chưa ổn định, luôn đối mặt với thiên tai, mưa lũ, trượt sạt. Biến đổi khí hậu, thiên tai vẫn đe dọa cuộc sống người dân.