Mấy tháng này anh Anh Đỗ Viết Chanh nhìn cái tủ lạnh mới mua chưa một lần sử dụng mà thấy xót xa

Mấy tháng này anh Anh Đỗ Viết Chanh nhìn cái tủ lạnh mới mua chưa một lần sử dụng mà thấy xót xa

(HBĐT) - Nằm ngay gần công trình thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á, thế nhưng mấy chục năm nay, 69 hộ dân ở đây không biết đến “mùi” điện. Đêm đêm nhìn thủy điện Hòa Bình bừng sáng ngay trước mắt, họ lại càng thêm khát khao ánh sáng điện được thắp lên trong mỗi ngôi nhà.

 

Có đường điện, ti vi, tủ lạnh nhưng không có …điện

 

Dẫn chúng tôi đi đến từng hộ dân trong xóm ông Trịnh Hữu Lũy- trưởng xóm Tháu, xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình cho biết: Dự án lắp điện mới cho xóm Tháu và đồng thời nâng cấp đường điện cho xóm Vôi, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong được thi công từ tháng 9/2009 đến nay đã nghiệm thu xong. Các hộ mua dây lắp từ công tơ điện về tận nhà. Chi nhánh điện huyện Cao Phong đã đóng điện thử tải đường dây được 15 phút. Nhiều nhà nghĩ sắp có điện nên đã mua ti vi, tủ lạnh, quạt và các thiết bị điện khác để dùng. Nhưng mấy tháng nay, sau lần thử tải đó, người dân vẫn phải sử dụng đèn dầu.

 

Nhắc đến cái ti vi, ông Nguyễn Khắc Kính lật tấm vải cho chúng tôi xem rồi bảo: Ngay khi đường điện đang thi công, tôi đi tìm mua một chiếc ti vi cũ với giá 1 triệu đồng của một người quen. Hi vọng có điện về được xem ti vi cả nhà háo hức mấy chục năm nay. Ngoài mua ti vi, ông lắp hết bóng điện gian nhà, gian bếp đợi có điện là dùng được luôn.

 

Cũng như ông Kính, anh Đỗ Viết Chanh mua sắm các thiết bị điện để chờ điện về. Nhưng anh “đầu tư” nặng tay hơn. Anh mua hết gần 4 triệu đồng gồm ti vi và tủ lạnh. Chờ không thấy có điện, anh cuấn chiếc tủ lạnh trong cái bao tải để ở góc nhà. Anh bảo: Trên này hay có sương mù. Sáng ra thì sương làm ướt hết nhà. Tủ lạnh không dùng nên tôi buộc chặt lại nếu không thì ướt hỏng hết. Chiếc ti vi tôi mua mới tinh giờ phải đem xuống cho một người quen ở thành phố Hòa Bình dùng  hộ. Nghe tin sắp có điện, tôi mua điện thoại di động về dùng. Ở đây có sóng điện thoại nhưng không có điện. Mấy tháng nay, tôi phải thường xuyên xuống thành phố gần 10 cây số để xạc nhờ. Mỗi lần xạc mất gần hết buổi sáng. 

 

Không chỉ có nhà ông Kính, anh Chanh mà nhiều nhà trong xóm như gia đình ông Đồi, ông Chiều, ông Phổ, ông Thọ… mua ti hoặc tủ lạnh, quạt về cũng để trùm bao tải. Cũng theo ông Lũy, Chi nhánh Vietel tại Hòa Bình cũng đã tặng xóm gần 20 chiếc điện thoại không dây. Nhưng đến nay, điện thoại cũng bỏ xó. Cách đây vài hôm, lợi dụng đường dây không có điện kẻ gian đã lấy trộm 160m dây điện của xóm. Việc trông coi đường dây là rất khó khăn. Ở xóm có một trạm biến áp được treo biển rõ to: “Trạm biến áp xóm Tháu”. Nhưng trạm này chỉ phục vụ dân xóm Vôi đi qua xóm Tháu 4km. Nhiều hộ nhà ngay dưới đường dây điện nhưng chỉ để “ngắm”.

 

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Chi nhánh điện huyện Cao Phong cho biết: Hiện nay đường điện ở xóm Tháu còn vướng mắc việc giải toả hành lang đường điện giữa người dân và đơn vị thi công nên chưa thể cấp điện cho xóm. Trách nhiệm này thuộc đơn vị thi công công trình. Khi nào đường điện an toàn thì Chi nhánh đóng điện cho xóm.

 

Xóm nhưng không phải là … xóm     

 

Xóm Tháu xưa là xóm ven sông Đà. Khi xây dựng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, dân cư ở đây đã phải chuyển đi nơi khác. Sau khi nhà máy xây dựng xong, dự án trồng rừng phòng hộ được triển khai, một số hộ dân thuộc phường Chăm Mát, Phương Lâm, Đồng Tiến đã thực hiện trồng rừng theo dự án 327. Tuy nhiên, đến lúc này hầu hết người dân đều trồng rừng gần như không ai bám trụ lại trên mảnh đất. Đúng thời điểm đó, rất nhiều bà con nông dân thuộc các tỉnh dưới xuôi như Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam… lên đây mua lại vừa bảo vệ rừng, vừa phát triển trồng cây ăn quả. Đến nay, xóm Tháu đã có 69 hộ sinh sống và có 50 hộ thường trú. Ông Lũy cho biết thêm: Xóm chúng tôi đề xuất rất nhiều lần để chính thức thành lập xóm, nhưng các cơ quan chức năng vẫn không đồng ý. Do vậy, mọi người vẫn nhắc đến địa danh là xóm Tháu nhưng về pháp lý thì không ai công nhận đây là xóm.

 

Khi xóm Tháu chưa được công nhận đồng nghĩa với việc điện, trường trạm đều không có. Hầu hết con em của các hộ dân ở đây đều phải gửi đi học ở nơi khác. Nếu không thì bố mẹ phải đưa đi đón về 4 lần/ ngày. Anh Chanh cho biết thêm: Tôi có 2 cháu  nhưng đành phải gửi ông bà nội ở Bắc Ninh để đi học. Tuy biết các cháu xa bố mẹ sẽ thiếu thốn đủ thứ  nhưng chẳng còn cách nào khác. Anh Lũy cũng cho ,anh có 2 đứa con, một học cấp 1 và 1 học cấp 2. Đứa lớn có thể đi xe đạp đi học. Còn đứa nhỏ thì phải đưa đi đón về. Sáng nào anh phải đưa đi học gần 10km, trưa lại đón về. Nhà trường không tổ chức bán trú nên chiều anh phải đưa đi và tối phải đi đón. Cái chức danh Trưởng xóm của anh chỉ là “hư danh”. Gọi là Trưởng xóm nhưng thực anh chẳng có quyền gì cả. Hàng tháng không có phụ cấp. Trong xóm là người dân nhiều nơi đến đây nên thường xuyên xảy ra xích mích, mâu thuẫn, việc đứng ra giải quyết không có hiệu lực và trách nhiệm chưa cao. Qua 2 đời trưởng xóm trước cũng trong tình cảnh tương tự. Anh Quách Văn Thống là công an viên của xóm nhiều năm nay. Được tiếng là thế nhưng tình cảnh của anh chỉ là “mõ” của xóm vì từ ngày có “chức” này anh chưa nhận được một đồng phụ cấp nào. Mỗi lần sang xã họp, anh Lũy và anh Thống mang tiền nhà đi mua xăng đổ vào thuyền để chạy.  Ngoài không điện, trường, trạm thì xóm Tháu không có nhà văn hóa. Tuy vậy, năm nào xã Thái Thịnh cũng công nhận cho nhiều hộ trong xóm là gia đình văn hóa.    

 

Anh Thái Văn Thoát, người từ Hà Nam lên mua vườn cách đây đã 10 năm cho biết: “Cả gia đình tôi đã chuyển hộ khẩu về đây cả rồi. Nương vườn ở quê đã bán hết, quay về quê là điều không thể còn ở đây nếu tiếp tục kéo dài tình trạng thế này thì khổ quá. Ngắm điện mà không được dùng điện thật không có nỗi buồn nào bằng”. Mỗi gia đình ở xóm Tháu đều có đến 2-3 chiếc đèn Hoa Kỳ: “Dùng đèn dầu vừa tăm tối lại vừa tốn kém, giá dầu hiện nay đắt hơn dùng điện, thế nhưng chúng tôi đâu có sự lựa chọn nào khác”, anh Thoát cho biết.

 

Xóm Tháu là xóm gần nhất với Thuỷ điện Hoà Bình, nhà máy thuỷ điện lớn nhất nhì Đông Nam Á. Khi các vùng sâu vùng xa trong cả nước ánh sáng điện thì xóm Tháu vẫn quanh năm, suốt tháng phải sử dụng cái đèn dầu tù mù. Ngay cả khi có dây điện chạy qua nhưng các hộ gia đình vẫn chưa được một lần sử dụng điện. Họ đành phải trông về ánh sáng nơi công trình thủy điện để mong ước một ngày được làm chủ ánh sáng đó.

 

                                                                                Việt Lâm

 

Các tin khác

Cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong những ngôi nhà ở bản Vắt.
Ông Nam uốn cây tre thành hình bản đồ Việt Nam để tặng cho Phủ Chủ tịch văn phòng Trung ương Đảng và phòng họp Quốc hội
Lối mòn cổ có niên đại 22 nghìn năm đã là thay đổi nhiều quan niệm, giả thuyết về cuộc sống của người Việt cổ trong nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng.

Người con của bản Dao

(HBĐT) - Năm 1939 có một đứa trẻ người xuôi bị một người đàn ông không rõ tung tích mang lên bán cho một gia đình người Dao ở vùng Đức Nhàn, huyện Đà Bắc. Cậu bé lúc đó khoảng 11 tuổi, bị lạc bố mẹ do chạy loạn giặc Pháp, không rõ quê mình ở đâu. Cậu được gia đình nhận nuôi đặt tên là Bàn Văn Phiên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục