Những vướng mắc liên quan đến dự án "xây dựng các công trình văn hóa tâm linh” tại tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) không được giải quyết triệt để sẽ trở thành vấn đề phức tạp, điểm "nóng” về khiếu kiện kéo dài. Vậy đâu là lời giải "bài toán” này cho chính quyền và nhà đầu tư?
Dự án xây dựng các công trình văn hóa tâm linh còn tồn tại nhiều vấn đề,
hệ lụy liên quan đến công tác quản lý nhà nước, thực hiện các quy định của pháp luật
về đầu tư, triển khai dự án... chưa được giải quyết.
Dự án "treo” vì chủ đầu tư không bố trí được kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư
Trên thực tế, bức xúc trước vấn đề này, người dân, nhất là những hộ bị ảnh hưởng nằm trong quy hoạch dự án nhưng nhiều năm chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư (TĐC) đã gửi đơn kiến nghị đi nhiều nơi, đề nghị xem xét giải quyết. Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh đã nhiều lần tiếp, làm việc, đối thoại với người dân, chủ đầu tư (CĐT) và chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét, giải quyết. Tuy nhiên vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo các cơ quan chức năng chủ yếu là do CĐT chưa bố trí được kinh phí bồi thường, GPMB, hỗ trợ TĐC cho người dân. Theo đó, tại Báo cáo số 372/BC-UBND, ngày 8/7/2021 của UBND TP Hòa Bình chỉ rõ: "Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực tế dự tính riêng chi phí đền bù GPMB đối với 47 hộ gia đình, cá nhân nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi khoảng 70 tỷ đồng, chưa kể chi phí bố trí quỹ đất TĐC cho các hộ dân. Do nguồn lực tài chính của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (BTSGHPG) tỉnh không đảm bảo để tiếp tục thực hiện công tác GPMB của dự án, dẫn tới GPMB kéo dài, gây bức xúc cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nằm trong phạm vi dự án”. Ngoài ra, Báo cáo số 474/BC-UBND, ngày 20/8/2021 của UBND thành phố cũng đã nêu: Trên cơ sở rà soát, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hòa Bình đã kiểm kê sơ bộ và khái toán kinh phí bồi thường hỗ trợ cho phần diện tích 1.938m2 của 19 hộ gia đình đang sử dụng đất từ cổng chùa tới ngõ 24, đường Nguyễn Văn Trỗi là vị trí BTSGHPG tỉnh đề xuất tiếp tục giữ trong quy hoạch dự án (theo chủ trương mở rộng dự án thêm khoảng 7,2ha tại Công văn số 306/UBND-CNXD, ngày 11/4/2016 của UBND tỉnh - NV). Nếu tính theo giá đất trong bảng giá đất của tỉnh thì số tiền GPMB là 11,3 tỷ đồng. Còn nếu dự tính chi phí đền bù theo giá đất cụ thể khoảng gần 40 tỷ đồng.
Cho đến nay, CĐT cũng chưa bố trí được nguồn kinh phí để GPMB và hỗ trợ TĐC đối với các hộ dân. Tuy vậy, theo Thượng tọa Thích Đức Nguyên, Trưởng BTSGHPG tỉnh, nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là do UBND thành phố mới tổ chức bàn giao một phần diện tích đất đã đền bù GPMB cho BTSGHPG tỉnh. Phần còn lại đã đền bù GPMB xong nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện bàn giao được là do bị 27 hộ dân dọc đường Nguyễn Văn Trỗi lấn chiếm để xây nhà và các công trình phụ trợ vẫn chưa được trả lại cho dự án nên đã dẫn đến những khó khăn trong việc triển khai dự án.
Lời giải nào cho dự án?
Trên thực tế, theo đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đơn thư kéo dài là do dự án được triển khai từ lâu, qua nhiều giai đoạn khác nhau; công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB không được thực hiện kịp thời, triệt để, đã gây ra nhiều vấn đề, hệ lụy liên quan đến công tác quản lý nhà nước, cũng như thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, triển khai dự án, làm ảnh hưởng, gây bức xúc cho người dân.
Trước thực tế đó, các cấp chính quyền đã có sự vào cuộc chỉ đạo, giải quyết. Tính từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành hàng chục văn bản đôn đốc, chỉ đạo giải quyết. Mới đây nhất, ngày 26/10/2023 tại văn bản số 9376/VPUBND-KTN, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: BTSGHPG tỉnh khẩn trương lập hồ sơ xin giao đất (đối với diện tích đã được GPMB xong) nộp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để chuyển Sở TN&MT thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định; giao UBND TP Hòa Bình (chủ trì) phối hợp CĐT rà soát toàn bộ diện tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng, chấp thuận chủ trương giao đất thực hiện dự án, nhưng chưa được UBND tỉnh giao đất. Đối với diện tích chưa GPMB, giao UBND TP Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác GPMB, hỗ trợ TĐC theo quy định để CĐT lập hồ sơ xin giao đất thực hiện dự án. Giao UBND TP Hòa Bình chủ trì phối hợp với CĐT rà soát toàn bộ diện tích đất đã được UBND tỉnh quyết định giao đất thực hiện dự án nhưng có một phần diện tích bị lấn chiếm, tái sử dụng hoặc do các nguyên nhân khác mà hiện nay CĐT không được sử dụng thì UBND TP Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC theo quy định để bàn giao lại cho CĐT hoặc chỉ đạo tổ chức thanh tra, xử lý. Trường hợp có diện tích đất thống nhất đưa ra khỏi quy hoạch đầu tư dự án như đối với phần diện tích 3.047,0m2 hiện trạng trên đất là nhà ở và các công trình phụ trợ của 47 hộ dân đang sinh sống ổn định, đã thống nhất điều chỉnh ra khỏi phạm vi dự án, đề nghị CĐT khẩn trương hoàn thiện trích đo khu đất, báo cáo với cơ quan chức năng để cập nhật, điều chỉnh quy hoạch của dự án theo quy định để người dân được thực hiện các quyền sử dụng đất hợp pháp của mình. Giao UBND thành phố giải quyết phần kinh phí đã bồi thường GPMB theo quy định.
Tuy nhiên, quá trình làm việc, trao đổi với các cơ quan chuyên môn và một số chuyên gia cho rằng, đây là bài toán khó, không phải là vấn đề dễ giải quyết. Trong vụ việc này, để giải quyết một cách căn cơ, thấu đáo thì các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phải rà soát, xem xét lại toàn bộ dự án. Từ đó nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan xem cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được. Bắt đầu rà soát từ chủ trương, quy hoạch, trình tự thực hiện dự án như công bố quy hoạch, tham vấn ý kiến người dân, rà soát, xem lại công tác bồi thường GPMB, hỗ trợ TĐC... để thấy sai chỗ nào, đúng chỗ nào. Nếu cơ quan nhà nước không giải quyết triệt để thì đề nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đối thoại với nhân dân. Trên cơ sở đó tìm ra tiếng nói chung để cùng nhau giải quyết.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng phải làm rõ việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại khu vực này, bởi theo thông tin từ đơn vị chức năng Công an tỉnh, khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án, quá trình kiểm kê, rà soát để chuẩn bị xây dựng phương án bồi thường GPMB, khu vực này chỉ có vài chục hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án, nhưng cho đến nay đã lên tới 170 hộ... Có như vậy, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp mới đưa ra những quyết định tốt nhất và phù hợp nhất để tháo gỡ khó khăn, giải quyết vấn đề.
Thực tế này cũng đã từng xảy ra khi dự án Khu dân cư tổ 6, phường Tân Thịnh đã được UBND tỉnh giao đất để triển khai. Tuy nhiên, quá trình triển khai lại không giải phóng được mặt bằng vì có các hộ dân ở và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi quy hoạch dự án. Trước ý kiến phản đối và không nhận được sự đồng thuận của người dân, UBND tỉnh đã phải rút lại chủ trương đầu tư đối với dự án này.
Trong vụ việc này, nhiều người cho rằng về phía UBND tỉnh nên xem xét, căn cứ vào tình hình thực tế, điều chỉnh lại quy mô dự án. Những phần nào đã được GPMB, đã triển khai xây dựng rồi thì giữ nguyên trạng. Chỉ thực hiện GPMB, thu hồi đất ở những khu vực không có dân sinh sống, đất lâm nghiệp và trồng cây lâu năm. Còn những phần nào đã có quyết định thu hồi nhưng nhiều năm không chi trả tiền bồi thường GPMB mà người dân vẫn đang sinh sống ổn định đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản trên đất thì đưa ra khỏi quy hoạch dự án. Đồng thời, yêu cầu CĐT có cam kết bố trí đảm bảo nguồn kinh phí, sớm triển khai thực hiện hoàn thành dự án ngay sau khi hoàn thành GPMB... nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và phù hợp với thực tế, khả năng của CĐT. Từ đó tháo gỡ từng nút thắt cho dự án và đảm bảo ổn định tư tưởng người dân, giải quyết tình trạng đơn thư kéo dài, phức tạp...
Nhóm P.V