(HBĐT) - Chỉ với những sổ đất canh tác, đất rừng phòng hộ đặc dụng và hợp đồng mua bán, chuyển nhượng trái pháp luật chẳng khác gì mớ... giấy lộn, nhưng bà Bùi Thị Hồng đã "đẩy” sang cho người khác "ôm hộ” để đổi lấy nhiều bất động sản trị giá nhiều tỷ đồng ngay giữa trung tâm thành phố...
Ngôi nhà số 232, đường An Dương Vương, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) của ông Tạ Hồng Chương do bà Bùi Thị Hồng "cắm” 14 sổ đất chuyển nhượng trái phép tại Đồi Thung để mua.
Mớ giấy lộn có giá chục tỷ đồng
Như ở bài trước đã đề cập, mặc dù biết rõ việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) canh tác và đất rừng phòng hộ tại các xóm Thung 1, Thung 2, xã Quý Hòa (Lạc Sơn) là trái pháp luật, nhưng bà Bùi Thị Hồng vẫn biến những mảnh đất được mua bán, chuyển nhượng QSDĐ trái phép trở thành những tài sản có giá trị để mang đi giao dịch, thế chấp mua bán những tài sản trị giá hàng tỷ đồng.
Theo đó, bà Hồng đã dùng 14 giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ và 8 hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ trái phép tại Đồi Thung đưa cho ông Tạ Hồng Chương làm tài sản đảm bảo, thế chấp lấy ngôi nhà số 232, đường An Dương Vương, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) được xây dựng trên mảnh đất 497m2, cùng lô đất 900m2 chưa được cấp GCNQSDĐ liền kề ông Chương rao bán giá 10 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, bà Bùi Thị Hồng trả cho ông Chương 2 tỷ đồng tiền mặt, còn lại 8 tỷ đồng được thế chấp bằng "chân” cổ đông cho ông Chương toàn bộ diện tích đất ở xóm Thung 1, Thung 2 bà Hồng đã mua. Tại biên bản bàn giao "sổ đỏ” và hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Tạ Hồng Chương và bà Bùi Thị Hồng ký ngày 8/3/2021 nêu: toàn bộ diện tích đất thổ cư, đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở xóm Thung 1, Thung 2 bà Hồng đã mua với tổng số tiền 5 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 3/3/2021, có khách đã trả 10 tỷ đồng, nhưng hai anh em (ông Tạ Hồng Chương và bà Bùi Thị Hồng - NV) cùng thỏa thuận chưa bán. Vì vậy, bà Bùi Thị Hồng mua ngôi nhà số 232, đường An Dương Vương, phường Thái Bình của ông Tạ Hồng Chương sẽ trừ vào 8 tỷ đồng sau khi bán số đất nêu trên. Nếu bán 10 tỷ đồng thì ông Chương hưởng 8 tỷ đồng, bà Hồng nhận 2 tỷ đồng. Sau này, khi chuyển nhượng QSDĐ toàn bộ số đất đã mua tại xóm Thung 1, Thung 2 phải có chữ ký của ông Tạ Hồng Chương và và Bùi Thị Hồng...
Đáng nói, sau khi hoàn thành hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ số nhà 232 cho bà Bùi Thị Hồng, qua nắm bắt thông tin, ông Tạ Hồng Chương mới tá hỏa khi biết 14 GCNQSDĐ và 8 hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ bà Bùi Thị Hồng bàn giao để lấy ngôi nhà của mình không khác gì đống giấy lộn. Bởi toàn bộ diện tích đất ở xóm Thung 1, Thung 2 do bà Hồng mua bán là trái pháp luật. Hơn nữa, nhiều người dân đã có đơn gửi đến các cơ quan chức năng tố cáo hành vi cầm, giữ GCNQSDĐ trái pháp luật của các đối tượng, trong đó có bà Bùi Thị Hồng. Xung quanh vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Dương, Trưởng phòng TN&MT huyện Lạc Sơn khẳng định: Việc mua bán, chuyển nhượng QSDĐ giữa bà Hồng và các hộ ở Đồi Thung là trái phép, do bà Hồng không phải là người địa phương, không trực tiếp là người sản xuất nông nghiệp nên không được phép mua đất lúa, đất rừng phòng hộ.
Có hay không dấu hiệu tội phạm "lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Qua tìm hiểu, làm việc với các cơ quan chức năng địa phương liên quan đến công tác quản lý về đất đai đều có chung một quan điểm: việc bà Hồng sử dụng GCNQSDĐ của người dân Đồi Thung để mang đi giao dịch, thế chấp mua bán tài sản khác là hoàn toàn trái pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Đoàn, Công ty Luật hệ thống dịch vụ pháp lý thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định việc nhận chuyển nhượng QSDĐ phải đáp ứng được cái điều kiện cơ bản như: Có GCN, đất không tranh chấp, trong thời hạn sử dụng đất, không bị kê biên đảm bảo thi hành án. Về mặt hình thức, việc chuyển nhượng QSDĐ cần được lập thành hợp đồng, có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký vào sổ địa chính. Bên cạnh đó, trường hợp chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp còn đòi hỏi một số điều kiện đặc thù như: bên nhận chuyển nhượng phải trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, đối với chuyển nhượng đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó thì không được nhận chuyển nhượng. Trường hợp thực hiện các giao dịch chuyển nhượng QSDĐ mà không đáp ứng các điều kiện nêu trên là hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, việc nhận chuyển nhượng QSDĐ trồng lúa, đất rừng phòng hộ khi không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật của bà Bùi Thị Hồng đã vi phạm các quy định tại Điều 167, 188, 191, 192, Luật Đất đai năm 2013.
Hơn nữa, "việc bà Hồng sử dụng GCNQSDĐ canh tác (lúa), đất rừng phòng hộ làm tài sản thế chấp để giao dịch mua bán tài sản khác là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, pháp luật quy định việc thế chấp QSDĐ phải được lập hợp đồng, có công chứng, chứng thực và phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp không tuân thủ các quy định này, việc thế chấp được xác định là vi phạm pháp luật. Đối với vi phạm này, theo quy định pháp luật giao dịch có thể vô hiệu (không có giá trị hiệu lực ngay từ khi giao kết), các bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi dẫn đến giao dịch vô hiệu phải bồi thường. Trường hợp có hành vi gian dối, đưa thông tin sai sự thật nhằm chiếm đoạn tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt lên tới 20 năm tù hoặc chung thân” - luật sư Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh.
Về phía UBND huyện Lạc Sơn, trao đổi với đồng chí Bùi Văn Dương, Trưởng phòng TN&MT huyện được biết: UBND huyện giao các cơ quan chức năng và UBND xã Quý Hòa rà soát, báo cáo để UBND huyện xem xét thu hồi, hủy các GCNQSDĐ vi phạm. Còn việc người thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng QSDĐ trái phép, sử dụng GCNQSDĐ mang đi cầm cố, thế chấp để giao dịch, mua bán tài sản khác có dấu hiệu lừa đảo hay không hiện cơ quan Công an đang xác minh, làm rõ.
Nhóm PV Phòng XDĐ - NC
(HBĐT) - Tính đến hết năm 2022, giá trị sản phẩm trung bình trên đơn vị diện tích đất canh tác trồng trọt đạt từ 160-165 triệu đồng/ha. Trong 2 năm 2021-2022, tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh đạt 6,2%, trong đó, ngành NN&PTNT đã đóng góp 4,69%. 6 tháng đầu năm 2023, ước tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh chỉ đạt 0,39% nhưng riêng ngành NN&PTNT chiếm tới 3,45%, điều này khẳng định vai trò trụ đỡ quan trọng của ngành đối với nền kinh tế. Dù vậy, nền nông nghiệp vẫn được đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và xuất khẩu nông sản chiếm tỉ trọng nhỏ.
(HBĐT) - Nhiều năm qua, nông nghiệp luôn là lĩnh vực nhận được sự quan tâm, đầu tư phát triển và đã chứng minh vai trò quan trọng trong tăng trưởng, phát triển kinh tế. Ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung xây dựng nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ cho việc đưa nông sản thế mạnh, đặc trưng của tỉnh lần lượt "xuất ngoại”.
(HBĐT) - Bên cạnh những thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ thành phố Hòa Bình (TPHB) lần thứ II, thành phố vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức trong hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn để trở thành đô thị loại II trước năm 2025. Song, TPHB quyết tâm hoàn thành mục tiêu nghị quyết đã đề ra, "về đích” đúng hẹn.
(HBĐT) - Chỉ nhác thấy bóng dáng người lạ, một bóng người lao vụt qua cửa, thoáng chốc đã mất dạng phía rừng xa... Nếu không được tận mắt chứng kiến, có lẽ chúng tôi cũng không thể tưởng tượng được những gian nan trên hành trình thu nhận hồ sơ làm căn cước công dân (CCCD) cho những người yếu thế, có bệnh tâm thần của lực lượng Công an ở nơi "cổng trời” của huyện Tân Lạc.
(HBĐT) - Định hướng quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình triển khai phát triển hạ tầng công nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực tế các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch trên địa bàn tỉnh có những khó khăn đặc thù. Cả tỉnh có 8 KCN được quy hoạch, trong quá trình triển khai đều gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), các thủ tục theo quy định.
(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất các khu, cụm công nghiệp (CCN) chiếm 1% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, tương đương với 4.600 ha. Để thực hiện mục tiêu này, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 1/11/2021 về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, cùng với Đề án số 02 về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Theo đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng công nghiệp, thu hút đầu tư, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.