Đoàn công tác của tỉnh Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm bên cột chủ quyền trên đảo Sơn Ca.

Đoàn công tác của tỉnh Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm bên cột chủ quyền trên đảo Sơn Ca.

(HBĐT) - Rời đảo Song Tử Tây, đoàn tiếp tục hải trình đến đảo Đá Thị và đảo Sơn Ca. Khoảng cách của hành trình này khá dài. Sóng yên, biển lặng dù phía Philippin có cơn bão lớn đang tiến vào biển Đông. Sự yên bình của biển cả chỉ là bề ngoài để chất chứa đâu đó sự ngột ngạt dữ dội và căng thẳng. Tàu HQ 996 vẫn băng băng hướng tới trên vùng biển thuộc chủ quyền.

 

Hành trình sẽ phải đi qua đảo Xu Bi hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988. Như truyền thông quốc tế đã đưa tin và liên tục lên tiếng phản đối việc Trung Quốc phá vỡ hiện trạng trên Biển Đông bằng việc xây dựng các công trình quân sự, mở rộng các điểm đảo là quá rõ và chúng tôi đang thực tế chứng kiến. Sau sự kiện dàn khoan HD 981, phía Trung Quốc tập trung vào tôn tạo, mở rộng, nâng cấp hàng loạt đảo nhằm những mục tiêu lâu dài trên Biển Đông. Các công trình trên đảo được xây dựng đồ sộ, cao đến năm, bảy tầng với khoảng thời gian và tiến độ rất nhanh phục vụ các mục đích quân sự và dân sự.

 

Trên Biển Đông có nhiều quốc gia chiếm đóng các điểm đảo. Để phân biệt bằng mắt thường đảo nào do phía Trung Quốc chiếm giữ rất dễ. Ví như đảo Xubi, từ khoảng cách từ 10 - 15 hải lý, chúng tôi đã thấy đảo hiện lên trắng toát, không cây xanh, nhiều công trình đồ sộ, dàn cần cẩu nhấp nhô. Là đảo đá ngầm, nhưng chỉ với thời gian rất ngắn, phương tiện hiện đại, phía Trung Quốc đã xây dựng Xubi thành đảo nổi dài khoảng hơn bốn nghìn mét. Quanh đó, gần vị trí đảo có mấy tàu cá Trung Quốc to đùng, hai bên mạn là giàn giá đỡ đèn lưới kềnh càng. Các tàu cá này của Trung Quốc đều thả neo lặng lẽ và không hề quan tâm đến việc đánh bắt hải sản. Tôi quan sát thấy gần đó cũng có một chiếc tàu cá vỏ gỗ của ngư dân ta neo đậu. Mũi tàu luôn hướng về phía tàu cá và đảo Xubi. Anh thuyền phó và các trinh sát hải quân trên tàu, bằng ra đa và ống nhòm cũng theo dõi rất sát từng động thái của phía Trung Quốc. Các anh cho biết, hiện quanh đảo này có khoảng 20 tàu Trung Quốc làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ, trong đó có cả tàu vận tải quân sự đổ bộ và hộ vệ tên lửa. Tàu HQ 996 đi ngang qua Xubi với khoảng cách 6- 7 hải lý. Bỗng một chiếc tàu quân sự Trung Quốc màu xám xịt, xì khói, đột ngột quay đầu về phía chúng tôi băng tới. Các anh hải quân đề nghị tất cả lập tức rời mạn, rời boong vào hết trong tàu không đi lại nhốn nháo gây sự chú ý của “tàu lạ”.

 

Tới khoảng cách với tàu ta rất gần, bằng mắt thường có thể thấy rõ đây là một chiếc tàu vận tải quân sự đổ bộ trọng tải lớn trên mạn hiện rõ số hiệu 996 (một sự ngẫu nhiên đến kỳ lạ vì tàu HQ của ta cũng mang số 996) và tỏ ra rất hung hăng, pháo trên mui đã tháo bạt. Qua máy bộ đàm, “tàu lạ” giờ đã kéo cờ Trung Quốc liên tục phát đi những lời cảnh báo, dọa dẫm yêu cầu tàu HQ 996 tránh xa đảo và ra khỏi hải phận TQ một cách vô lý. Tàu chúng tôi vẫn bình tĩnh lướt tới. Nhưng tàu 996 của hải quân Trung Quốc cũng không vừa càng ép sát hơn hòng buộc tàu ta phải đổi hướng hành trình. Cuộc thi gan, đấu trí giữa một tàu chiến lớn có súng, pháo đã mở bạt với một chiếc tàu vận tải chở khách thông thường của ta kéo dài hàng tiếng đồng hồ và trên 12 hải lý. Thuyền trưởng Lê Minh Phúc vừa quan sát, vừa ra những mệnh lệnh ngắn gọn cho kíp lái. Từ trên đài chỉ huy, anh luôn nhắc nhở mọi người bình tĩnh, nhắc các thủy thủ phải kiềm chế, nhẫn nhịn tránh những tình huống xấu sảy ra vì sự an toàn chuyến đi của cả đoàn.

 

      

    Những chiến sĩ hải quân trên đảo Đá Thị luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ.

 

Trên tàu có khá nhiều các phóng viên của các báo, đài T.Ư và địa phương. Các nhà báo liên tục tác nghiệp, máy quay phim, máy ảnh liên tục chĩa về phía tàu Trung Quốc ghi hình một cách chuyên nghiệp. Cuối cùng tàu 996 của hải quân Trung Quốc cũng phải bỏ cuộc, nó hú lên những hồi còi, giảm tốc độ và quay đầu chuyển hướng... Trước khi đến đảo Sơn Ca, chúng tôi ghé đảo Đá Thị nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, ở tọa độ 10*24,7’N và 114*35,15’E, cách đảo Sơn Ca 6 hải lý. Là đảo đá ngầm có hình tròn và dẹt về phía hai đầu, dài 3,2 km, rộng khoảng 1,82 km, Đá Thị có vị trí quan trọng trong thế trận của quần đảo. Mỗi năm ở đây có hơn 130 ngày gió mạnh cấp 6 trở lên. Từ tháng 7 đến tháng 12 thường có bão đi qua khu vực đảo, biển động, sóng cao, gây khó khăn cho tàu ra neo đậu làm nhiệm vụ tại đảo. Các anh bộ đội đóng trên đảo kể, có những lần bão lớn, sóng to trùm lên đảo. Các anh ngồi trong nhà, dù đã đóng hết cửa, trùm áo mưa nhưng vẫn bị ướt. Độ ẩm cao mang theo nhiều hơi sương muối làm cho trang bị vũ khí, khí tài nhanh chóng xuống cấp, lương thực, thực phẩm nhanh chóng bị hư hỏng... Theo thượng uý chỉ huy trưởng Nguyễn Đạt, mặc dù khó khăn là vậy nhưng chiến sỹ trên đảo luôn hoàn thành nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, duy trì trên 96% quân số khỏe. Chỉ huy đảo có chương trình công tác cụ thể, lịch trình, thời gian biểu từng ngày. Duy trì tốt huấn luyện tác chiến, quản lý và làm chủ vũ khí, phương tiện. Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, các anh ngày đêm làm tốt nhiệm vụ quan sát, theo dõi các mục tiêu qua lại trên không, trên biển. Ghi chép rõ ràng tỉ mỉ số lượng tàu thuyền qua lại, thông tin liên lạc kịp thời với cấp trên và với các đơn vị phối hợp. Khu vực đảo thường xuyên có tàu quân sự, tàu cá, tàu không rõ quốc tịch của phía Trung Quốc, Đài Loan, các loại máy bay qua lại, vi phạm chủ quyền của ta. Nhờ có phương án bảo vệ, tác chiến bài bản, các anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm của tàu thuyền nước ngoài để bảo vệ chủ quyền. Trên đảo, các anh còn tích cực tăng gia cải thiện đời sống, trồng rau xanh, chăn nuôi gà, chó, lợn... Ngoài giờ trực chiến, các anh tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, báo tường, thi đấu cờ tướng, cờ vua, đọc sách báo. Đảo Đá Thị còn là địa chỉ tin cậy của ngư dân ta vào neo đậu tránh, trú bão. Không ít ngư dân bị tai nạn, ốm đau được chiến sỹ trên đảo cấp cứu, chữa trị, được hỗ trợ lương thực, nước ngọt... Quân số không đông lại tách biệt giữa biển khơi, sống và bám trụ làm nhiệm vụ trên đảo đá nhỏ nhoi là điều không dễ dàng. Ở đây, kỷ luật là số một. Trong đoàn công tác, có thành viên tặng sim điện thoại cho một chiến sĩ trên đảo nhưng anh lính không nhận, bật điện thoại cho anh bộ đội này gọi điện trao đổi với người thân nhưng anh lính cũng khước từ. Hỏi ra, chúng tôi mới biết đó là quy định, trên đảo không được dùng điện thoại cá nhân. Cuộc sống người chiến sĩ hải quân khó khăn là vậy, nhưng ý chí, nghị lực như thép đã được tôi của các anh làm cho chúng tôi cảm phục đến xúc động. Các anh đã mang lại niềm tin cho đồng đội, cho đất liền. Đảo của các anh “nhỏ nhưng có võ”.

 

Đến 12h30 ngày 10/5, tàu HQ 996 thả neo tại đảo Sơn Ca, một hòn đảo nhiều cây xanh rất đẹp. Đảo có hình bầu dục, dài khoảng 440m, diện tích 3, 03ha. Sau một thời gian tôn tạo, hiện nay diện tích đảo rộng trên 6ha, được nâng cấp lên đảo cấp 1. Sơn Ca cách đảo Ba Bình do phía Đài Loan chiếm đóng từ năm 1956 khoảng 6,2 hải lý về phía đông, cạnh đó còn có đảo Bàn Than cũng do phía Đài Loan tranh chấp chiếm đóng. Cũng như các đảo khác, bộ đội trên đảo Sơn Ca tổ chức lễ chào cờ, duyệt đội ngũ rất trang trọng. Các binh chủng trên đảo trong quân phục đẹp, nhất là lính hải quân mặc áo trắng, mũ có giải lụa xanh bay trong nắng gió. Các anh thật khỏe khoắn, oai hùng trong hàng quân từ khắp mọi miền Tổ quốc có mặt trên đảo. Trên đảo từ lâu có nhiều cây cối xanh tốt, xum xuê, rợp bóng mát. Chim Sơn Ca thường đến đây làm tổ, nuôi con và sinh sống nên đảo được đặt tên là Sơn Ca. Đoàn Hoà Bình có khá nhiều thời gian để thăm hỏi, động viên, tặng quà, tìm hiểu thực tế đời sống chiến sỹ trên đảo. Giữa biển khơi nhưng từ tháng 11/2014 đến nay không có mưa, trên đảo không có giếng nước ngọt nên chiến sỹ khát khao mưa. Lời chúc của Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Trần Đăng Ninh “chúc đảo nhanh có mưa” được các chiến sỹ vỗ tay to nhất.

 

Đi dưới tán Bàng thường, Bàng vuông, mù u, chúng tôi đến thăm các cụm chiến đấu 1, thiết giáp, pháo cối, bệnh xá, trò chuyện với các anh lính trẻ. Tôi thích nhất tấm pano có khẩu hiệu: “súng không lau, súng mau han rỉ; người không rèn, ý chí không cao”. Thượng tá đảo trưởng Lương Duy Hạnh cho biết: Ngoài rèn luyện trên thao trường một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, chiến sỹ trên đảo còn phải rèn luyện lễ tiết, kỷ luật, tác phong quân nhân, đồng thời tích cực luyện tập thể thao, văn hoá - văn nghệ. Trong khuôn viên Võ Nguyên Giáp, trồng nhiều loại hoa, cây cảnh khá đẹp. Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng - Phạm Xuân Trung cũng cho biết: Do vị trí của đảo cách đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm đóng không xa nên chiến sỹ trên đảo luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Vũ khí trên đảo được trang bị nhiều loại hỏa lực mạnh có thể bao trùm khoảng cách 12 hải lý trên biển. Đảo Sơn Ca thực sự là một pháo đài kiên cố trên Biển Đông sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa của Tổ quốc và là điểm tựa cho ngư dân trên biển.

 

 

 

                                                Ghi chép của Thùy An

 

 

Bài 4: Thăm Nam Yết, Sinh Tồn, đến Cô Lin tưởng niệm 64 liệt sĩ trận Gạc Ma bất tử.

 

 

 

 

 

Các tin khác

Đảo Song Tử Tây nổi lên từ biển như một
Đoàn Hòa Bình tham gia biểu diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/2015).
Vầng hoa râm bụt Bác Hồ trồng năm 1948 bên lán Tỉn Keo vẫn lên xanh tốt, tỏa bóng mát.
Đài tưởng niệm tại Thành Cổ Quảng Trị được mô hình hoá thành nấm mộ chung cho những người đã hy sinh.

Nhức nhối tình trạng ăn xin biến tướng ở thành phố Hòa Bình

(HBĐT) - Cuộc sống mỗi người một hoàn cảnh, cực chẳng đã mới phải ngửa tay ăn xin. Người dân TP Hòa Bình có tấm lòng nhân ái, biết giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó hơn. Song, chứng kiến những cảnh ăn xin biến tướng, thậm chí côn đồ, nhiều người từ chỗ cảm thông, chia sẻ đã trở nên bức xúc, bất an.

Hồ Ba Bể - thênh thang một góc nhìn

(HBĐT) - Dòng nước xanh thăm thẳm giữa điệp trùng màu xanh của núi rừng, hồ Ba Bể như một tấm gương màu ngọc phản chiếu bóng núi, rừng cây. Điểm xuyết giữa dòng xanh thẳm ấy là hình ảnh cô gái Tày trong sắc áo chàm nhẹ lướt trên những chiếc thuyền độc mộc. Phong cảnh ấy tựa một bức tranh thủy mặc hữu tình, nên thơ.

Vũng Chùa - ru giấc ngàn thu

(HBĐT) - Vậy là chúng tôi đã thực hiện được ước nguyện một lần về với quê mẹ Quảng Bình, được tự tay thắp nén hương thơm lên phần mộ “Đại tướng của nhân dân” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vào sáng 30/4, ngày cả nước hân hoan kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đã có hàng triệu, hàng triệu người từ khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi an nghỉ ngàn thu của Đại tướng cùng tâm nguyện tỏ lòng tri ân với người anh cả của QĐND Việt Nam, người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Người lái xe thiết giáp vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975

(HBĐT) - Dù đã 40 năm tròn, nhưng mỗi lần nhớ lại thời điểm chiếc xe thiết giáp lội nước PV60 cùng đồng đội có mặt tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, ông Đinh Huy Hấu (tổ 13, phường Thịnh Lang, TPHB) vẫn không khỏi xúc động. Bởi cảm xúc ngày toàn thắng ùa về vẫn còn nghẹn lại trong tim người lính chiến.

Kỳ tích bắn máy bay Mỹ bằng... 6 viên đạn

(HBĐT) - Bắn cháy chiếc máy bay phản lực RF101 của không quân Mỹ chỉ bằng... 6 viên đạn súng trường. Đó là niềm tự hào của Trung đội dân quân du kích xã Trung Thành (Đà Bắc).

“Dũng sỹ bắn máy bay” trên đường tiến về Sài Gòn

(HBĐT) - “... Xưa có một màu xanh cây lúa, bước lên đường hôm nào. Nay đã thành một chiến sỹ pháo binh, đứng vững trên chiến hào...”. Trong những cuộc chiến, người chiến sỹ pháo binh ấy đã 2 lần vinh dự được tặng danh hiệu “dũng sỹ bắn máy bay”. Ông là Tạ Duy Sản, phó Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục