Cán bộ trung tâm pháp y đo giám định thương tích cho đối tượng

Cán bộ trung tâm pháp y đo giám định thương tích cho đối tượng

(HBĐT) - Nói đến pháp y, nhiều người thường nghĩ rằng đó là một nghề gắn với mổ tử thi và hình dung ra những hình ảnh ghê người. Nhưng bên cạnh việc cầm dao mổ xác chết, mấy ai hiểu được cán bộ pháp y còn làm nhiều công việc khác như giám định thương tích, gánh trên vai trách nhiệm nặng nề - đi tìm công bằng cho những người cần đến sự giúp đỡ của họ.

 

 

Âm thầm đi tìm công lý, đội ngũ cán bộ pháp y đang từng ngày lặng lẽ với công việc, góp phần giúp các cơ quan pháp luật trong việc điều tra, xét xử, bảo vệ tính công bằng, nghiêm minh của luật pháp

 

Từ những chuyến đi

 

Bác sĩ Nguyễn Minh Tâm làm việc tại Trung tâm pháp y tỉnh là người có nhiều năm trong nghề. Dáng vẻ bề ngoài thâm trầm, ít nói dường như là đặc điểm nói lên công việc người bác sĩ này đang làm. Tuy vậy, khi tiếp xúc, trò chuyện về nghề nghiệp, bác sĩ Tâm lại như một con người khác hẳn, hồ hởi, say sưa, nhiệt tình. Ông cho biết: Làm công việc này bất kể giờ giấc, thời gian ngày hay đêm. Cứ khi nào cơ quan công an triệu tập là sẵn sàng lên đường, có khi vào tận rừng sâu, lên núi cao mới đến được hiện trường. Những chuyến đi như vậy đã để lại trong ông những kỷ niệm không thể nào quên.

 

Nhận được yêu cầu trưng cầu giám định, xác định nguyên nhân tử vong của cơ quan Công an huyện Tân Lạc đối với đối tượng treo cổ tự tử trên hang núi ở xã Ngòi Hoa, 2 giờ chiều, bác sĩ Tâm cùng đoàn xuất phát từ thành phố Hòa Bình vào huyện Tân Lạc. Từ huyện phải đi bộ hơn 10 km đường rừng đến hiện trường vụ tự tử trên hang núi. Đến nơi, ông bắt tay ngay vào công việc nhưng khi hoàn thành và trở về huyện cũng đã hơn 1 giờ sáng ngày hôm sau, lúc ấy mới được ăn bữa cơm chiều.  

 

Một vụ án khác, tại xóm Mớ Khoắc, xã Hạ Bì (Kim Bôi) có trường hợp người chết trong nhà nhưng không ai biết, 4 ngày sau khi xác chết bốc mùi thì mọi người mới phát hiện ra. Trời nhá nhem tối, bác sĩ Tâm và đoàn khám nghiệm đến nơi. Cả đoàn không ai chịu nổi mùi xác chết thối phải bỏ ra ngoài, còn lại bác sĩ Tâm và 2 đồng chí công an làm nhiệm vụ trong điều kiện ánh sáng mù mờ, trang bị chỉ bằng đôi gang tay ngắn. Người chết lâu ngày đã trương to, lột da như người bị phỏng, khi mổ khám nghiệm xong, đôi gang tay ngắn đã chứa đầy nước.

 

Vụ án ma túy tại xã Hang Kia (Mai Châu) xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua làm 3 chiến sĩ công an tỉnh hy sinh trong khi vây bắt đối tượng truy nã đặc biệt Vàng A Khua đến nay vẫn còn là khoảng lặng trong lòng nhiều người. Vàng A Khua bị tiêu diệt và con trai là Vàng A Của tử vong. Hang Kia là xã đồng bào người Mông, là “điểm nóng” về ma túy. Bác sĩ Nguyễn Minh Tâm đã có mặt tại hiện trường làm nhiệm vụ khám nghiệm tử thi đối tượng Vàng A Của. Nhưng đến nơi rồi để tiếp cận hiện trường lại không dễ dàng bởi người dân không cho vào. Lúc này cần phải có người có uy tín, được đồng bào tin tưởng mới có thể vượt qua “hàng rào” chính là người dân bản xứ. Khi đó, bác sĩ Nguyễn Minh Tâm đã đứng ra “xưng danh” mình là bác sĩ ở bệnh viện tỉnh, đã từng cấp cứu cho nhiều bệnh nhân là người trong xã. Ông đọc từng tên những người đã được mình điều trị, thuyết phục bà con để cho bác sĩ và các đồng chí công an vào khám nghiệm tử thi để xác định vết đạn bắn từ phía nào, qua đó cũng giúp mọi người trong bản biết chính xác nguyên nhân cái chết của Vàng A Của. Được bà con tin tưởng, ê kíp làm việc gồm bác sĩ Tâm, 2 người giúp việc và 2 chiến sĩ công an đã tiếp cận được tử thi để làm nhiệm vụ.

 

Trăn trở với nghề                   

 

Bác sĩ Bùi Vĩnh Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh trầm ngâm: Nói về nghề pháp y không đơn thuần chỉ là mổ xác chết như nhiều người thường nghĩ nhưng đó là lĩnh vực vất vả và gian truân nhất. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện việc giám định thương tích khi có trưng cầu của các cơ quan tố tụng phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử như giám định vết thương do đánh nhau, tỷ lệ thương tật do tai nạn giao thông, xác nhận chứng thương cho những trường hợp tai nạn đi nằm viện…

 

Với biên chế 13 cán bộ, lực lượng mỏng, cán bộ chuyên môn chưa đủ, thiếu giám định viên chuyên sâu về tâm thần, đọc kết quả điện não đồ… Nhất là trang bị, phương tiện phục vụ cho công việc nghèo nàn. Hiện, trung tâm có bộ mổ tử thi, máy ảnh nhưng tất cả đều cũ kỹ. Trụ sở làm việc của trung tâm chưa có đang phải mượn nhờ  một số phòng của Trung tâm TTGDSK. Khó khăn là vậy nhưng đội ngũ cán bộ giám định viên luôn nỗ lực cố gắng khắc phục để hoàn thành tốt công việc. Những vụ việc hiện trường ở gần, nhóm làm việc tự đi xe máy, nếu ở xa thì liên hệ đi nhờ xe của các cơ quan khác hoặc tổ chức thuê xe đi. Đối với những giám định, Trung tâm chưa có phương tiện kỹ thuật như giám định tình dục, giám định tinh thần được kết hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn về con người hiện đang là nỗi trăn trở và khó khắc phục hơn cả.

 

“Hầu như không có bác sĩ trẻ nào muốn về công tác ở cơ quan pháp y”, bác sỹ Tâm cười buồn. Khó khăn, vất vả một phần nhưng phải kể đến yếu tố thu nhập. Thu nhập quá thấp không tương xứng với yêu cầu công việc đã không thu hút được đội ngũ bác sĩ, nhất là những bác sĩ trẻ mới ra trường. Ông chia sẻ: Làm nghề này nếu không có tâm huyết, nhiệt tình thì thật khó trụ vững. Bản thân ông là bác sĩ chuyên khoa I về sản, với tấm bằng này chỉ cần mở phòng khám thì thu nhập cũng sẽ gấp nhiều lần làm bác sĩ pháp y mà lại nhàn nhã hơn. Cách đây một năm ông cũng đã từng có ý định rời trung tâm về lại bệnh viện. Nhưng với lòng yêu nghề và mong muốn truyền dạy lại kinh nghiệm cho lớp trẻ nên ông đã quyết định tiếp tục gắn bó với nghề.

 

Công lý ở trong tâm

 

Yêu cầu công việc, yêu cầu pháp luật đòi hỏi người cán bộ pháp y không những phải có trình độ chuyên môn vững vàng mà còn cần lắm ở họ tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Và không nề hà, dù đó là vụ việc đơn giản hay phức tạp, họ luôn vào cuộc một cách bình tĩnh, tự tin và cẩn trọng để sau đó tìm ra nguyên nhân xác thực của một vụ chết người. Những trường hợp ẩu đả hoặc hành hung dẫn đến gây thương tích, khi được cơ quan điều tra yêu cầu trưng cầu giám định thương tật, họ phải khai thác tiền sử về bệnh tật của người bị hại một cách cẩn thận, tiến hành thăm khám thật kỹ lưỡng và đánh giá thật chính xác mức độ thương tổn của người bị hại, vì chỉ cần một sơ suất nhỏ, một chút chủ quan thôi là họ sẽ làm thay đổi mức độ phạm tội của người gây án, nhất là ở những mốc có nhạy cảm. Nói theo cách của bác sĩ Tâm thì “Chỉ cần một cái dịch bút của người bác sĩ pháp y là có thể tăng lên hay giảm đi tỷ lệ tổn hại sức khỏe của người bị hại”. Và đó là chỉ cần tăng hay giảm 1% sự xác định thương tổn trên người bị hại là người gây ra hậu quả có thể bị truy cứu hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong 3 năm qua (2007-2009), Trung tâm pháp y đã giám định thương tích cho 656 trường hợp, xác nhận chứng thương 723 ca, giải phẫu tử thi 7 trường hợp. Không có trường hợp kết luận giám định nào bị khiếu kiện, khiếu nại hay cơ quan tố tụng yêu cầu giám định lại vì kết luận sai. Uy tín và chất lượng hoạt động chuyên môn ngày càng được nâng cao.

 

Với tính chất đặc thù của công việc, người cán bộ pháp y không chỉ cần có thái độ công tâm, luôn phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để có thể giúp cơ quan chức năng kết luận vụ việc chính xác, hạn chế tối đa tình trạng nghi oan cho người vô tội hoặc để "lọt người, lọt tội". Đồng thời, họ cũng phải luôn tỉnh táo, cảnh giác không để sự cám dỗ của vật chất dẫn đến với những việc làm trái đạo đức và lương tâm của một người thầy thuốc, tạo nên sự oan sai, làm lệch đi sự công bằng của cán cân công lý. Sự công bằng ấy có trong tâm của mỗi người cán bộ pháp y.

 

 

 

                                                                                  Thu Hà

Các tin khác

Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào của thành phố Hoà Bình cùng nhau ôn lại kỉ niệm những năm tháng tham gia giúp bạn
Hàng ngàn thanh niên xung phong của tỉnh đã tham gia vận tải lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ
CB, PV Báo Hòa Bình và Hà Tĩnh tưởng nhớ các liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc

Ký sự xuyên Việt: Bài 5 - Sắc màu Nam bộ

(HBĐT) - Nam Bộ là vùng đất đa văn hoá, đa dân tộc. Nhưng những sắc thái văn hoá, con người ở đây vẫn luôn nằm trong một tổng thể hài hoà và thống nhất. Chính điều đó đã tạo nên những sắc màu rất riêng cho vùng đất Nam Bộ vừa gần gũi, vừa thân thiện và thật đáng yêu. Nhờ vậy, con đường xuyên Việt qua miền Tây sông nước đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với chúng tôi là một chặng đường thú vị nhất...

Ký sự xuyên Việt: Bài 4 - Ngày 30/4 ở thành phố Hồ Chí Minh

(HBĐT) - Thành phố Hồ Chí Minh - lần đầu tiên chúng tôi đến. Vừa lạ lẫm, vừa thấy thân quen. Lạ vì phố xá, còn ký ức về đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn như gần gũi, quen thuộc. Bây giờ, sau 35 năm, trên hành trình xuyên Việt, chúng tôi đã đặt chân đến điểm cuối của cuộc chiến tranh đã được sống trong không khí, niềm vui của ngày chiến thắng.

Ký sự xuyên Việt: Bài 3 - Dọc đường chiến thắng

(HBĐT) - Tháng 3, tháng 4, thời tiết miền Trung, miền Nam nắng nóng bỏng rát. Nhưng ở những nơi chúng tôi đặt chân đến và đi qua từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đều náo nức kỷ niệm ngày chiến thắng cách đây 35 năm trước. Không có gì thú vị hơn khi được tham gia vào cuộc hành trình tiến về Sài Gòn trong niềm vui chiến thắng ở những vùng đất đi qua.

Ký sự xuyên Việt: Bài 2 - Ghi ở nghĩa trang Trường Sơn

(HBĐT) - Trước một màu trắng mênh mông tưởng như vô tận của những tấm bia mộ giữa núi rừng Trường Sơn của hơn một vạn người con đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mỗi người một tâm trạng, một cảm xúc. Nhưng trên nét mặt của mỗi cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình khi đứng trước những nấm mộ thanh xuân và trinh nguyên như những hạt giống tốt gieo vào tầng đất phù sa chưa kịp nảy mầm ấy vẫn không giấu nổi cảm xúc rưng rưng nghẹn ngào...

Ký sự xuyên Việt: Bài 1 - Xa miền gió lạnh

(HBĐT) - Ngay trước chuyến đi, đồng chí Đinh Văn Ổn, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình đã nhấn mạnh và giao nhiệm vụ: Đây là chuyến công tác nhằm học tập, trao đổi kinh nghiệm với các báo bạn khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ. Do vậy có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình. Ngoài ra, đây là chuyến đi nhằm hướng tới kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2010).

Kỳ II - Khi tiềm năng du lịch bắt đầu được đánh thức

(HBĐT) - Du lịch vùng hồ Hoà Bình - một trong các khu du lịch trọng điểm quốc gia được xác định với vai trò động lực thúc đẩy phát triển du lịch của vùng, bước đầu đã xuất hiện những tín hiệu vui khi các dự án đầu tư phát triển du lịch bắt đầu được triển khai, đưa “thương hiệu” du lịch hồ Hoà Bình đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục