Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018 với những nội dung cơ bản sau đây:
1. Một số quy định chung: Luật quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Luật quy định: Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt, đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định; việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
2. Chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin: Chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin là công dân (riêng nhóm đối tượng là người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người dưới 18 tuổi thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật). Đối với các trường hợp là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam (được bảo hộ một số quyền, lợi ích chính đáng theo nguyên tắc đối xử quốc gia hoặc có đi có lại) được yêu cầu cung cấp những thông tin có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ.
3. Chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin: Các cơ quan Nhà nước, từ cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đến cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin thuộc phạm vi thông tin được tiếp cận và do mình tạo ra cho công dân. Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn, Luật giao cho UBND cấp xã thực hiện việc cung cấp thông tin do mình nhận được từ cơ quan khác để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
4. Cách thức tiếp cận thông tin: Công dân được tiếp cận thông tin bằng hai cách thức (i): Tự do tiếp cận thông tin do cơ quan Nhà nước công khai; (ii): Yêu cầu cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin.
5. Phạm vi thông tin được tiếp cận: Công dân được tiếp cận tất cả thông tin của cơ quan Nhà nước theo quy định của Luật này (trừ thông tin thuộc bí mật Nhà nước). Đối với các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình thì công dân chỉ được tiếp cận khi chủ sở hữu bí mật kinh doanh, cá nhân, các thành viên gia đình đồng ý. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan Nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý của cá nhân đó.
5.1. Thông tin các cơ quan Nhà nước phải công khai rộng rãi: Luật quy định 15 loại thông tin mà các cơ quan Nhà nước phải công khai, từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật, dự thảo văn bản QPPL và những vấn đề cần lấy ý kiến nhân dân; nội dung và kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan Nhà nước mà đưa ra lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật; đề án và dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính đến các thông tin về chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển KT-XH của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực… và các thông tin khác phải được công khai theo quy định của pháp luật.
5.2. Thông tin được cung cấp theo yêu cầu: Là những thông tin phải được công khai nhưng chưa được công khai; đã hết thời hạn công khai hoặc đang được công khai nhưng vì lý do khách quan, người yêu cầu không thể tiếp cận; thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đủ điều kiện cung cấp theo quy định tại Điều 7 của Luật này; thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người yêu cầu cung cấp thông tin nhưng không thuộc loại thông tin quy định tại Điều 17 của Luật này và khoản 2, Điều 23.
6. Quy trình tiếp cận thông tin theo yêu cầu của công dân: Người yêu cầu cung cấp thông tin có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến trụ sở của cơ quan Nhà nước hoặc gửi phiếu yêu cầu qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax đến cơ quan cung cấp thông tin.
Việc cung cấp thông tin theo yêu cầu được thực hiện bằng hình thức trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin hoặc qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax. Khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin hợp lệ, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin. Trường hợp từ chối cung cấp thông tin, cơ quan Nhà nước phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
7. Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân: Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc xác định đơn vị, cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin; lập, cập nhật, danh mục thông tin phải được công khai; duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin có trách nhiệm cung cấp, bảo đảm thông tin có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ dàng tra cứu; rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp… Bộ Thông tin và Truyền thông giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp và quy trình bảo vệ thông tin, bảo vệ các hệ thống quản lý thông tin. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ theo dõi chung việc thi hành Luật này. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh mình, thi hành các biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo hướng dẫn của Chính phủ.
Mai Huệ
Sở Tư pháp (tổng hợp)