Tháng 7, hàng vạn người dân và du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm về các "địa chỉ đỏ” trên dải đất miền Trung tham quan, tìm hiểu về truyền thống, bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân những người có công lao to lớn đối với độc lập, tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Không khí tại các điểm đến về nguồn trang nghiêm, thành kính.
Người dân từ mọi miền dâng hoa, thắp hương trước mộ 10 nữ anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc.
Hướng về các "địa chỉ đỏ” trên dải đất miền Trung, những người đồng đội, bạn bè, đồng nghiệp từ nhiều tỉnh, thành phố không hẹn mà hội tụ tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt này trên hệ thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nơi tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) đã anh dũng hy sinh, hiến trọn tuổi thanh xuân để nối liền mạch máu giao thông "hậu phương lớn” với "tiền tuyến lớn”, lưu dấu trang sử hào hùng của mảnh đất thiêng liêng một thời nhuộm "máu và hoa”.
Bao năm trôi qua, ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc, sự hy sinh anh dũng của các nữ liệt sỹ TNXP vẫn vẹn nguyên giá trị, là biểu tượng sáng ngời về ý chí, sức mạnh quật cường, tinh thần dũng cảm của quân và dân ta. Chị Nguyễn Thị Thúy Hòa, nhân viên thuyết minh Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc xúc động kể: Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc có địa thế hiểm yếu, nằm ở vị trí giao thông huyết mạch giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 Hà Tĩnh. Nhằm cắt đứt con đường chi viện của miền Bắc cho miền Nam, không quân Mỹ đã liên tục cho máy bay ném bom đánh phá. Ước tính, mỗi m2 ở ngã ba Đồng Lộc phải gánh 3 quả bom tấn. Từng tấc đất bị bom cày xới chi chít khiến cây cối còn không mọc lên được.
Vào trưa 24/7/1968, Tiểu đội 4 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 552 được lệnh san lấp hố bom tại khu vực địch vừa ném xuống để thông đường cho xe đi qua. Nhận nhiệm vụ, các chị đã đến hiện trường gấp rút san lấp, mở đường. Đến 16h30, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi trúng 10 cô gái khiến cả trận địa như chết lặng rồi vỡ òa bởi tiếng khóc. Các cô gái đã hy sinh ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời...
Thắp 10 nén nhang thơm, đứng lặng hồi lâu trước khu mộ các nữ anh hùng TNXP, anh Nguyễn Trọng Tư ở huyện Vân Hồ (Sơn La) chia sẻ: Tôi từng được học, được nghe qua chuyện kể lịch sử, cũng đã xem phim Ngã ba Đồng Lộc không dưới 3 lần nhưng đến viếng mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP, trong bầu không khí lắng đọng, trang nghiêm, tôi không khỏi bồi hồi, bao cảm xúc dâng trào, trang sử đau thương mà hào hùng như tái hiện trước mắt.
Hiện nay, trong khu di tích, vị trí hố bom nơi 10 cô gái TNXP hy sinh vẫn còn đó. Gần kề khu mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP là Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ TNXP toàn quốc - công trình khắc tên gần 4.000 anh hùng, liệt sỹ TNXP trên cả nước, trong đó có hàng trăm liệt sỹ đã anh dũng hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc nhằm bày tỏ sự tri ân những người không tiếc xương máu vì nước, vì nhân dân. Trên nền đất chi chít hố bom xưa giờ là Tượng đài Chiến thắng, biểu tượng của sức mạnh, ý chí vượt mọi gian nan của các lực lượng TNXP, dân quân, du kích, bộ đội, công an... Xung quanh chân tượng đài là biểu tượng cho trận đánh ở ngã ba Đồng Lộc được khắc họa với đạn bom, khói lửa và cả những vầng mây tượng trưng cho hòa bình, hy vọng và màu xanh bất diệt của bầu trời Đồng Lộc.
Bên cạnh Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ TNXP toàn quốc, khu mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP, rất đông người dân và du khách thăm Nhà truyền thống Ngã ba Đồng Lộc. Tại đây có một sa bàn điện tử miêu tả sự kiện ngã ba Đồng Lộc với hình ảnh sinh động về cuộc chiến khốc liệt năm xưa, cũng như ý chí quyết tâm thông đường, thông xe, tinh thần dũng cảm, can trường của quân và dân ta tại vị trí "tọa độ chết” này. Nhà truyền thống lưu giữ nhiều hiện vật quý, như bức thư của chị Võ Thị Tần gửi mẹ 5 ngày trước khi hy sinh; sổ ghi bài hát của chị Trần Thị Hường, bộ quần áo của chị Dương Thị Xuân, hình ảnh 10 cô gái phục chế... Tiếp đó, tham quan Nhà truyền thống lực lượng TNXP toàn quốc để hiểu hơn về huyền thoại ngã ba Đồng Lộc, tìm hiểu những chứng tích thời kỳ lịch sử bi hùng được trưng bày tại đây với hàng trăm hiện vật gốc cùng nhiều hình ảnh, tư liệu giá trị về cuộc sống lao động, chiến đấu của lực lượng TNXP.
Tham quan khu di tích, các đoàn khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc - một trong những tháp chuông đẹp nhất Việt Nam. Tháp cao 37m, gồm 7 tầng, 8 mái, tọa lạc trên đồi Mũi Mác với vẻ sừng sững, uy nghi, trên đỉnh treo quả chuông nặng 5,7 tấn, tháp là biểu tượng công cao đức dày của tổ tiên, tinh thần chiến đấu, hy sinh cao cả của lớp cha anh đi trước, ý chí quyết tâm vươn lên xây dựng quê hương phồn vinh, hạnh phúc của các thế hệ con cháu sau này. Cạnh tháp chuông là đền thờ các chư vị thần linh, chân linh các anh hùng liệt sỹ TNXP hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến, các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc, cán bộ và nhân dân tử nạn nơi chiến trường Đồng Lộc năm xưa.
Trong khu di tích còn có một số công trình ý nghĩa, tiêu biểu như: Cụm tượng 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc mô tả sự ác liệt của chiến tranh, khắc họa tinh thần lạc quan cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam, tái hiện khoảnh khắc 10 cô gái TNXP làm nhiệm vụ san lấp hố bom, dẫn đường thông xe ra tiền tuyến; Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ngành Giao thông vận tải (GTVT), ghi danh và tưởng niệm 842 anh hùng liệt sỹ ngành GTVT đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Cột biểu tượng ngành GTVT nhằm tôn vinh chiến công oanh liệt của những chiến sỹ GTVT, ghi dấu địa danh Ngã ba Đồng Lộc, gương hy sinh anh dũng của 10 cô gái đã góp phần tô thắm trang sử truyền thống vẻ vang của ngành GTVT trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.
Đến với khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, tìm về "địa chỉ đỏ”, hàng triệu người con từ khắp mọi miền thành kính dâng hương tưởng niệm, tri ân và tự nhủ phải sống trách nhiệm, nghĩa tình, xứng đáng với những anh hùng liệt sỹ đã cống hiến cuộc đời, những người hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc toàn thắng.
(Còn nữa)
Bùi Minh