(HBĐT) - Tháng 2/2023, huyện Yên Thủy phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện. Hội nghị có sự tham gia của 11 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tại hội nghị, những thực trạng, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được đưa ra trao đổi, thảo luận. Sau hội nghị, nhiều giải pháp thiết thực đã được triển khai, huyện Yên Thủy đang tích cực vào cuộc để đẩy mạnh liên kết sản xuất, tìm hướng tiêu thụ nông sản hiệu quả.


HTX nông nghiệp Yên Trị,  xã Yên Trị (Yên Thủy) sản xuất cao xạ đen, góp phần ổn định đầu ra cho cây xạ đen trên địa bàn và các xã lân cận.

Liên kết sản xuất để nâng cao giá trị nông sản

Yên Trị là một trong những xã phát triển mạnh cây dược liệu. Trên địa bàn xã đã có những cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm giúp giải quyết đầu ra cho các cây dược liệu như cà gai leo, xạ đen… Đưa chúng tôi đi thăm quy trình sản xuất cao xạ đen tại HTX nông nghiệp Yên Trị, đồng chí Bùi Phi Diệp, Chủ tịch UBND xã cho biết: Các khâu sản xuất cao xạ đen từ trồng cây nguyên liệu đến chế biến sản phẩm được HTX thực hiện nghiêm ngặt, tuân thủ quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với hệ thống dây chuyền máy móc được đầu tư hiện đại. Khi cây xạ đen trưởng thành, nông dân có thể thu hái bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhất là phần lá cây. Với thân và cành thường đợi đến khi cây già mới thu hoạch làm thuốc. Sản phẩm cao xạ đen là vị thuốc đông y, cứ 1,5 kg cây xạ đen khô cô được 100g cao. Sản phẩm có mùi thơm đặc trưng, màu đen sánh đặc, tan nhanh trong nước, rất tiện lợi cho người sử dụng. Thiết kế lọ đựng sản phẩm nhỏ gọn, có thể bỏ túi đem đến nơi làm việc, đi công tác. Với vị đắng nhẹ ở đầu lưỡi và ngọt dần, người tiêu dùng có thể sử dụng hàng ngày để tăng cường sức khỏe. Xạ đen là một loại thảo dược giá trị, cho hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn xã có 25 ha xạ đen. Vì đã thực hiện được việc sơ chế, chế biến tại chỗ, đảm bảo đầu ra nên xã vận động người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng xạ đen; phấn đấu phát triển thêm 10 ha xạ đen.

Từ thực tế phát triển cây xạ đen ở Yên Trị cho thấy tầm quan trọng, sự cần thiết, hiệu quả của việc liên kết sản xuất để nâng cao giá trị, đảm bảo đầu ra cho nông sản.

Huyện Yên Thủy đã khuyến khích hình thành nhiều mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm… Đến nay, trong huyện có 39 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 37 tổ hợp tác với 537 thành viên, tạo việc làm cho hơn 800 lao động. Các HTX, tổ hợp tác hoạt động khá tích cực và hiệu quả như: HTX nông lâm nghiệp Bảo Hiệu, HTX Đại Đồng, HTX nông lâm nghiệp số 1 Yên Thủy, HTX nông nghiệp Ngọc Lương, HTX nông nghiệp và thương mại Lạc Thịnh… Liên kết sản xuất đã góp phần quan trọng trong việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng trồng bưởi tại các xã Ngọc Lương, Yên Trị, Hữu Lợi...; vùng trồng bí xanh an toàn tại xã Bảo Hiệu, Phú Lai; vùng sản xuất dược liệu tại xã Bảo Hiệu, Đa Phúc, Lạc Lương; vùng trồng khoai sọ tại xã Yên Trị, Ngọc Lương; vùng trồng mía tại xã Đa Phúc, Lạc Lương… Toàn huyện đã có 223 ha cây trồng được cấp chứng nhận sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ (129 ha bưởi, 74 ha bí xanh, 20 ha cây trồng khác).

Hiện huyện duy trì liên kết sản xuất, tiêu thụ trên 400 ha mía nguyên liệu với Công ty mía đường Việt Đài; liên kết sản xuất, tiêu thụ 25 ha cây cà gai leo với HTX nông lâm nghiệp Bảo Hiệu; liên kết sản xuất trên 20 ha bưởi giữa HTX nông nghiệp Ngọc Lương và HTX nông nghiệp Đại Đồng; liên kết trồng 3,5 ha dưa chuột tại xã Đa Phúc…; liên kết xuất khẩu trên 11 tấn bưởi Diễn tại HTX nông nghiệp Đại Đồng, xã Ngọc Lương với Công ty CP RYB sang thị trường Vương quốc Anh.

Tiếp tục tìm đầu ra ổn định cho nông sản

Theo số liệu thống kê, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha canh tác trồng trọt năm 2022 trên địa bàn huyện Yên Thủy bình quân đạt 115 triệu đồng. Trong khi trên toàn tỉnh, giá trị thu được trên 1 ha canh tác đạt khoảng 155 triệu đồng. Như vậy, hiệu quả kinh tế trên 1 ha canh tác nông nghiệp của huyện mới đạt 75% so với trung bình toàn tỉnh. Một trong những lý do quan trọng được chỉ ra là đầu ra cho nông sản chưa ổn định, thường xuyên rơi vào tình trạng "được mùa, mất giá”.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để nâng cao chất lượng giá trị nông sản, huyện tập trung xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm trồng trọt và sản phẩm OCOP. Trong đó, 5 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu: "Bưởi Yên Thuỷ”, "Hành tăm Yên Thuỷ”, "Khoai sọ Yên Thuỷ”, "Bí xanh Yên Thuỷ”, "Cà gai leo Yên Thủy”; có 17 sản phẩm OCOP được chuẩn hoá nâng hạng. Khi đã xây dựng được thương hiệu, huyện đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Huyện đang liên kết tiêu thụ 10 sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông sản khác tại gian hàng trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm (tỉnh Ninh Bình). Duy trì và mở rộng các kênh bán hàng điện tử tại sàn Postmart.vn, Voso.vn, Sendo.vn và một số trang bán lẻ khác. Huyện tiếp tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm có lợi thế tại địa phương như "Lạc Yên Thủy"... Xây dựng, nâng cấp, chuẩn hóa đa dạng sản phẩm OCOP đã được công nhận. Chỉ đạo hoàn thiện xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử nông, lâm sản trên địa bàn huyện, liên kết với các trang thông tin thương mại điện tử để tăng cường tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, huyện tích cực tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, tìm đường xuất khẩu nông sản. Cuối năm 2022, huyện đã xuất khẩu thành công 11 tấn bưởi Diễn sang thị trường Anh quốc; tiếp tục tìm hiểu, tiếp cận để có thể xuất khẩu nông sản sang thị trường Mỹ, Nhật Bản.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Huyện đang tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Chính quyền các cấp trong huyện sẽ phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động tại địa phương. Nâng cao chất lượng môi trường đầu tư; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Quan tâm thu hút xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm sản xuất, nâng cao giá trị ngành nông nghiệp cũng như thu nhập cho người nông dân.

Dương Liễu

Các tin khác


Huyện Tân Lạc - gian nan hành trình thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân nơi “cổng trời”

(HBĐT) - Chỉ nhác thấy bóng dáng người lạ, một bóng người lao vụt qua cửa, thoáng chốc đã mất dạng phía rừng xa... Nếu không được tận mắt chứng kiến, có lẽ chúng tôi cũng không thể tưởng tượng được những gian nan trên hành trình thu nhận hồ sơ làm căn cước công dân (CCCD) cho những người yếu thế, có bệnh tâm thần của lực lượng Công an ở nơi "cổng trời” của huyện Tân Lạc.

Bài 2 - Nhận diện những nút thắt phát triển hạ tầng công nghiệp

(HBĐT) - Định hướng quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình triển khai phát triển hạ tầng công nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bài 1 - Hiệu quả thu hút đầu tư phát triển công nghiệp

(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất các khu, cụm công nghiệp (CCN) chiếm 1% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, tương đương với 4.600 ha. Để thực hiện mục tiêu này, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 1/11/2021 về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, cùng với Đề án số 02 về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Theo đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng công nghiệp, thu hút đầu tư, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

Bài 1- Diện mạo mới đô thị trung tâm tỉnh

(HBĐT) - Đại hội Đảng bộ thành phố Hòa Bình (TPHB) lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thống nhất mục tiêu phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II trước năm 2025. Sau nửa nhiệm kỳ, diện mạo đô thị trung tâm tỉnh đã có những nét mới, khang trang, sáng đẹp, văn minh hơn.

Bài 2- Tập trung giải pháp tiếp tục cải thiện chỉ số cải cách hành chính

(HBĐT) - Năm 2022, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh tuy tăng 2 bậc so với năm 2021, tăng 30 bậc so với năm 2020, nhưng điểm số lại giảm do việc điều chỉnh các nội dung và thang điểm đánh giá của một số tiêu chí, tiêu chí thành phần. Với tinh thần thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, hạn chế, Ban chỉ đạo (BCĐ) CCHC tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để duy trì và cải thiện chỉ số CCHC năm 2023 cũng như các năm tiếp theo. 

Nâng cao chỉ số cải cách hành chính - hướng tới sự hài lòng của người dân và tổ chức

(HBĐT) - Năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC). Với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác này đã có chuyển biến tích cực. Chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh tăng 2 bậc so với năm 2021. Với tinh thần đánh giá đúng kết quả đạt được, đi sâu những tồn tại, hạn chế, tỉnh đang tập trung các giải pháp duy trì, nâng cao chỉ số CCHC năm 2023 và các năm tiếp theo. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục