Hòa Bình, cái nôi của nền "Văn hoá Hoà Bình” và cũng là điểm đến thú vị, hấp dẫn du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú, con người chân chất, thân thiện, hiếu khách. Cùng với bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc Kinh, Mường, Tày, Thái, Dao, Mông…, Hòa Bình còn được biết đến là "thủ phủ” của ẩm thực Tây Bắc với các món ăn lạ, độc đáo. Ở một góc độ nào đó, ẩm thực các dân tộc ở Hòa Bình đã được nâng lên tầm văn hóa ẩm thực. Tại các lễ hội, ngày Tết hay những ngày có ý nghĩa đối với dòng họ, thôn, bản, gia đình, các món ăn đặc sản được dịp biện lễ, tạo dấu ấn đối với du khách…


Cỗ lá dân tộc Mường được giới thiệu, quảng bá tới du khách tại các sự kiện văn hóa - du lịch của tỉnh. Ảnh: B.M

Người Mường có mặt ở 10 huyện, thành phố, chiếm trên 63% dân số toàn tỉnh. Các món ăn hấp dẫn của người Mường có thể kể đến như: cá nướng, cá đồ, măng chua nấu thịt gà, chả cuốn lá bưởi, lợn thui luộc, thịt lợn muối chua, măng đắng, thịt trâu nấu lá lồm, rau rừng thập cẩm đồ, xôi các màu, cơm lam, canh loóng, rượu cần, bánh uôi… Trong đó, món gà nấu măng chua đã làm nên "thương hiệu” ẩm thực Hòa Bình. Gà nuôi thả, có trọng lượng khoảng trên 1 kg được làm sạch, bỏ riêng nội tạng. Chặt thịt gà ra nhiều miếng nhỏ đem ướp với măng chua (măng giang, măng bương càng muối lâu càng tốt), cùng với gia vị bóp ướp để từ 20 - 30 phút cho ngấm hương vị của măng cùng gia vị vào miếng thịt. Sau đó cho vào nồi vần quanh bếp củi than khoảng 1 - 2 giờ. Khi thịt gà và măng chín nhừ, rắc thêm một chút hạt dổi nướng giã nhỏ.

Rượu cần là loại rượu không thể thiếu trong gia đình người Mường khi tiếp khách, vui chơi, trong đám cưới,mừng nhà mới, thờ cúng, lễ tạ... Tục uống rượu cần thể hiện cách uống theo nhóm người, đông và vui. Trong tiệc rượu, mọi người ngồi quây tròn bên nhau, cùng thưởng thức cái êm nồng, dịu ngọt, ngây ngất của rượu cần cùng với tiếng chiêng tràn ngập không khí lễ hội. Tuy hết sức dân dã nhưng món rau đồ cũng đem đến cho thực khách sự bắt mắt, ngon miệng trong các bữa ăn. Món rau đồ quen thuộc gồm cả rau rừng, lá thuốc, các loại lá thập cẩm trong vườn nhà (hoa chuối, lá đu đủ, rau beo, rau tầm bóp, cà quẹng, rau đốm…) được đồ khoảng 30 - 40 phút. Lúc ăn chấm nước lòng cá tạo nên sự đan xen trong vị giác (chút đắng, cay, chua, chát, ngọt, bùi…).

Từ bao đời, người Thái Mai Châu đã góp nên nét bản sắc độc đáo trong cộng đồng các dân tộc Hòa Bình. Trong đó, sự phong phú về ẩm thực cũng là điều ghi nhận. Tại các bản văn hóa du lịch cộng đồng ở Mai Châu hôm nay, du khách tìm đến cũng mong được thưởng thức các đặc sản ẩm thực, bên cạnh "món ăn" tinh thần như dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống, kiến trúc nhà sàn, trang phục dân tộc… Tập quán sinh hoạt, tập quán canh tác đã cho người Thái một kho tư liệu về các món ăn truyền thống như: cơm lam, lạp bò, nậm pịa, thịt trâu khô, măng đắng, thịt chuột rừng, rượu cần… Nhiều món cũ vẫn có được đời sống riêng, tại các điểm du lịch hiện nay bà con tiếp tục học hỏi để nâng tầm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách.

Xôi nếp Mai Châu từng được đi vào thi ca với câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Quang Dũng: "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” (Tây Tiến)… Nếp được ngâm nhiều giờ trước khi đồ. Người phụ nữ Thái đồ xôi bằng chõ gỗ. Nếp tự chín bằng hơi chứ không bằng nấu. Việc chế biến khá kỳ công và khéo léo. Nếp xôi thường được ăn với thịt gà đồi, cá suối nướng, thịt lợn bản. Cơm lam Mai Châu được làm từ nguyên liệu gạo nếp, ống nứa (tre), lá chuối…, bằng cách bỏ gạo nếp vào ống tre đã chọn lọc và nút lại bằng lá chuối khô. Đốt một đống lửa to, chờ lửa cháy đượm xếp các ống cơm lên. Trong lúc nướng phải xoay ống tre thật đều. Người có kinh nghiệm không cần bấm giờ vẫn có thể biết cơm đã chín chưa thông qua mùi vị tỏa lên xung quanh. Khi thưởng thức, vị dẻo của gạo nếp hòa quyện mùi thơm của ống tre và lá chuối tạo nên hương vị đặc biệt. Mỗi buổi sáng sớm, tại các bản làng đang phát triển mạnh du lịch của Mai Châu với nhiều homestay như bản Lác, bản Văn, Poom Coong, Nhót… đều có hình ảnh người phụ nữ Thái nướng cơm lam bán cho du khách gần xa.


Với cách làm truyền thống kết hợp nguyên liệu thành phần nước khoáng tự nhiên, các gia đình ở xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) đã tạo dựng thương hiệu cho đặc sản "Cơm lam Mường Động" và phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: BM

Các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Mông… cũng góp vào danh mục thực đơn nhiều món ăn độc đáo, được du khách thích thú. Nếu người Tày có các món chủ đạo như: mắm cá, cá chua, thịt gà giò nấu canh gừng nghệ, bánh giò thì dân tộc Dao có món đặc sản đồ uống là rượu hoẵng, thịt chua. Mỗi dân tộc đều có nét riêng trong các món ăn tạo nên sự khác biệt, phong phú trong văn hóa ẩm thực của Hòa Bình. Chính điều đó là nền tảng quan trọng cho du lịch ngày một phát triển. Mỗi khi đến Hoà Bình, du khách có ấn tượng, thích thú khi được thưởng thức những món ăn có từ lâu đời của cộng đồng các dân tộc nơi đây…

(Còn nữa)

V.T (TH)


Các tin khác


Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 5 - Du lịch, dịch vụ - cỗ máy tăng trưởng mới

Cách đây mấy năm, tỉnh Hòa Bình vẫn còn là cái tên khá mờ nhạt trên bản đồ du lịch miền Bắc. Đến năm 2024, tỉnh đã đón khoảng 4,3 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 4.738 tỷ đồng, chiếm trên 31% GRDP. Không chỉ là con số, đó là dấu mốc cho thấy du lịch - dịch vụ đã trở thành một cỗ máy tăng trưởng mới của địa phương.

Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 4 - Công nghiệp không còn là “vai phụ”

Năm 2024, hai con số ấn tượng đã được ngành công nghiệp tỉnh Hoà Bình xác lập. Đó là 15,24% - mức tăng trưởng chưa từng có và 44% GRDP - một cột mốc lịch sử. Công nghiệp xứ Mường không còn là "vai phụ” mà dần trở thành trụ cột, định hình tương lai nền kinh tế vùng đất cửa ngõ Tây Bắc.

Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 3 - thành quả trên đồng đất xứ Mường

Năm 2020, trên mỗi hecta đất sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Hòa Bình, giá trị thu nhập đạt 130 triệu đồng. Sau 4 năm, với những chuyển mình táo bạo trong cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng, con số ấy đã tăng lên 200 triệu đồng/ha - mức tăng 53,85%. Đặc biệt, với những cây trồng chủ lực, thu nhập trên một đơn vị diện tích thậm chí đạt 250 triệu đồng/ha, tăng 92,31% - một bước nhảy vọt mà chính những người nông dân lâu năm cũng bất ngờ.

Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 2 - Nhận diện khó khăn, vượt qua thử thách

Không có thành công nào dễ dàng, đặc biệt với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Hòa Bình. Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, địa phương gặp nhiều thách thức từ cơ sở hạ tầng yếu kém, khó khăn trong thu hút đầu tư, đến rào cản về nhận thức.

Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 1 - Tạo sức bật cho nền kinh tế

Những con đường mới rộng thênh thang; khu công nghiệp rộn ràng nhịp máy; cánh đồng rau hữu cơ trải dài xanh mướt; khu du lịch thơ mộng mà giàu bản sắc… tất cả vẽ nên bức tranh đầy sức sống của tỉnh Hòa Bình hôm nay. Sự quyết tâm và đồng lòng từ các cấp uỷ, chính quyền đến người dân đã tạo nên những đổi thay từ hành trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng (ĐMMHTT).

Hé lộ bí ẩn bên trong “ngôi nhà” hơn 2 vạn năm tuổi ở huyện Mai Châu

Từng là nơi người dân cột trâu sau một ngày dài chăn thả, kéo cày giúp làm ra hạt lúa, củ khoai... Không ai ngờ, nơi mái đá có thế cánh cung khiến mưa không hắt, nắng không chiếu đến, nhưng ánh sáng vẫn có thể ngập tràn phía trong từng là nơi tổ tiên người Việt cổ đã sinh ra, lớn lên, lấy việc săn bắn, hái lượm để sống. Những bí ẩn nơi mái đá được chôn giấu cả vạn năm chỉ mới được hé lộ cách đây chưa lâu bởi các chuyên gia khảo cổ trong và ngoài nước...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục