(HBĐT) - Công tác cán bộ (CTCB) giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ta. Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; quan điểm, đường lối của Đảng xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt của nhiệm vụ then chốt, BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã thực hiện đồng bộ các khâu trong CTCB và đạt kết quả tích cực.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ trao quyết định phân công cán bộ lãnh đạo các sở, ngành phụ trách các xã, phường, thị trấn.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, BTV Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ để tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong đó có những văn bản lần đầu ban hành, chưa có tiền lệ như: Đề án về "Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”; Đề án về "Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cấp ủy các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, tổ trưởng tổ đảng ở những chi bộ có đông đảng viên”; phân công cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo dõi địa bàn xã, phường, thị trấn; về bố trí, sắp xếp, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ giữ 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở cùng một địa phương cơ quan, đơn vị… Qua thực hiện từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; giúp cán bộ xác định rõ hơn về vị trí công tác, trách nhiệm gắn bó với cơ sở. Cán bộ được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, rèn luyện, thử thách trong môi trường mới và trưởng thành, bước đầu tạo ra hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Theo đồng chí Bùi Thị Minh, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Tỉnh thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Các mặt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sắp xếp cán bộ được quan tâm. Nếu nhiệm kỳ 2015-2020, có 6/10 bí thư cấp huyện không là người địa phương, đến nhiệm kỳ 2020-2025 có 100% Bí thư huyện ủy, thành ủy không là người địa phương; trong đó, 3/10 huyện có cả cán bộ lãnh đạo cấp ủy và UBND không là người địa phương. Từ đó, tác động tích cực đến công tác lãnh đạo, điều hành tại các địa phương, nhất là tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo hướng sát dân, gần dân hơn; dần khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, giúp cán bộ trưởng thành; kiểm soát quyền lực tốt hơn.
Đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho rằng: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh tiếp tục đổi mới, phù hợp và từng bước đạt kết quả tốt, nhất là phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh uỷ phụ trách các ngành, lĩnh vực, địa phương tập trung lãnh đạo nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tỉnh ủy đã phân công 137 đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo dõi 151 xã, phường, thị trấn; luân chuyển cán bộ lãnh đạo phù hợp năng lực, phẩm chất, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cơ quan, đơn vị, địa phương, chuẩn bị nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ tới, nhận được sự ủng hộ của cán bộ, Nhân dân.
Đặc biệt, công tác đánh giá cán bộ được chú trọng vừa làm tăng trách nhiệm của cá nhân, vừa nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy. Việc đánh giá cán bộ theo theo nguyên tắc lấy sản phẩm, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị là thước đo năng lực cán bộ, đảng viên. "Định hướng về công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên thực thi nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, chỉ đạo các dự án, công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cần là cơ sở để đánh giá xếp loại thi đua của năm và cơ sở để bố trí, quy hoạch sắp xếp cán bộ những năm tới” - đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhiều lần nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”. Thực tế ở tỉnh đã có cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm đã bị xử lý.
Ngày 18/7, BTV Tỉnh ủy ký ban hành Kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW. Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng; cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ. Cụ thể, có từ 15 - 20% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi; từ 25 - 35% cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ 20 - 25% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và ủy viên ban thường vụ cấp uỷ cấp huyện dưới 40 tuổi. Đối với cán bộ cấp xã: 100% có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác…
BTV Tỉnh ủy đang chỉ đạo tập trung, ưu tiên rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ và thực hiện nghiêm các quy chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ giữa các khâu trong tổ chức thực hiện; hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá, giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát quyền lực, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; thực hiện nghiêm quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.
Trong kết luận nêu: cùng với bố trí cấp ủy không phải người địa phương, thực hiện chức danh Chủ tịch UBND huyện không là người địa phương ở một số huyện; đẩy mạnh công tác luân chuyển, điều động trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương. Chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương; kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, ngăn chặn những tiêu cực trong công tác cán bộ, đồng thời có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để cấp phó, cán bộ dưới quyền trực tiếp tiêu cực, tham nhũng. Thực hiện hiệu quả các đề án, nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm sai phạm, kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức gây ách tắc, phiền hà trong cải cách hành chính, giải phóng mặt bằng, cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ nhà đầu tư có năng lực triển khai các dự án, đưa nhanh Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào cuộc sống.
(Còn nữa)
Lê Chung
(HBĐT) - Ba năm qua, với những kết quả nổi bật đạt được đã ghi nhận sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện Cao Phong. Trong đó, nổi bật là Ban Thường vụ (BTV), BCH Đảng bộ huyện đã phân công trách nhiệm cụ thể gắn với kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, quyết tâm đưa nhanh Nghị quyết Đại hội Đảng bộ (NQĐHĐB) huyện lần thứ XXVIII đi vào cuộc sống.
(HBĐT) - Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ (NQĐHĐB) huyện Cao Phong lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025) trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Từng bước xây dựng Cao Phong trở thành huyện nông thôn mới (NTM) theo tinh thần NQĐHĐB huyện lần thứ XXVIII.
(HBĐT) - Từ trung tâm xã Phú Vinh (Tân Lạc) về thôn Thỏi Láo, hai bên đường trải dài màu xanh của hoa màu, cây trái. Ít ai biết rằng, hơn 10 năm trước, nơi đây được xem là "vũng trũng” của Phú Vinh với tỷ lệ hộ nghèo gần 80%, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu thiếu thốn, đời sống người dân nhiều khó khăn… Trước khi thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, xóm năm 2019, xóm Thỏi Láo gồm xóm Thỏi và xóm Láo, 2 xóm thuộc 36 thôn, bản khó khăn nhất của tỉnh theo Quyết định số 73/QĐ-UBND, ngày 20/1/2014 của UBND tỉnh.
(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Mặc dù Chương trình giảm nghèo bền vững đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng tỉnh Hòa Bình còn có 1 huyện nghèo. Mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản còn cao. Số hộ nghèo giảm dần còn lại đa phần là các hộ thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, bệnh hiểm nghèo, không có khả năng lao động... dẫn đến giảm tỷ lệ hộ nghèo trong các năm tiếp theo sẽ khó khăn, góc nhìn đa chiều trong giảm nghèo vẫn là những thách thức.
(HBĐT) - Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được phê duyệt tại Quyết định số 3158/QĐ-UBND, ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh chiếm 26,14%, trong đó có 34.029 hộ nghèo, chiếm 15,49% số hộ toàn tỉnh. Bên cạnh mục tiêu quan trọng đưa huyện nghèo Đà Bắc thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tỉnh khẩn trương thực hiện các chính sách, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên toàn địa bàn.
(HBĐT) - Hầu hết các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tỷ lệ hộ nghèo áp dụng chuẩn nghèo đa chiều đến năm 2022 còn khoảng 35%; điều kiện địa hình chia cắt lại nằm trong khu vực trọng điểm thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất, huyện Đà Bắc là "vùng lõi nghèo”. Giai đoạn 2021 - 2025, nơi đây được công nhận là một trong 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh trên cả nước theo Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã ĐBKK.