Nhà máy nước thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được xây dựng năm 2006 từ nguồn vốn ngân sách, hoàn thành năm 2007, mới hoạt động khoảng 2 tháng thì giếng khoan bị sụt, chất lượng nước không đảm bảo. Từ đó đến nay, người dân thị trấn Đà Bắc vẫn chưa được dùng nguồn nước từ công trình. Thị trấn Đà Bắc là địa phương duy nhất trong tỉnh người dân chưa được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt đảm bảo. 


Khu vực giếng khoan công trình cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc).

Khảo sát công trình nước sinh hoạt cấp cho thị trấn Đà Bắc vào cuối tháng 7, hiện trạng vẫn còn trạm bơm, nhà máy nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Con đường bê tông dẫn lên nhà máy nước bị cây cối che khuất, cánh cửa nhà máy gỉ sét và khóa chặt. Phía bên trong chỉ còn lại 2 khối nhà xây, trụ, bể lọc nước bằng thép cũng đã hoen gỉ… Công trình không phát huy hiệu quả là nỗi bức xúc của người dân. Ông Quảng Đình Phi, Trưởng tiểu khu Đoàn Kết cho biết: Từ khi xây dựng đến nay, người dân thị trấn cơ bản không được dùng nước, nói vậy bởi nhà máy đi vào hoạt động một thời gian ngắn thì bị sập giếng nước và dừng hoạt động. Tiểu khu Đoàn Kết có trên 180 hộ dân với khoảng 700 nhân khẩu, hầu hết phải sử dụng nguồn nước mưa, khe lạch; một số hộ tận dụng nước giếng khoan sử dụng tạm.

Theo một người dân kinh doanh ở tiểu khu Liên Phương, nhà máy nước bỏ hoang, công trình xuống cấp nghiêm trọng, người dân thì không có nước sinh hoạt. Hệ thống đường ống dẫn tới các khu dân cư, qua mấy chục năm bới lên, đặt xuống coi như bị bỏ phí… Nhu cầu sử dụng nước của người dân hết sức căng thẳng, cứ vào mùa khô hàng năm, như năm ngoái, cả thị trấn như "công trường”, bà con thuê máy khoan, đặc biệt những máy khoan công nghiệp khoan sâu hàng chục mét mới có nước… 

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Đà Bắc cho biết: Thị trấn Đà Bắc có khoảng 8.000 dân, cùng với đó có hàng trăm cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Việc không có nước sạch sử dụng trong nhiều năm qua khiến cuộc sống sinh hoạt người dân, hoạt động của các cơ quan, đơn vị hết sức khó khăn. Hiện có khoảng 5.000 dân không được sử dụng nước sạch, tập trung ở các tiểu khu: Thạch Lý, Liên Phương, Đoàn Kết, một phần tiểu khu Lâm Lý, Tân Lý, Mu… Còn lại 3.000 người dân được sử dụng nguồn nước từ chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Tú Lý. Nguồn nước hiện được người dân sử dụng từ các mó, khe, lạch trên địa bàn nhưng không ổn định. Nguồn nước giếng khoan thì không đảm bảo vì nhiều giếng nước nhiễm Asen, một số gia đình có điều kiện sử dụng máy lọc nước. Không có nước sạch ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Người dân liên tục kiến nghị trong khi vấn đề cấp nước ngoài tầm xử lý của địa phương. 

Theo báo cáo của các đơn vị liên quan, dự án cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc được UBND tỉnh đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Năm 2007 công trình hoàn thành, UBND tỉnh bàn giao cho Công ty TNHH MTV kinh doanh nước sạch Hòa Bình (nay là Công ty CP nước sạch Hòa Bình) quản lý, khai thác. Tuy nhiên, công trình vận hành được 2 tháng phải tạm ngừng vì chất lượng nước không đảm bảo tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Sau khi ngừng cấp nước hơn 1 tháng thì giếng nước ngầm của trạm xử lý bị sập hoàn toàn, dẫn đến công trình không có nguồn nước để bơm lên xử lý. Đến nay công trình đã bị hư hỏng, sập giếng khoan, nguồn nước thô không cấp được cho khu xử lý của công trình; các hạng mục xây dựng xuống cấp, hư hỏng, thiết bị hoen gỉ. Các tuyến ống phân phối và dịch vụ bị gãy, vỡ, hư hại do ảnh hưởng bởi quá trình nâng cấp đô thị khu vực thị trấn Đà Bắc trong nhiều năm qua. Hầu hết các nguồn nước của người dân thị trấn Đà Bắc đều không đảm bảo hợp vệ sinh. Người dân mong mỏi một động thái cụ thể từ chính quyền và các cơ quan chức năng để có giải pháp cấp nước cho bà con.
(Còn nữa) 


Lê Chung

Các tin khác


Hành trình tìm về “địa chỉ đỏ” miền Trung: Bài 3 - Linh thiêng vùng đất lịch sử cách mạng Quảng Trị

Nằm trên dải đất hẹp miền Trung, được ví như điểm tì vai gánh 2 đầu đất nước, địa danh lịch sử Quảng Trị in hằn chứng tích về cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Kết thúc chiến tranh, hơn 55 nghìn liệt sỹ đã hy sinh và yên nghỉ tại các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh. Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương, mà đã thành biểu tượng, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng.

Hành trình tìm về “địa chỉ đỏ” miền Trung: Bài 2 - Bên mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Những ngày tháng 7, trên vùng đất văn hóa, lịch sử Quảng Bình, hàng nghìn du khách và người dân tìm về Vũng Chùa - Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch để dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - danh tướng huyền thoại, vị tướng của lòng dân, "người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX "văn võ song toàn”, "đức tài trọn vẹn”.

Hành trình tìm về “địa chỉ đỏ” miền Trung: Bài 1 - Thăm Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc

Tháng 7, hàng vạn người dân và du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm về các "địa chỉ đỏ” trên dải đất miền Trung tham quan, tìm hiểu về truyền thống, bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân những người có công lao to lớn đối với độc lập, tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Không khí tại các điểm đến về nguồn trang nghiêm, thành kính.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Những dấu ấn trong lòng dân

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho cơ sở với những chỉ đạo, gợi mở giúp địa phương phát triển bền vững, đời sống người dân được ấm no, hạnh phúc.


Công an tỉnh: Giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức xây dựng lực lượng vững mạnh

Trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Công an tỉnh đã tổ chức đoàn công tác dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Chuyến đi không chỉ là cuộc hành hương về với địa danh lịch sử mà còn là đợt sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS) trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, phát huy tinh thần "hào khí Điện Biên” trên mặt trận giữ gìn an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm...

Ân tình tháng 7 ở xã Phú Vinh

Thấm nhuần truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, "Đền ơn - đáp nghĩa” của dân tộc, những ngày tháng 7 nghĩa tình, các cấp ủy Đảng, chính quyền xã Phú Vinh (Tân Lạc) tổ chức nhiều hoạt động tri ân bày tỏ lòng biết ơn với thế hệ cha anh đi trước đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục