Nhiều diện tích đất lâm nghiệp địa phận xóm Nếp - xã Tây Phong (Cao Phong), xóm Bậy - xã Quy Hậu (Tân Lạc) đã sang nhượng cho các nhà đầu tư chuyển đổi trồng cây ăn quả nhưng chưa có xác nhận của cấp có thẩm quyền.
(HBĐT) - Gần đây, đất trồng cây ăn quả có múi ngày càng trở nên sốt giá. Nhiều tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở TPHB, các huyện và nhà đầu tư ngoại tỉnh đổ xô đi tìm mua đất trồng bưởi, cam, chanh. Thời buổi người người, nhà nhà nuôi giấc mộng làm giàu từ cây có múi nên muốn kiếm 1 ha đất vườn hay đất có độ dốc vừa phải ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc... hết sức khó khăn. Không bỏ cuộc, các nhà đầu tư rầm rộ chuyển hướng đưa cây có múi lên đồi mang theo kỳ vọng sau kiến thiết, chanh, cam, bưởi cho thu hái, “tấc đất” sẽ hóa “tấc vàng”!
Bỏ trồng keo, “nô nức” cải tạo đất trồng cây ăn quả
Có một thực tế là nhiều hộ dân giờ không còn mặn mà với việc hợp tác trồng rừng bởi nhìn thấy giá trị kinh tế quá lớn từ cây ăn quả mang lại. Qua tìm hiểu, việc chuyển đổi từ đất trồng rừng (chủ yếu trồng keo) sang trồng cây có múi xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là trên địa bàn huyện Tân Lạc, Cao Phong với một số phương thức bao gồm hợp tác liên kết làm ăn giữa người có đất và nhà đầu tư có vốn + kỹ thuật; hộ dân tự bỏ vốn chuyển đổi; nhượng lại hoặc cho thuê đất rừng. Trong đó, tình trạng nhượng lại đất cho nhà đầu tư diễn ra khá sôi động.
Tại huyện Cao Phong, theo số liệu ước diện tích đất lâm nghiệp chuyển sang trồng cây khác vào khoảng 600 ha, tập trung nhiều ở các xã: Bắc Phong, Xuân Phong, Tây Phong, Thu Phong, Yên Lập. Riêng xã Tây Phong, trong tổng diện tích trên 100 ha cây ăn quả có múi (cam, chanh, bưởi) thì có khoảng hơn 25ha được trồng trên đất rừng, tập trung ở 3 xóm Nếp, Bằng, Đồi. Hộ ông Bùi V. H ở phố Bằng là một thí dụ. Vào năm 2014, sau kết thúc kỳ khai thác keo lai, gia đình ông đã đánh bật toàn bộ gốc keo, đầu tư cải tạo đất để trồng cây có múi với diện tích hơn 1 ha. Ông H. dự kiến năm 2015 sau khi khai thác nốt diện tích rừng còn lại ở khu vực đồi Đác Trùng sẽ tiếp tục cải tạo trồng cây ăn quả thay thế.
Tại huyện Tân Lạc, ở 17/24 xã, thị trấn vừa có kết quả rà soát, thống kê, diện tích đất trồng rừng sau khai thác chuyển sang trồng cây có múi là 390 ha, chủ yếu ở các xã Quy Hậu, Đông Lai, Thanh Hối. Xóm Bậy, xã Quy Hậu là một trong những địa bàn chuyển đổi sôi động nhất. Tuy nhiên, hầu hết diện tích đất lâm nghiệp ở đây đã được bán, nhượng lại cho các nhà đầu tư bên ngoài trước khi chuyển sang trồng cây có múi với giá 150 - 200 triệu đồng /ha. Phương thức mua - bán thường là giao dịch “ngầm”, viết giấy biên nhận trao tay, không qua xác nhận của UBND xã có thẩm quyền. Điều này nảy sinh những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và nhiều vấn đề quan ngại khác.
Nhiều điều trăn trở...
Theo quy định của Luật Đất đai, đất trồng rừng được phép chuyển đổi sang mục đích trồng cây nông nghiệp khác, hộ dân muốn chuyển đổi phải có đơn và được cấp có thẩm quyền xác nhận. Tuy nhiên, cùng với tình trạng mua bán trao tay, nhiều hộ dân lờ luôn thủ tục xác nhận. Đồng chí Bùi Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Quy Hậu (Tân Lạc) cho biết: UBND xã đã có thông báo về các xóm yêu cầu bà con không chuyển đổi, sang nhượng đất lâm nghiệp khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch chung của địa phương, nhưng hiện trạng ở các xóm vẫn chưa biến chuyển. Tới đây, xã sẽ phối hợp với Hạt Kiểm lâm, phòng TN &MT huyện kiểm tra diện tích đất của các hộ, làm rõ căn cứ để xử lý vi phạm theo từng mức độ.
Đồng chí Bùi Văn Tươi, Chủ tịch UBND xã Tây Phong (Cao Phong) xác nhận: Từ năm 2012, 2013 trở lại đây trên địa bàn xã cũng xảy ra tình trạng nêu trên. Xét về quy định thì hộ dân không được tự ý chuyển đổi nhưng trên thực tế bà con vẫn cứ làm. Đến giờ, xã cũng chỉ tuyên truyền, nhắc nhở là chính chứ chưa có biện pháp kiên quyết nào.
Đồng chí Nguyễn Thượng Hiền, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cao Phong băn khoăn: Hiện giờ vận động bà con trồng rừng rất khó khi mà giá trị cây ăn quả quá cao bày ra trước mắt. Cùng với nguy cơ giảm diện tích rừng trồng, những khó khăn mà hộ dân chưa lường trước được đó là khi bán đất, họ - lực lượng lao động rơi vào tình cảnh mất đất sản xuất và trở thành người làm thuê ngay trên đất của mình. Vấn đề tích tụ đất chuyển từ nông dân sang các nhà đầu tư có điều kiện về vốn cũng đáng báo động.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT được biết: Hàng năm, Sở đã có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển đổi đối với cây ăn quả, tập trung ở những nơi đã khảo sát, đáp ứng điều kiện trồng để tránh rủi ro. Tỉnh ta đã quy hoạch đến năm 2020 có khoảng 5.084 ha cây ăn quả và đến nay vẫn tiếp tục điều chỉnh, bổ sung một số diện tích đủ điều kiện để đưa vào quy hoạch. Hiện chưa có báo cáo đánh giá về tình trạng trồng cây ăn quả không theo diện tích đã quy hoạch ở các địa phương. Tuy nhiên, việc một số tổ chức, cá nhân hộ gia đình nóng vội phát triển kinh tế, chưa tìm hiểu kỹ đã chuyển đổi đất trồng rừng không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật (thường là đất xấu, độ dốc cao, khó khăn về nguồn nước) để trồng cây ăn quả có múi là có thật. Đương nhiên, những diện tích đất này không nằm trong quy hoạch đất trồng cây có múi hàng năm. Trước thực trạng trên, đề nghị UBND các huyện kiểm tra, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, hệ thống khuyến nông, BVTV cơ sở tiến hành kiểm tra, đôn đốc để hướng dẫn hộ dân trồng theo đúng quy hoạch và khuyến cáo không trồng trên đất lâm nghiệp để tránh rủi ro.
(Còn nữa)
Bài 2: Những hệ lụy không chờ đến mai sau.
(HBĐT) - Rời đảo Song Tử Tây, đoàn tiếp tục hải trình đến đảo Đá Thị và đảo Sơn Ca. Khoảng cách của hành trình này khá dài. Sóng yên, biển lặng dù phía Philippin có cơn bão lớn đang tiến vào biển Đông. Sự yên bình của biển cả chỉ là bề ngoài để chất chứa đâu đó sự ngột ngạt dữ dội và căng thẳng. Tàu HQ 996 vẫn băng băng hướng tới trên vùng biển thuộc chủ quyền.
(HBĐT) - Sau hải trình gần 3 ngày, chúng tôi đã đến được đảo Song Tử Tây. Theo thuyền trưởng, thiếu tá Lê Minh Phúc, chiếc tàu HQ 996 do ta đóng được đưa vào sử dụng đã hơn 20 năm nhưng chất lượng còn rất tốt. Tàu đi trên biển với vận tốc hơn 10 hải lý/giờ nhưng chúng tôi rất yên tâm dù đây là lần đầu ra biển lớn.
(HBĐT) - Đã có nhiều người con của quê hương Hòa Bình đến với Trường Sa để chiến đấu, bảo vệ và xây dựng. Người Hoà Bình cũng góp sức không nhỏ về vật chất, tinh thần cho biển, đảo của Tổ quốc, cho Trường Sa thân yêu. Nhưng đây là lần đầu tiên, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh ta thành lập đoàn công tác đi thăm, tặng quà và tìm hiểu thực tế tại Trường Sa mà cũng thật có ý nghĩa vì đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/2015) và 40 năm giải phóng Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.
(HBĐT) - Trong hành trình đến với Thái Nguyên, tôi chợt nhớ và đọc những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Vui sao một sáng tháng năm/ Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ”... Câu thơ ấy đã tiếp bước tôi trong chuyến về nguồn đến với Di tích lịch sử ATK Định Hóa. Để rồi từ đây với sự trợ giúp của các hướng dẫn viên du lịch, với quang cảnh, hiện vật xưa cũ, tôi và những người đồng nghiệp có dịp vẽ lại bức chân dung của Người ở núi rừng Việt Bắc.
(HBĐT) - Tôi thấy mình là người may mắn khi 2 lần được đến thăm Thành Cổ Quảng Trị thì cả 2 lần đều vào dịp cả nước hân hoan kỷ niệm 35 năm và 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
(HBĐT) - Cuộc sống mỗi người một hoàn cảnh, cực chẳng đã mới phải ngửa tay ăn xin. Người dân TP Hòa Bình có tấm lòng nhân ái, biết giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó hơn. Song, chứng kiến những cảnh ăn xin biến tướng, thậm chí côn đồ, nhiều người từ chỗ cảm thông, chia sẻ đã trở nên bức xúc, bất an.