Những ngày tháng 7, trên vùng đất văn hóa, lịch sử Quảng Bình, hàng nghìn du khách và người dân tìm về Vũng Chùa - Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch để dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - danh tướng huyền thoại, vị tướng của lòng dân, "người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX "văn võ song toàn”, "đức tài trọn vẹn”.


Trong chuyến hành hương về "địa chỉ đỏ" miền Trung, những người lính thời chiến và thời bình của Hoà Bình thành kính tri ân trước anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vị danh tướng huyền thoại ấy là người chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong thế kỷ XX. Suốt cuộc đời cách mạng hơn 80 năm, ông đã có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ông là Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy các chiến dịch lớn, như: Chiến dịch Việt Bắc (1947), Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952), Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chiến dịch Thượng Lào (1953) và đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, những kế hoạch chiến lược và phương án tác chiến của ông góp phần đánh bại các chiến lược của quân đội Mỹ. Ngày 7/4/1975, Đại tướng ra mệnh lệnh cho toàn quân: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa” góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông cũng là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhân dân yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ toàn quân.    

Đã 11 năm trôi qua kể từ khi Đại tướng mất, nơi ông an nghỉ vĩnh hằng tại Vũng Chùa - Đảo Yến trở thành điểm hội tụ hàng triệu tấm lòng người dân cả nước hướng về. Nằm ở địa thế nhìn ra một hòn đảo xinh đẹp giữa vũng biển nhỏ, cách trung tâm TP Đồng Hới chừng 75 km, cách đèo Ngang - Hoành Sơn quan Quảng Bình khoảng 4 km, khu mộ người Đại tướng của nhân dân có vị trí khá gần với quê hương của ông là huyện Lệ Thủy, được bao bọc bởi 3 hòn đảo bình phong là Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm. Việc sử dụng vật liệu phiến đá xanh nguyên khối lấy từ núi Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) để xây lăng mộ Đại tướng có ý nghĩa bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đối với bậc hiền tài đã khuất.

Người dân địa phương cho biết, nơi Đại tướng yên nghỉ từ trước đến nay thường có nhiều chim yến kéo nhau về làm tổ và sinh sống nên mới có tên gọi đảo Yến. Khu mộ ông đặt trên sườn núi Rồng, hướng ra phía Nam là biển, phía Bắc là đất liền, hội tụ đủ 3 yếu tố phong thủy: bối sơn (tựa lưng vào núi), diệp thủy (trước mặt là nước), hướng dương (hướng ra biển lớn, hướng về phía mặt trời). Đặc biệt, Vũng Chùa có cảnh sắc khoáng đạt, sơn thủy hữu tình với núi nhô ra tận biển, tạo nên một miền thiên nhiên tươi đẹp, không gian có nhiều cây xanh, khí hậu mát mẻ, trong lành.

Hàng năm có rất đông du khách trong nước, quốc tế đến Quảng Bình tham quan. Nơi an nghỉ của Đại tướng nằm trong cụm di tích, danh thắng thuộc quần thể du lịch lịch sử, du lịch tâm linh phía Bắc Quảng Bình. Trước đây, việc quản lý, trông coi, hướng dẫn người dân vào viếng mộ Đại tướng do một đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Quảng Bình đảm nhiệm, hiện do gia đình Đại tướng đảm trách. Từ cuối năm 2023, sau thời gian tạm dừng để tu sửa một số hạng mục công trình trong khuôn viên, khu mộ Đại tướng mở cửa trở lại đón khách thăm viếng. Khu vực bãi đỗ xe, nhà đón tiếp khách, nơi đăng ký vào viếng mộ Đại tướng được hoàn thiện, công năng phục vụ tốt hơn.

Thời gian viếng mộ Đại tướng được quy định buổi sáng từ 7h - 11h30, buổi chiều từ 13h30 - 17h hàng ngày. Thể theo di nguyện của Đại tướng, sau khi ông an nghỉ, những người đến thăm không được cúng tiễn bất kỳ lễ vật nào, kể cả hoa quả để tránh lãng phí, cũng là để tất cả những người yêu mến ông dù bất kỳ tầng lớp nào cũng có thể ghé qua viếng mộ mà lòng nhẹ nhõm, ấm tình người chứ không vì hình thức hay vật chất.

Bà Phạm Thị Mai Thanh, cựu chiến binh đến từ TP Hải Phòng cho biết: Từ khi Đại tướng an nghỉ, đây là lần đầu tiên tôi cùng các anh chị em trong đoàn lính cựu đến thăm viếng phần mộ ông, được hòa vào không gian linh thiêng, tĩnh lặng này. Đó cũng là nguyện vọng từ lâu được hành hương về đất Quảng Bình, thắp nén hương thơm bên phần mộ, tri ân anh linh vị Đại tướng lừng danh.

Trong dịp cuối tuần, nhất là vào các ngày lễ trọng như Tết Nguyên đán, ngày Giải phóng miền Nam 30/4, Quốc tế Lao động 1/5, Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, Thương binh - Liệt sỹ 27/7, Quốc khánh 2/9..., khu mộ Đại tướng đón hàng trăm đoàn khách từ mọi miền Tổ quốc đến thăm viếng. Về bên mộ Đại tướng, dòng người hành lễ, dâng hương luôn giữ trật tự, trang nghiêm, có ý thức mặc trang phục chỉnh tề, lịch sự, không làm ồn ào hay có hành động thiếu chuẩn mực. Anh Tô Hữu Quang đến từ tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những "địa chỉ đỏ” giúp hành trình về nguồn của thế hệ trẻ chúng tôi thêm ý nghĩa, hiểu nhiều hơn về lịch sử nước nhà, sống lại những giây phút kháng chiến hào hùng và càng thêm tôn kính, biết ơn sâu sắc đối với các vị anh hùng dân tộc nói chung, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói riêng đã đóng góp công sức lớn cho hòa bình, độc lập dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

(Còn nữa)



Bùi Minh

Các tin khác


Sáng mãi tinh thần thanh niên xung phong

Để có được nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước như ngày hôm nay, ngoài sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của lực lượng quân chủ lực còn có sự đóng góp quan trọng của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP). Dù không trực tiếp cầm súng nhưng họ là những người đã âm thầm, lặng lẽ không sợ gian khổ, hy sinh ngày đêm phục vụ cho tiền tuyến.

Xanh thẳm rừng Nhuội

Có một điều đặc biệt là không chỉ người lớn mà đến cả những đứa trẻ từ 5 - 10 tuổi ở xóm Nhuội nói riêng và cả xã Đa Phúc (Yên Thủy) nói chung đều có ý thức giữ rừng một cách mãnh liệt. Chẳng vậy mà cho đến nay, ngoài diện tích đất sản xuất thì có đến hơn 90% diện tích tự nhiên của Đa Phúc là rừng. Đáng quý ở chỗ, phần lớn diện tích rừng nơi đây là rừng tự nhiên. Trong đó có những quần thể rừng nguyên sinh với những giống loài đặc hữu vô cùng quý giá như quần thể 13 "cụ” chò chỉ nghìn năm tuổi vẫn sinh trưởng mạnh mẽ, thẳng tuốt đến ba, bốn chục mét, cả chục người ôm không hết...

Viết tiếp bản hùng ca từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Đó là việc mà các cơ quan báo chí, người làm báo tỉnh Hòa Bình đã tập trung triển khai, thực hiện có chiều sâu, hiệu quả trước, trong và sau Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Bằng các tác phẩm báo chí nhằm góp sức tạo sự lan tỏa tinh thần, hào khí Điện Biên Phủ cho hôm nay và mai sau.

Nghĩa tình Hòa Bình - Hủa Phăn
Bài 3 - Nâng tầm quan hệ hữu nghị, hợp tác Hòa Bình - Hủa Phăn

Bên cạnh khó khăn, hạn chế về điều kiện hạ tầng cơ sở, chất lượng nguồn nhân lực tỉnh miền núi nghèo Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) cũng có không ít yếu tố tiềm năng, lợi thế để phát triển, hình thành điểm đến văn hóa, du lịch trong tương lai gần.

Nghĩa tình Hòa Bình - Hủa Phăn
Bài 2 - Công trình tô thắm tình hữu nghị trên đất Hủa Mường

Sáng 3/6/2024, sau gần 2 giờ di chuyển từ thị trấn Sầm Nưa, vượt qua nhiều cung đường khó, đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Hòa Bình đã đến huyện Hủa Mường, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào tham dự sự kiện: Khánh thành và bàn giao Dự án xây dựng Trường THPT huyện Hủa Mường. Đây là dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Lào, do UBND tỉnh Hòa Bình và Uỷ ban chính quyền tỉnh Hủa Phăn thực hiện. Tỉnh Hòa Bình được Chính phủ giao làm chủ dự án. 

Nghĩa tình Hòa Bình - Hủa Phăn
Bài 1 - Dấu ấn tăng cường quan hệ hợp tác 2 tỉnh Hòa Bình - Hủa Phăn

Quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ngợi ca bằng những vần thơ bất hủ: "Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”. Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi may mắn được tham gia đoàn công tác của tỉnh Hòa Bình đi công tác tại tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào để cảm nhận và hiểu rõ hơn về quan hệ đặc biệt thủy chung, son sắt ấy.   

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục