(HBĐT) - Ngày đầu tiên của năm Quý Mão 2023, trên hải trình đến các đảo tiền tiêu Trường Sa, chúng tôi là những người may mắn đầu tiên được "xông đất” chúc Tết cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân xã đảo Sinh Tồn. Tại đây, chúng tôi được hòa mình vào không khí vui xuân, đón Tết của quân và dân; tham gia cuộc thi gói bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả; đi lễ chùa, trồng cây đầu năm; thăm hỏi, chúc Tết các hộ dân sinh sống trên đảo, ngư dân bám biển đang neo đậu tại âu tàu; cùng các chiến sỹ giao lưu bóng đá, bóng chuyền, cờ vua, cờ tướng, múa võ …

Linh thiêng lễ thượng cờ Tổ quốc đầu năm

Đón chúng tôi ở âu tàu, sau nghi thức chào đón đoàn công tác, Thượng tá Trần Danh Hoàng, Chỉ huy trưởng - Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn nắm chặt tay từng người xúc động: "Mấy ngày qua quân và dân trên đảo mong chờ đoàn công tác quá, thời tiết trên biển không thuận lợi, chỉ lo các đồng chí không kịp vào đảo đón năm mới với quân và dân. Giờ thì chúng tôi yên tâm là đã có thêm nhu yếu phẩm, quà từ đất liền để bổ sung trong ngày Tết, giúp quân và dân đón một cái Tết như ở đất liền”.

Đúng thời khắc mặt trời ló rạng trên đầu ngọn sóng biển Đông, chúng tôi xúc động tham dự lễ thượng cờ, chào cờ Tổ quốc trang trọng đầu năm cùng quân và dân xã đảo Sinh Tồn. Trước cờ đỏ sao vàng Tổ quốc tung bay trong nắng gió Trường Sa, chúng tôi cùng quân và dân trên đảo hát vang bài Quốc ca hùng tráng, át cả tiếng sóng biển. Sau nghi thức chào cờ, chúng tôi cùng nghiêm trang nghe 10 lời thề danh dự của quân nhân, những lời thề đanh thép khẳng định ý chí và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam đầy tự hào hãnh diện, vang vọng một vùng biển Đông: "Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc...". Và sau mỗi lời thề ấy, hai tiếng "xin thề" của quân và dân đồng thanh vang lên sang sảng và hào hùng như sóng dậy, khiến lòng yêu nước như dâng trào trong tim những người chứng kiến.


Các chiến sỹ trẻ trao nhau những bước thư từ đất liền gửi ra đảo.

Trước lá cờ Tổ quốc và cột mốc chủ quyền, Thượng tá Trần Danh Hoàng, Chỉ huy trưởng - Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn thay mặt quân, dân trên đảo và những chiến sỹ hải quân đang làm nhiệm vụ trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc bày tỏ lời hứa trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân: "Quần đảo Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng, là hương hỏa tổ tiên ông cha ta từ hàng trăm năm nay để lại; chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu. Nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ của Quân chủng Hải quân, những người con ưu tú của Tổ quốc, đã anh dũng hy sinh để giành và giữ lấy chủ quyền từng tấc đảo, sải biển, bảo vệ cho Trường Sa có được như ngày hôm nay. Xin hứa với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, quân và dân Quần đảo Trường Sa sẽ luôn đề cao cảnh giác, vững vàng tay súng, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, hoàn cảnh, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Đại tá Nguyễn Đình Bằng, phóng viên Tạp chí Quốc phòng toàn dân xúc động: "Trong cuộc đời mình, tôi đã hàng trăm lần hát Quốc ca, nhưng khi chào cờ ở vùng đất xa xôi của biên cương Tổ quốc, không gian mênh mông trời biển làm từng lời Quốc ca trở nên thiêng liêng, tôi thật sự xúc động. Nhìn Quốc kỳ tung bay kiêu hãnh trong nắng gió của bầu trời Trường Sa, tôi cảm nhận được sự vĩ đại của đất nước mình, dân tộc mình; sự hi sinh của cha ông, lớp lớp thế hệ đi trước. Để bảo vệ được giang sơn này, dân tộc ta đã đổ biết bao mồ hôi, máu và nước mắt. Còn đó những người lính Trường Sa hôm nay đang thầm lặng hi sinh dâng hiến tuổi xanh của mình cho đất nước, để chúng tôi có một cuộc sống yên bình ở đất liền. Những khoảnh khắc đó luôn dâng trào cảm xúc, khiến bản thân mình cảm thấy thêm yêu Tổ quốc và trân trọng nghề báo hơn”.

Lễ chào cờ Tổ quốc của các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo Sinh Tồn nói riêng và các đảo, điểm đảo thuộc Quần đảo Trưởng Sa nói chung thường diễn ra vào sáng thứ hai hàng tuần, dịp đầu năm mới và những ngày lễ lớn của đất nước. Trước cột chủ quyền và lá Quốc kỳ mang bóng hình Tổ quốc, đứng nghiêm trang mắt hướng nhìn cờ Tổ quốc, nhạc Quốc ca cất lên vang vọng, trong lòng mỗi người dân cùng các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo đều cảm thấy tự hào mình là một người con nước Việt, tạo nên mạch nguồn to lớn, cổ vũ, động viên, thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục trân trọng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tết sớm của quân và dân nơi đảo tiền tiêu

Sau lễ chào cờ Tổ quốc, chúng tôi cùng cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân đến dâng hương tại Chùa Sinh Tồn. Tết đến, xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp. Phong tục đi lễ chùa đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh, một việc làm không thể thiếu trong đời sống mỗi người Việt Nam. Ở nơi đảo xa này, đồ lễ chùa ngày Tết chỉ đơn giản là đĩa trái cây, gói bánh quy…, mộc mạc, giản dị như chính con người nơi đây, nhưng gửi gắm vào đó biết bao mong ước mưa thuận, gió hòa, cuộc sống an bình và phát triển của quân, dân trên đảo. Theo Trụ trì chùa Sinh Tồn, chùa được trùng tu năm 2010, là điểm tựa tinh thần không chỉ quân, dân trên đảo mà còn cho cả ngư dân đánh bắt cá trên biển. Nhân dân đến chùa không chỉ vào ngày Rằm, mùng Một mà mỗi khi tâm trạng bất an, có vướng mắc trong suy nghĩ cũng đến chùa tâm sự nhờ sư thầy giải đáp. Vào ngày nghỉ, bộ đội cũng thường đến thăm hỏi sư thầy và dâng hương lễ phật. Các đoàn công tác hoặc cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ trên biển đều thắp hương cầu cho chuyến công tác suôn sẻ, hải lộ bình an.


Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người lính Trường Sa vẫn chắc tay súng để đất liền yên tâm vui Tết, đón Xuân.

Rời chùa Song Tử, chúng tôi theo đoàn cán bộ xã đảo đến thăm hỏi, chúc Tết các hộ dân sinh sống trên đảo và ngư dân bám biển đang neo đậu tại âu tàu. Tại nhà chị Lữ Kim Cúc đã chuẩn bị nhiều món quà để mời khách đến chúc Tết, trong đó có cả mứt soài, đặc sản của huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), quê hương của chị. Chị Cúc tâm sự: "Gia đình em ra đảo được hơn 4 năm nay, năm nào cũng được đón nhận những tình cảm từ đất liền gửi ra, nhất là đặc sản của quê hương để chúng em đón tết và mời cán bộ, chiến sỹ, người dân trên đảo thưởng thức hương vị quê nhà. Khi nhận được các món quà từ đất liền gửi ra, bản thân chúng em cảm thấy ấm lòng, như được gần gia đình, quê hương hơn, vơi bớt đi nỗi nhớ nhà trong thời gian sinh sống tại đảo”. Thượng tá Trần Văn Trình, Chính ủy đảo Sinh Tồn chia sẻ thêm: "Tết năm nay, quân, dân trên xã đảo Sinh Tồn tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân cả nước nên đời sống vật chất tinh thần mọi mặt được nâng lên; đem lại một cái Tết đầm ấm, đầy đủ đối với quân và dân trên đảo. Quân và dân đảo Sinh Tồn luôn đoàn kết một lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ".

Trở lại hội trường trung tâm của đảo, chúng tôi thấy nơi đây khá nhộn nhịp với nhiều hoạt động vui xuân, đón Tết của quân và dân. Chỗ thì háo hức với cuộc thi gói bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả; nơi thì nhộn nhịp Tết trồng cây đầu năm; bên thì sôi nổi với các cuộc giao lưu bóng đá, bóng chuyền, cờ vua, cờ tướng, múa võ... Tất cả tạo nên một mùa xuân căng tràn sức sống tại đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Thượng tá Trần Danh Hoàng, Chỉ huy trưởng - Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn khẳng định: "Vui Xuân nhưng không quên nhiệm vụ - Đó là phương châm, mệnh lệnh từ trái tim của những người lính đang thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Cái Tết nơi đầu sóng, ngọn gió dù còn thiếu thốn vật chất, nhưng quân và dân trên đảo đang sẵn sàng chào năm mới Quý Mão với ước mong một năm mưa thuận gió hòa. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào thì khẩu hiệu "đảo là nhà, biển cả là quê hương” đã ngấm sâu vào máu thịt, những người lính Trường Sa vẫn luôn chắc tay súng để đất liền yên tâm vui Tết, đón Xuân”.

Đêm đầu năm ở đảo Sinh Tồn, giữa trời biển mênh mông, bên nồi bánh chưng sôi lục bục trên bếp lửa tỏa hương thơm của ngày Tết, chúng tôi cùng các chiến sĩ và người dân xã đảo quây quần bên nhau, tiếng đàn ghi-ta bập bùng hòa lẫn tiếng sóng vỗ, tiếng gió biển và những lời hát về biển đảo quê hương như kết nối gần khoảng cách giữa đất liền với hải đảo: Nơi anh đến là biển xa. Nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta. Giữa đại dương. Mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa. Ngàn bão tố phong ba. Ta vượt qua, vượt qua…

(Còn nữa)

Đỗ Quyên


Các tin khác


Gọi du lịch Mường Bi thức giấc: Bài 1 - Mường Bi sở hữu những "báu vật” của đất, của trời

(HBĐT) - Mường Bi - Tân Lạc là 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh, có bản sắc dân tộc Mường độc đáo còn được lưu giữ nhiều trong sinh hoạt, sản xuất và đời sống, có giá trị văn hoá được công nhận, ghi danh như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi; mo Mường, chiêng Mường được đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Nơi đây cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, có núi cao, rừng nguyên sinh, hồ nước mênh mang, cuốn hút… Huyện Tân Lạc đang xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc Mường, khai thác tiềm năng riêng có phát triển các loại hình du lịch. 

Dấu ấn phong trào thanh niên tình nguyện

(HBĐT) - Với tinh thần "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, màu áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ không ngại khó, không ngại khổ, xung kích thực hiện những công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa vì cộng đồng đã trở nên gần gũi, gắn bó trong cuộc sống.

Giải bài toán cải thiện sinh kế cho người dân vùng hồ thuỷ điện Hòa Bình: Bài 5 - Phá vỡ cô lập về giao thông, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất

(HBĐT) - Sau nhiều năm thực hiện các đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà, kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án khác, đời sống, sinh kế người dân vùng hồ từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, các mục tiêu chung và chỉ tiêu cụ thể chưa đạt so với mục tiêu của đề án. Hạ tầng vùng hồ thấp kém, nông thôn mới đạt thấp, khoảng 80% dân số sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thu nhập bấp bênh, đời sống người dân thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung…

Giải bài toán cải thiện sinh kế cho người dân vùng hồ thuỷ điện Hòa Bình: Bài 4 - Những điểm sáng vùng hồ

(HBĐT) - Tranh thủ các nguồn lực đầu tư, các địa phương vùng hồ thuỷ điện Hoà Bình đã bền bỉ, cố gắng từng bước giải quyết những khó khăn, đẩy mạnh phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống người dân.

Giải bài toán cải thiện sinh kế cho người dân vùng hồ thuỷ điện Hòa Bình: Bài 3 - Biến đổi khí hậu đè nặng cuộc sống người dân

(HBĐT) - Các xã nằm trong vùng hồ thuỷ điện Hoà Bình hầu hết là địa bàn vùng cao, khó khăn của tỉnh, địa hình cheo leo, chia cắt, độ dốc lớn, mặt bằng và các điều kiện sản xuất, đời sống rất khó khăn. Đến nay, cuộc sống người dân vùng hồ thủy điện Hòa Bình chưa ổn định, luôn đối mặt với thiên tai, mưa lũ, trượt sạt. Biến đổi khí hậu, thiên tai vẫn đe dọa cuộc sống người dân.

Giải bài toán cải thiện sinh kế cho người dân vùng hồ thuỷ điện Hòa Bình: Bài 2 - "Trả nợ” người dân vùng hồ

(HBĐT) - Sau khi thực hiện các chiến dịch "thần tốc” di dân ra khỏi vùng lòng hồ sông Đà, một quãng thời gian dài, người dân lâm vào tình trạng khó khăn như không thể khó khăn hơn. Người dân co cụm trên núi đồi, hình thành các chòm xóm, hầu hết cách biệt và cô lập. Nhà dựng tạm, mặt bằng sản xuất không có. Tất cả làm lại từ đầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục